MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tham vọng tạo lập nền kinh tế hydro của Liên minh châu Âu

24-11-2023 - 08:20 AM | Tài chính quốc tế

Tham vọng tạo lập nền kinh tế hydro của Liên minh châu Âu

Lãnh đạo châu Âu nhiều lần thể hiện quyết tâm, coi hydro là nền tảng lâu dài, bảo đảm an ninh năng lượng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Xe đầu kéo hạng nặng động cơ hydro chạy được quãng đường hơn 1.000km mới phải nạp nhiên liệu. Xe đua chạy hydro tăng tốc từ 0 lên 100km/h trong chưa tới 3 giây. Động cơ hydro mạnh mẽ không kém động cơ xăng và khí thải ra chỉ là hơi nước. Các lò cao luyện thép, sản xuất ciment cũng đã bắt đầu dùng hydro thay cho khí đốt và than đá. Một nền kinh tế dựa vào năng lượng hydro đang trở thành mục tiêu dài hạn đầy tham vọng của Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Các tua-bin đã có thể chạy với một nửa nguồn năng lượng từ hydro và chạy hoàn toàn bằng hydro vào năm 2030. Đó là một phần trong chiến lược an ninh năng lượng của nước Đức".

Các nước châu Âu và cả Ủy ban châu Âu đang đổ tiền công quỹ phát triển một dạng năng lượng mà châu Âu có thể tự chủ hoàn toàn, mà lại phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Hydro có thể được sản xuất trong lãnh thổ châu Âu, nhờ điện gió và điện mặt trời, thủy triều và nguyên tử. Hydro giúp giảm lệ thuộc vào dầu mỏ, đất hiếm, là những khoáng sản mà châu Âu vẫn phải nhập từ bên ngoài.

Tham vọng tạo lập nền kinh tế hydro của Liên minh châu Âu - Ảnh 1.

Hydro hóa lỏng có thể lưu trữ lâu dài, đáp ứng nhu cầu gom điện lúc thừa để dùng cho lúc thiếu. Một Ngân hàng Hydro châu Âu đã được thành lập, với 800 triệu euro ban đầu từ công quỹ Liên minh châu Âu, huy động nguồn vốn tư nhân nhằm tài trợ cho các dự án, mà trước hết là xây dựng các đảo sản xuất hydro trên biển Bắc và lắp đặt mạng lưới đường ống truyền dẫn hydro xuyên châu Âu.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez: "Dự án đường ống hydro xuyên Địa Trung Hải sẽ vận hành vào cuối thập kỷ này và sẽ có thể vận chuyển 10% lượng hydro hóa lỏng mà Liên minh châu Âu tiêu thụ ở thời điểm 2030, khoảng 2 triệu tấn mỗi năm. Chi phí ước tính cho dự án đường ống khoảng 2,5 tỷ euro".

Tây Ban Nha đang dẫn đầu thế giới về số lượng nhà máy sản xuất hydro, chính phủ vừa bổ sung 22 tỷ euro hỗ trợ. Đức lên kế hoạch 20 tỷ euro xây dựng mạng lưới truyền dẫn khí hydro dài 9.700 km, kết nối cảng biển, khu công nghiệp, kho lưu trữ và nhà máy điện trên toàn quốc. Đan Mạch sắp xây nhà máy điện phân hydro công suất 1 GW lớn nhất thế giới nhằm mục tiêu xuất khẩu. Nền kinh tế hydro đang thành hình, trước tiên là với các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng và mảng vận tải nặng đường xa.

Tham vọng tạo lập nền kinh tế hydro của Liên minh châu Âu - Ảnh 2.

Hydro đang vẽ lại bản đồ năng lượng châu Âu

Hydro có một lợi điểm đặc biệt, đó là nguồn năng lượng mà châu Âu có thể tự chủ hoàn toàn, không phải lệ thuộc vào bên ngoài. Điện gió, điện mặt trời, thủy triều đều có thể được sử dụng để điện phân nước, tạo thành hydro. Hydro giải quyết một vấn đề rất lớn của năng lượng tái tạo, đó là khả năng tích trữ năng lượng.

Trong ngày gió lớn hoặc nắng nhiều, lượng điện sản xuất ra vượt nhu cầu tiêu thụ, có lúc phải hãm bớt một số tua-bin điện gió, thì với hydro, hoàn toàn có thể sử dụng lượng điện dư thừa sản xuất hydro. Hydro có thể lưu trữ dài ngày, có thể chuyển qua mạng lưới đường ống. Dĩ nhiên đó là câu chuyện của tương lai. Lúc này vẫn có rất nhiều vấn đề công nghệ và hạ tầng đang cần giải pháp.

Hydro - lựa chọn tối ưu thay thế năng lượng hóa thạch

Ưu điểm nổi trội của động cơ hydro so với động cơ điện, là với xe điện, khối pin phải to tương ứng với công suất xe, xe càng to càng cần khối pin lớn. Và chiếc xe buộc phải mang khối pin đó đi theo, pin đầy điện hay cạn điện thì khối pin vẫn luôn nặng như thế, không phải là pin cạn thì nhẹ hơn. Do vậy, xe tải hạng nặng hay tàu biển container không thể dùng động cơ điện.

Tham vọng tạo lập nền kinh tế hydro của Liên minh châu Âu - Ảnh 3.

Còn động cơ hydro chạy khí nén hoặc hóa lỏng, có bình chứa như với xe xăng, hết nhiên liệu thì tiếp nhiên liệu, bây giờ bơm hydro vẫn lâu hơn bơm xăng nhưng nhanh hơn nhiều so với sạc điện. Với công nghiệp nặng, hydro có thể tích trữ được để sử dụng bất kỳ khi nào, là lựa chọn sạch nhất để thay thế khí đốt.

Tính đến đầu năm nay, đã có hơn 40 quốc gia ban hành chiến lược phát triển năng lượng hydro và một số nước khác đang trong quá trình xây dựng. Khoảng một nửa số quốc gia ban hành chiến lược trong khoảng 2 năm trở lại đây, cho thấy hydro đang có sức hút mạnh mẽ đối với các chính phủ cũng như khối doanh nghiệp, với xu hướng trở thành nguồn năng lượng thế hệ mới.

Sự quan tâm đến nguồn năng lượng này không chỉ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn vì nỗ lực thực hiện mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu theo các cam kết toàn cầu.

Theo Thế giới hôm nay

VTV

Trở lên trên