Tất cả những người thành công đều làm tốt từ những việc nhỏ nhất: Đừng là người tham vọng lớn nhưng lại trói gà không chặt
Khi bạn tiếp xúc nhiều với những người ưu tú, bạn sẽ nhận ra một điều rằng, chỉ những người tầm thường mới thích chỉ điểm giang sơn, những nhân vật tầm cỡ thường chú trọng tới chi tiết.
- 14-09-2021Đây chính là "Hoa hậu giàu nhất Việt Nam": Ở nhà dát vàng, lấy chồng giáo sư, nghe cách dạy con chỉ biết thốt lên 1 chữ "Tuyệt"
- 11-09-20219 bài học nhẹ nhàng đầy triết lý về cách sống mà một người mẹ hiểu biết nên "dạy con từ thuở còn thơ", giá trị sẽ theo con cả đời: Người lớn nghiền ngẫm cũng không hề thừa!
01
6 năm trước, khi nhậm chức trưởng phòng kinh doanh, tôi cần gấp một trợ lý.
Ngay sau khi thông tin tuyển dụng được đăng trên mạng nội bộ, trưởng bộ phận sản phẩm đã tiến cử trợ lý cho tôi, liên tục nói với tôi rằng người này giỏi giang ra sao.
Tôi đã gặp mặt phỏng vấn, cậu ấy quả thực rất ổn, biết cách nói chuyện, kiến thức rộng rãi, hơn nữa còn rất có chí tiến thủ.
Khi ấy tôi cũng khá ngờ hoặc, tại sao một nhân viên giỏi như vậy, người ta không giữ lại mà lại tiến cử cho tôi?
Qua một khoảng thời gian, tôi cuối cùng cũng đã hiểu được nguyên nhân.
Kiến thức của cậu trợ lý quả thực rộng, cậu ấy rất quen thuộc với việc hoạch định chiến lược của BAT và biết tất cả các loại mô hình đổi mới...
Nhưng điểm yếu đó chính là: cậu ấy rất khó có thể làm những công việc nhỏ theo yêu cầu của tôi.
Viết email luôn rất cẩu thả, từ ngữ diễn đạt không ra được ý.
Lãnh đạo đến kiểm tra các cuộc họp, luôn ngồi đó nói nọ nói kia, mà quên rằng phục vụ trà nước và viết biên bản cuộc họp cũng là việc của mình.
Khi viết báo cáo ngân sách cuối năm, số liệu trang đầu bị sai, sau khi yêu cầu cậu ấy sửa lại số liệu, tôi nhận thấy vẫn còn những số liệu sai, hỏi nguyên nhân thì cậu ấy nói rằng tôi chỉ yêu cầu sửa đổi dữ liệu của trang đầu tiên...
Tôi "nhắc nhở", cậu ấy không hài lòng, hôm sau xin tôi nghỉ việc, lý do là:
"Công việc tôi đang làm bây giờ chỉ toàn là những thứ tầm thường, không cần động nhiều não, tôi không nghĩ mình có nhiều cơ hội để phát triển, năng lực cũng không được cải thiện…"
Tôi không giữ cậu ấy lại…
02
Nếu ai đó hỏi tôi bí quyết để làm tới được những chức vụ lớn tại những công ty nổi tiếng là gì, tôi chỉ có một câu muốn chia sẻ với các bạn: hãy làm tốt từ những việc nhỏ.
Tôi đã từng được làm việc trong top Fortune 500 (Fortune Global 500 là một bảng xếp hạng hàng năm của 500 công ty, tập đoàn hàng đầu trên toàn thế giới tính theo doanh số. Danh sách này được biên soạn và xuất bản hàng năm bởi tạp chí Fortune), thậm chí còn tạo ra được những thành tích lớn tại đó, nhưng nhìn lại, tất cả chẳng qua cũng chỉ là thành quả của vô vàn những chuyện nhỏ tạo nên.
Khi còn là giám đốc kinh doanh, tôi lấy được một đơn hàng lớn trị giá hàng chục tỷ.
Đằng sau việc này là hàng trăm email liên lạc với bộ phận sản phẩm, phân loại mối quan hệ với khách hàng ở mọi cấp độ và chắt lọc từng từ trong tài liệu đấu thầu...
