MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh khoản ngân hàng trở lại trạng thái dư thừa

18-07-2018 - 17:08 PM | Tài chính - ngân hàng

Tăng trưởng tín dụng chậm là một nhân tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Bộ phận phân tích SSI Retail Research của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố báo cáo thị trường tiền tệ tháng 6 và tháng 7/2018.

Báo cáo cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã dồi dào rõ rệt trong tháng 6 khiến NHNN phát hành một lượng tín phiếu rất lớn để hút tiền ra khỏi hệ thống. Cụ thể, tổng khối lượng tiền hút ròng trong 3 tuần cuối tháng 6 lên tới 120 nghìn tỷ, đẩy lượng tín phiếu lưu hành tăng mạnh lên 150 nghìn tỷ, là mức cao nhất kể từ đầu năm. Sự chủ động của NHNN trong điều tiết thị trường được thấy rõ khi NHNN nâng lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày từ mức 0.9% lên 1.25%, đồng thời NHNN cũng phát hành trở lại kỳ hạn 91 ngày sau 3 năm tạm ngưng.

Tăng trưởng tín dụng chậm là một nhân tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Theo ước tính của UBGSTCQG, tín dụng chỉ tăng khoảng 6,5% trong 6 tháng đầu năm, đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm gần đây (6T2015: 7,86%; 6T2016: 8,21%; 6T2017: 9,01%). Trong khi đó, tăng trưởng huy động đạt +8%, một phần nhờ lượng nội tệ được NHNN bơm ra khi mua vào 12 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng đã giảm đáng kể từ 1,6% xuống 0,6% ở kỳ hạn qua đêm vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược trong đầu tháng 7, khi lãi suất qua đêm tăng lên 1,1% vào giữa tháng. NHNN cũng bơm ròng trở lại 58 nghìn tỷ, làm khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 92,5 nghìn tỷ.

Lãi suất huy động trên thị trường 1 giảm khá sâu trong tháng 6, giao dịch ở mức 4,2% ở kỳ hạn 1 tháng, 5,0% ở kỳ hạn 3 tháng và 6,2% ở kỳ hạn 12 tháng, giảm 20 điểm cơ bản (bps) so với tháng 5. Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 6, lãi suất đã tăng nhẹ trở lại vào đầu tháng 7.

Trên thị trường trái phiếu, xu hướng tăng lãi suất ngày càng thể hiện rõ rệt. Tính tới trung tuần tháng 7, lãi suất trúng thầu trái phiếu đã tăng thêm từ 30 – 50bps ở các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài từ năm 2016. Tương tự, lãi suất trái phiếu thứ cấp cũng tăng mạnh, đặc biệt các kỳ hạn dài trên 7 năm đã tăng hơn 70bps từ mức đáy năm 2018. Các kỳ hạn ngắn 1-2 năm tăng khoảng 40bps, khiến đường cong lợi suất trái phiếu dốc hơn cho thấy kỳ vọng tăng lãi suất trong dài hạn ngày càng rõ nét.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên