Thảm cảnh của nhân viên chính phủ Mỹ: Hết tiền mua bỉm cho con vì cả tháng làm việc không công
Sau khi không nhận được ít nhất một phiếu lương, nhiều nhân viên liên bang không có khả năng chi trả cho những nhu yếu phẩm.
- 18-01-2019Chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa: Tổng thống Trump và Chủ tịch Hạ viện 'đấu đá' lẫn nhau
- 18-01-2019Ông Trump hủy chuyến đi của phái đoàn Mỹ tới Davos vì chính phủ đóng cửa
- 15-01-2019Infographic: Chính phủ Mỹ đã đóng cửa bao nhiêu lần?
- 13-01-2019Lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Mỹ bị đóng cửa lâu đến vậy và chưa dấu hiệu nào cho thấy nó sắp kết thúc
Hôm thứ hai, trường học của hai con trai thông báo với Jojo rằng các bé đã không còn tã để sử dụng và cô cần phải mua thêm. Đó là một thông báo bình thường của nhà trường. Nhưng ở thời điểm này, thông báo lại khiến cô lo lắng bởi cô không có tiền để mua tã cho con.
Jojo yêu cầu sử dụng biệt danh bởi không được phép trả lời báo chí. Cô là một trong khoảng 420 nghìn nhân viên bang Mỹ đang phải làm việc mà không được trả lương. 380 nghìn nhân viên khác thì đang bị sa thải do chính phủ đóng cửa một phần trong thời gian dài kỷ lục.
Jojo là một nhân viên cai ngục tại nhà tù liên bang ở Texas và là trụ cột kinh tế của gia đình. Chồng cô ở nhà chăm sóc hai con nhỏ, 3 tuổi và 4 tuổi. Hai bé đều mắc chứng tự kỷ và không thể nói.
Sau khi không nhận được ít nhất một phiếu lương, nhiều nhân viên liên bang không có khả năng chi trả cho những nhu yếu phẩm như đồ ăn hay thuốc và đang phải chật vật tìm mọi cách để có thể mua những món đồ đó. Mua tã cho con nhỏ là một khoản khá tốn kém đối với ngay cả những gia đình vẫn nhận được tiền lương, là một vấn đề đặc biệt khó khăn. Những món đồ đó là thực sự cần thiết nhưng chính phủ liên bang cũng không có chương trình nào hỗ trợ hay cung cấp cho họ.
Trở lại với Jojo, tiền lương của cô là khoảng 2000 USD một tháng và gia đình cô chỉ sống bằng khoản tiền đó từ khi có con. Ngoài các chi phí hàng ngày, cứ 2 lần mỗi tuần, họ còn phải trả tiền cho các dịch vụ trị liệu đặc biệt cho hai bé trai mắc chứng tự kỷ. Bảo hiểm chi trả hầu hết chi phí nhưng gia đình cô được yêu cầu phải trả 30 USD cho mỗi buổi.
Vì công việc của Jojo không có chế độ nghỉ thai sản nên cô phải nghỉ vài tuần không lương cho mỗi lần sinh em bé, trong thời gian đó, cô đã tiêu tốn khoảng 6000 USD trong thẻ tín dụng mà đến giờ vẫn rất vất vả để thanh toán. Khoản tiền chi cho việc mua tã lót là khoảng 120 USD mỗi tháng và Jojo không đủ khả năng để trả các khoản nợ thế chấp hay các chi phí cho xe hơi vào tháng nay.
Jojo đang cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi một người bạn cho biết cô có thể đến Ngân hàng bỉm Texas (Texas Diaper Bank) để tìm kiếm sự trợ giúp. Tổ chức phi lợi nhuận này cách nhà cô 2 giờ lái xe, nhưng khi tính những chi phí về nhiên liệu, cô cho biết chuyến đi vẫn rất đáng dù khá tốn kém. Texas Diaper Bank đang hỗ trợ 6 tháng lấy tã và khăn lau cho các nhân viên liên bang và những nhà thầu đang bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ đóng cửa. Jojo dự định sẽ tới đó vào thứ Tư sau khi cô hoàn thành 8 tiếng làm việc.
Texas Diaper Bank cho biết nhu cầu có thể sẽ vượt quá khả năng của họ.
Dù hiện tại tổ chức này có đủ nguồn cung để hỗ trợ cho các nhân viên chính phủ, nhưng nhu cầu có thể sẽ vượt quá khả năng của họ, Ashley Hernandez, giám đốc chương trình tại tổ chức, cho biết. Nhóm hiện đang hỗ trợ cho 20 gia đình mỗi ngày. Chỉ riêng hôm thứ Ba, sau khi thông báo rằng họ đang mở rộng chương trình trợ giúp, tổ chức này đã phân phát tã cho 25 gia đình và nhiều người khác sẽ tiếp tục tìm đến.
Joanne Goldblum, CEO và nhà sáng lập của Mạng lưới ngân hàng bỉm quốc gia (National Diaper Bank Network), cho biết, có khả năng nhiều tổ chức phi lợi nhuận, đặc biệt là những tổ chức cung cấp tã sẽ không đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng như thế này.
Tổ chức này gồm hơn 200 ngân hàng ở địa phương, hoạt động tương tự những ngân hàng thực phẩm. Những chi nhánh nhỏ ở địa phương đó cung cấp tã, khăn lau, các sản phẩm cho phụ nữ cho các gia đình khó khăn. Goldblum cho biết nhu cầu đã tăng đáng kể từ khi chính phủ đóng cửa, đặc biệt là các gia đình ở Coast Guard và Washington D.C. - nơi có nhiều viên chức làm việc.
Những nhóm khác và các tổ chức phi lợi nhuận nói chung cho biết họ nhận được rất nhiều yêu cầu liên quan đến tã từ các nhân viên liên bang. Cloth Option, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Masachusetts mới hoạt động vào đầu tháng này, cung cấp loại tã giấy có thể tái sử dụng. Kể từ khi đăng thông báo lên Facebook, nhóm đã nhận được một loạt đơn đăng kí, Sadie Core, chủ tịch của nhóm cho biết.
Quỹ hỗ trợ quân sự Massachusetts (The Massachusetts Military Support) hỗ trợ thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu cho các nhân viên quân sự bị ảnh hưởng bởi chính phủ đóng cửa.
Quỹ hỗ trợ quân sự Massachusetts (The Massachusetts Military Support) cho biết họ gần như không thể đáp ứng kịp nhu cầu của người cần hỗ trợ. Họ đã thành lập 5 đơn vị nhỏ tại Coast Guard để hỗ trợ cho những gia đình bị ảnh hưởng bởi việc chính phủ đóng cửa. Nhưng chủ tịch của quỹ, Don Cox, cho biết, họ đã sử dụng số tiền cao gấp 6 lần số hàng tuần để đáp ứng nhu cầu của các gia đình này.
Dù các gia đình cảm thấy rất hài lòng khi được giúp đỡ, nhưng tổ chức này cũng rất căng thẳng. Cox nói: "Nếu bạn không được trả lương và bạn vừa chi nhiều tiền cho dịp Giáng sinh, bảo hiểm xe hơi đến hạn thanh toán, bạn cũng không biết khi nào mới được nhận tháng lương tiếp theo, thì bạn sẽ cảm thấy thế nào?"
Có thể thấy, các tổ chức này rất hữu ích nhưng nhiều gia đình thậm chí còn không hề biết đến họ. Còn nhiều trường hợp khác cho biết họ sống quá xa các tổ chức này nên vẫn phải chật vật để xoay xở.