MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức lớn nhất là cổ phần hóa thực chất

Cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang là chủ đề được quan tâm, song câu chuyện 9% cổ phần Vinamilk (VNM) thoái vốn đợt này ế gần một nửa đặt ra không ít vấn đề cần suy ngẫm. Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Nhiều câu chuyện về cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn được nhắc đến gần đây và chỉ ra không ít hạn chế, theo ông đâu là cản trở lớn nhất trong vấn đề này?

Vấn đề cản trở lớn nhất theo tôi là chúng ta cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa thực chất, chúng ta mới đi một cách rất hình thức. Sau khi CPH xong, nhà nước nắm giữ trên 90% (nắm giữ 51% đã là có vấn đề), vậy là về bản chất DN chưa thay đổi gì, DNNN vẫn là DNNN, bộ máy thế, cơ cấu kinh doanh như DNNN trước đây. Vì thế các nhà đầu tư không muốn vào đầu tư, làm sao họ có thể thấy DN có thể phát triển được.

Trong những câu chuyện về thoái vốn nhà nước, gần đây có trường hợp đang gây tranh cãi là Habeco Carlsberg. Ông có quan điểm gì về câu chuyện này, liệu hiện tại có thể phá bỏ những cam kết trước đây?

Chúng ta muốn có nền kinh tế thị trường thực sự mà nền kinh tế thị trường thì phải chấp nhận những cuộc chơi khi đã có thỏa thuận, phải tôn trọng những thỏa thuận đã ký.

Quyết định nào cũng có hai mặt, muốn giữ cổ phần và bán cách khác, không sao mình có thể làm việc đó, nhưng nó sẽ đẩy lùi quá trình đổi mới. Tôi nghĩ, mình phải tôn trọng luật chơi, tôn trọng những gì mình đã có, tôn trọng nhà đầu tư.

Bên cạnh tỷ lệ sở hữu của Nhà nước còn rất lớn trong các công ty cổ phần, qua các kênh tiếp xúc của mình, ông thấy Các nhà đầu tư chiến lược còn e ngại điều gì?

Có rất nhiều thứ, liệu điều kiện kinh doanh tại VN đã đủ hấp dẫn cho người ta chưa, Hãy cứ nhìn vào bảng so sánh mức độ dễ dàng cho kinh doanh, so sánh hàng xóm mình đang ở đâu sẽ thấy có nhiều thứ đặt ra trên bàn. DN vẫn than phiền về việc họ phải bỏ ra hơn 1000 giờ mỗi năm để làm việc với cơ quan thuế, hay mức độ dễ dàng xuất nhập khâủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi giao thương hàng hóa đều phải cải thiện…

Có cảm giác rằng chúng ta đang có một sự lúng túng nào đó trong việc cổ phần hóa, thoái vốn DN lớn. Ông nghĩ sao về vai trò của nhà tư vấn trong những câu chuyện này, phải chăng chúng ta đang thiếu các nhà tư vấn tốt?

Khi cổ phần hóa hay thoái vốn, nói đến tư vấn, bản chất không phải chất lượng đến đâu mà tất cả các nhà tư vấn tốt về tài chính đều đã có mặt tại Việt Nam hoặc có sự hiện diện tại Việt Nam, có kinh doanh ở đây. Nhưng tại sao chúng ta vẫn đang lúng túng, quan điểm của tôi là, rõ ràng quyết định thuộc về người có thẩm quyền. Vấn đề là người ta muốn đến đâu, minh bạch đến đâu, muốn xử lý các trường hợp như thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, sức ép về thay đổi trong bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước nói chung sẽ giảm đi khi TPP không được triển khai, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Riêng với các doanh nghiệp, nếu có TPP, bản thân họ và rộng hơn là Chính phủ Việt Nam và cả nền kinh tế cần phải thay đổi nhiều để đáp ứng được các yêu cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi không có TPP, chúng ta cũng phải tự thay đổi, xuất phát từ yêu cầu tự thân để phát triển, bắt nhịp với xu hướng mới. Tiến trình này thực tế đã bắt đầu, không vì có TPP chúng ta mới làm và nay không có TPP chúng ta sẽ không làm hoặc dừng lại. Một điều chắc chắn là doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.

Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, Việt Nam vẫn đang có cơ hội cạnh tranh trong thu hút nhà đầu tư, mà một trong số đó là lợi thế về chi phí thấp. Có thể, một số nhà đầu tư đã tiến hành đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội mà TPP đem lại, nhưng nếu không có TPP, tôi tin rằng họ cũng không rút khỏi Việt Nam. Những ai muốn đầu tư vào Việt Nam đã đầu tư rồi và không chỉ vì TPP.

Theo Ngọc Mai

Lao động

Trở lên trên