Tại trụ sở chính, một dự án tạo doanh thu do tôi quản lý đã mang lại nguồn thu kinh doanh hàng tỷ đồng cho công ty.
Đằng sau đó là vô số biểu mẫu theo dõi, liên lạc qua điện thoại, viết bài thúc đẩy động lực, các chuyến thăm và tuyên truyền...
Sau đó nữa, tôi làm việc với một công ty tư vấn nổi tiếng thế giới để đưa ra các kế hoạch chiến lược cho công ty, dự án sẽ quyết định hướng đi trong tương lai của đế chế tài chính này.
Tuy nhiên, không có gì lớn xảy ra trong suốt thời gian 6 tháng của dự án, có chăng chỉ là các cuộc họp điện thoại thông thường được tổ chức vào 23h mỗi ngày, hàng nghìn phút phỏng vấn, hàng trăm ý kiến sửa đổi kế hoạch, và các cuộc họp PK nội bộ lặp đi lặp lại…
Bạn có thể nghĩ rằng việc này liên quan đến chức vụ, những người có chức vụ cao có thể thoát khỏi những "cuộc dạo chơi rườm rà" và rất nhàn nhã?
Thực ra không hề như vậy.
Cá nhân tôi cũng được xem là người ở gần với vòng tròn những chức vụ cấp cao. Theo quan sát của tôi, ngay cả những nhà lãnh đạo hàng đầu của đế chế tài chính cũng không hề nhàn hạ, ngồi đó chỉ điểm giang sơn hay chỉ cần bày mưu lập kế rồi để người khác làm như bạn vẫn hay nghĩ, số lượng những chuyện nhỏ nhặt mà họ phải đối mặt hàng ngày còn gấp bội chúng ta.
Và việc họ phải làm, là làm tốt từng việc nhỏ nhặt đó.
Bỏ chuyện thành tích sang một bên, thật ra, chỉ cần bạn nghiêm túc một chút, cẩn thận một chút, kiên trì một chút trong công việc, vậy thôi cũng đủ để đưa bạn ra khỏi mảnh đất ba sào của chính mình, bước ra một mảnh vườn rộng lớn hơn.
Khi bạn tiếp xúc nhiều với những người ưu tú, bạn sẽ nhận ra một điều rằng, chỉ những người tầm thường mới thích chỉ điểm giang sơn, những nhân vật tầm cỡ thường chú trọng tới chi tiết.
03
Có người có thể nói rằng: "nghiêm túc một chút, cẩn thận một chút, kiên trì một chút", cái này tôi biết, nhưng chuyện mà tôi không hứng thú, tôi khó có thể tập trung cho nó được…
Đây không phải là điều hiếm thấy, phần lớn chúng ta đều sống rất vội vàng.
Con người là vậy, chúng ta luôn từ chối những thứ không thể trực tiếp và nhanh chóng mang lại lợi ích cho mình.
Vì vậy, bạn quan tâm đến các trò chơi, bởi vì nó sẽ cho bạn phần thưởng ngay lập tức, đánh được quái vật, hoàn thành nhiệm vụ, bạn lập tức sẽ được thăng cấp.
Vì vậy, bạn không có hứng thú với công việc đang làm, bởi lẽ bạn cảm giác như mình đang đánh một con quái vật vô hình, không biết phải cần tới bao nhiêu cú đấm mới hạ gục được nó, thậm chí nắm đấm có đánh trúng nó không, bạn cũng không biết.
Nhưng vì sao luôn có một bộ phận người có thể làm trái ngược lại với cái "con người là vậy" đó?
Lý do là họ biết cách thiết kế và sử dụng "động lực tự thân".
Có một người từng kể về câu chuyện của mình rằng, để vào được New Oriental (nhà cung cấp các dịch vụ giáo dục tư nhân tại Trung Quốc), anh ấy phải đạt điểm cao trong bài thi TOEFL/GRE, muốn đạt điểm cao thì anh ấy phải học thuộc 20.000 từ mới tiếng Anh.
Đâu được mấy người sẵn sàng học thuộc ngần đó từ mới tiếng anh phải không?
Nhưng anh nghĩ rằng vào New Oriental sẽ kiếm được 1 triệu nhân dân tệ tiền lương hàng năm, vì vậy mỗi từ ghi nhớ được sẽ tương đương với 50 nhân dân tệ (khoảng 175 ngàn đồng), đây là một việc rất có lợi, vì vậy, anh ấy tìm ra được động lực để tập trung, nghiêm túc và nỗ lực trong việc học từ mới.
Có một điều mà tôi muốn nói với các bạn rằng: Nhiều khi, nếu muốn hoàn thành công việc, bạn phải chơi trò ám thị tâm lý với bộ não của mình.
Cũng giống như khi tôi viết một bài báo, ban đầu, để nặn ra được một chữ để viết không phải điều đơn giản, nhưng khi tôi nghĩ rằng cứ 1.000 từ là sẽ gần hơn một bước tới việc xuất bản một cuốn sách, tôi ngay lập tức có thể "ép" mình nặn ra chữ, dù nó có khó tới nhường nào.
Hơn nữa, khi khả năng viết lách cải thiện dần, bài viết sẽ được những trang báo khác đăng lại, bạn cũng sẽ nhận thêm được một khoản, cái lợi nhuận mà bạn thu được không trong dự tính này sẽ thôi thúc và tạo cho bạn nhiều động lực hơn.
Tôi nghĩ việc tự khích lệ bản thân, tạo ra những ám thị tâm lý mang tính tích cực, cầu tiến như vậy chính là một trong những động lực giúp những thành phần tinh anh không ngừng tiến xa hơn.
Ý chí, bản thân nó là một huyền thoại, không ai có thể hoàn toàn dựa vào ý chí để chống lại điểm yếu hay tính lười trong bản chất con người, tất cả những gì bạn có thể làm là sử dụng điểm yếu này để đánh bại điểm yếu khác.
04
Thời địa Internet phát triển, bạn có thể ngay lập tức đọc được một thông tin nào đó dù cách nhau tới cả nửa vòng trái đất.
Những người thành công luôn xuất hiện trước mặt bạn và khuấy động thần kinh của bạn.
Công ty của ai đó được niêm yết và trị giá 3 tỷ đô la.
Vòng tài trợ B của công ty nào đó, giá trị thị trường của công ty là bao nhiêu bao nhiêu.
Cảm giác như thế giới tồn tại rất nhiều người có thể thành công chỉ qua một đêm.
Hiệu ứng "minh tinh" kiểu này đã khiến nhiều bạn trẻ cầm hộp cơm 20 ngàn và bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh 10 tỷ đô.
Hai tuần trước, một bạn trẻ nói rằng cậu ấy muốn bỏ công việc hiện tại và bắt đầu kinh doanh, cậu ấy cũng đã lên một kế hoạch kinh doanh và muốn hỏi ý kiến của tôi.
Tôi hỏi cậu ấy: "Lãnh đạo công ty hiện tại có hài lòng với công việc của cậu không?"
Cậu ấy ngập ngừng và nói: "Có vẻ không hài lòng lắm."
Sau đó, tôi đã nói một cách đầy ẩn ý: "Hãy làm thêm một thời gian nữa, đợi chín chắn hơn một chút nữa rồi tiếp tục nghĩ tới chuyện khởi nghiệp."
Cậu ấy khó hiểu, hỏi lại: "Làm thế nào để biết rằng mình đã đủ chín chắn để bắt đầu kinh doanh hay chưa?"
Tôi chỉ có thể nói với cậu ấy một sự thật: "Khi lãnh đạo của bạn hài lòng với công việc của bạn, bạn có thể xem xét nó."
Cậu ấy không nói nên lời, cuộc đối thoại cũng kết thúc.
Tôi đã dội một gáo nước lạnh cho người ta.
Nhưng nước lạnh đôi khi cũng có ích cho cơ thể, tôi muốn khuyên tất cả các bạn đang chuẩn bị khởi nghiệp rằng:
"Đừng muốn khởi nghiệp chỉ vì không thể làm tốt công việc hiện tại của mình, vì đó là chín mất một còn."
Tôi không biết nhiều doanh nhân thành công, nhưng tôi biết rất nhiều người thất bại, bạn có muốn biết điểm chung của họ không?
Đó là:
"Tham vọng lớn, nhưng lại trói gà không chặt!"
Doanh nghiệp và tiếp thị