Tập đoàn Mai Linh: Số lượng lái xe Uber, Grab gia nhập Mai Linh tăng đột biến, có những nhân viên cũ của công ty
Theo đại diện Tập đoàn Mai Linh, nhiều người cũng gọi điện tới tổng đài và đến văn phòng công ty để tìm hiểu chính sách và nộp đơn đăng ký làm đối tác của công ty. Số lượng lái xe Uber, Grab trở về Mai Linh cũng đã tăng đột biến trong những ngày vừa qua.
- 27-03-2018Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á: Có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?
- 27-03-2018Uber "biến mất" tại Việt Nam sau ngày 8.4: Bớt cạnh tranh, khách hàng, lái xe có bị thiệt?
- 27-03-2018Thông tin người dùng và lái xe của Uber tại Việt Nam sẽ được Grab xử lý ra sao?
Nhiều lái xe Uber, Grab trở về công ty taxi
Phải chờ khá lâu mới có thể nhận được phản hồi từ phía Mai Linh. Tổng đài điện thoại của hãng taxi này đã "nóng lên" sau ít giờ thỏa thuận sáp nhập giữa Grab và Uber tại khu vực Đông Nam Á được công bố.
Đại diện Tập đoàn Mai Linh khẳng định, lượng người gọi điện đến tổng đài và gặp trực tiếp nhân viên tại văn phòng của Mai Linh đã tăng đột biến trong 2 ngày qua. Xe hợp đồng điện tử và "xe ôm công nghệ" là hai dịch vụ được quan tâm nhiều nhất. Phần lớn những người liên lạc mong muốn trở thành đối tác của hãng taxi 25 năm tuổi này.
"Từ hôm qua đến giờ, rất nhiều người gọi điện, đến trực tiếp văn phòng để tìm hiểu chính sách công ty, và nộp đơn đăng ký trở thành đối tác. Đặc biệt, trong số này có hàng chục cựu nhân viên của Mai Linh. Họ từng là lái xe cho Mai Linh trước khi rời công ty, mua ô tô để chạy Uber, Grab" – đại diện Mai Linh nói trong cuộc trao đổi nhanh chiều 27/3.
Dịch vụ xe ôm công nghệ Mai Linh Bike cũng là sự lựa chọn mới của nhiều lái xe UberMOTO. Những người đến đăng ký Mai Linh Bike vẫn còn khoác đồng phục xanh dương và đội mũ bảo hiểm Uber. Các chính sách áp dụng với đối tác vẫn được giữ nguyên.
Đại diện Mai Linh cho biết, cùng thời điểm Uber chấm dứt hoạt động tại Đông Nam Á (4/2018), Mai Linh sẽ khai trương dịch vụ Mai Linh Bike tại Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nha Trang, Cần Thơ, Quảng Ninh. Tỷ lệ chia sẻ doanh thu 15-85 được công ty cam kết duy trì lâu dài. Trong đó, đối tác lái xe sẽ được hưởng 85% doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách. Ngoài ra, hệ thống điểm tiếp thị trên cả nước cũng là điều được Mai Linh nhấn mạnh.
"Mai Linh có các điểm tiếp thị xe taxi ở khắp nơi, từ bến xe, bệnh viện, các trung tâm thương mại… cho nên đối tác hoàn toàn yên tâm khi đến đón khách tại các điểm tiếp thị mà không lo sự giành giật hay hiềm khích từ đối thủ cạnh tranh" – thông tin được phía Mai Linh nhắc lại nhiều lần.
Cơ hội vươn lên của startup vận tải?
Phạm Văn Dũng, trưởng nhóm phát triển ứng dụng TaxiGo cho rằng, việc Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á đang tạo ra cơ hội vươn lên cho những doanh nghiệp khác.
"Khách hàng luôn muốn có những sự lựa chọn khác và cơ chế cạnh tranh mới mang lại dịch vụ tốt nhất. Việc Grab mua lại Uber sẽ mang tới cơ hội cho chúng tôi cũng như những bên khác đang muốn tham gia sâu rộng hơn nữa vào thị trường" - Phạm Văn Dũng nói.
Ngay trong quý II/2018, TaxiGo sẽ đưa ra thị trường dịch vụ đặt xe đường ngắn. Trước đó, startup này chỉ cung cấp dịch vụ xe tiện chuyến đường dài, phân khúc mà Uber và Grab chưa tham gia.
Phía Carento, ứng dụng chuyên kết nối nhu cầu di chuyển đường dài, cũng chưa đưa ra bất cứ thay đổi nào trong chính sách áp dụng với đối tác. Trong khi đó, khách hàng chỉ phải trả 169.000 đồng cho quãng đường từ trung tâm thành phố Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài, mức giá thấp hơn nhiều so với Uber và Grab.
Vũ Trọng Nghĩa, trưởng nhóm phát triển ứng dụng Carento bỏ ngỏ câu hỏi liên quan đến cơ hội vươn lên của các startup vận tải trong thời gian tới. Anh cũng không đưa ra ý kiến bình luận nào về thương vụ giữa Grab và Uber. Thực tế, Uber chỉ là một trong số rất nhiều ứng dụng trên thị trường. Họ đã từng bán lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, Nga, Đông Âu và giờ là Đông Nam Á. Do đó, "Đừng khóc cho Uber, hãy cười lên vì bạn đã có một ứng dụng khác như Carento" – Nghĩa chia sẻ.