MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thành phố Thủ Đức đề xuất được thực hiện nhiệm vụ chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ

Thành phố Thủ Đức đề xuất được thực hiện nhiệm vụ chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết cơ chế đặc thù cụ thể cho thành phố Thủ Đức được xây dựng theo hướng trong một vài lĩnh vực thành phố có thể quyết ngay mà không cần xin phép hoặc trình lãnh đạo cấp trên.

TP HCM đang xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Thủ Đức trình Trung ương xem xét, để được phê duyệt trong quý I. Trong nhiều cuộc họp về thành phố Thủ Đức, lãnh đạo UBND TP HCM cho biết đang nghiên cứu cơ chế đặc thù cụ thể cho thành phố Thủ Đức theo hướng trong một vài lĩnh vực, thành phố có thể quyết ngay mà không cần xin phép hay trình lãnh đạo cấp trên. Trước mắt sẽ áp dụng các cơ chế ủy quyền cao nhất theo Nghị quyết 54 cho thành phố Thủ Đức.

“Chúng tôi định hướng nơi đây sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”, ông Phong nói, đồng thời đề xuất “cho phép thành phố Thủ Đức được thực hiện nhiệm vụ chi cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nơi đây phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số và là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ”.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Thủ Đức số lượng cấp phó của UBND thành phố Thủ Đức không quá 4 người, không quá 13 phòng ban chuyên môn, số lượng cấp phó phòng ban không quá 39 người sau 5 năm. Trong số 13 phòng ban chuyên môn, dự kiến có Phòng Khoa học & Công nghệ (TP HCM không có phòng, ban này), bởi thành phố Thủ Đức phát triển trong không gian của khu đô thị sáng tạo tương tác cao nên vai trò của khoa học công nghệ rất quan trọng.

Ý tưởng về khu đô thị sáng tạo tương tác cao được TP HCM xây dựng trên 3 trụ cột có sẵn gồm Trung tâm tài chính Thủ Thiêm (quận 2), khu Công nghệ cao (quận 9) và khu Đại học Quốc gia TP HCM (quận Thủ Đức).

Các chuyên gia cũng chung nhận định rằng thành phố Thủ Đức cần được hưởng quy chế hành chính đặc thù, không cào bằng và được trao quyền để có thể dẫn dắt thúc đẩy kinh tế phát triển của TP HCM, của vùng đô thị TP HCM và cả nước.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho rằng những lĩnh vực thành phố Thủ Đức có thế mạnh và khả năng đáp ứng được sẽ được phân cấp ủy quyền. Nếu không có quy định cụ thể, ví dụ quy định thuộc thẩm quyền TP HCM chưa phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức mà thành phố lại thực hiện ngay thì chưa phù hợp với quy định. Vì vậy, nên căn cứ vào tình hình thực tiễn và khả năng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ, TP HCM xây dựng quy định để phân cấp ủy quyền cho TP Thủ Đức giải quyết vấn đề nhanh nhạy hơn, phát triển thành phố”.

Đồng tình với quan điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng thành phố Thủ Đức phải được độc lập về hoạt động quản lý, tài chính và sự phát triển. Tất nhiên mọi quyết định phải theo định hướng phát triển chung của TP HCM, vùng đô thị TP HCM, sự tham vấn của lãnh đạo TP HCM và Trung ương”. Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng góp ý rằng với những công việc hàng ngày, lãnh đạo thành phố Thủ Đức phải có năng lực để quyết định những vấn đề lớn, nếu mọi vấn đề đều phải xin phép cấp cao hơn thành phố Thủ Đức sẽ mất thời cơ.

Thận trọng hơn, ông Cao Vũ Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý lại cho rằng xét về thẩm quyền, thành phố Thủ Đức ngang thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp tỉnh, dẫn đến sự chồng chéo với thẩm quyền của TP HCM. Thẩm quyền của thành phố Thủ Đức dù có được mạnh dạn trao cho lớn đến đâu, cũng không thể ngang với thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp tỉnh, tức là TP HCM.

"Trao quyền cho thành phố Thủ Đức phải hướng đến mục đích tạo ra sự chủ động, sáng tạo trong thu hút các nguồn đầu tư, giảm thiểu mọi rào cản. Cụ thể, cần đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp, áp dụng các chính sách khuyến khích về tài chính, miễn, giảm các loại, đơn giản hóa các thủ tục hải quan; tự do hóa các dòng chảy vốn đầu tư, lợi nhuận…", ông Minh nói.

Ngoài ra, góp ý về cơ chế vận hành cho thành phố Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cách vận hành HĐND thành phố Thủ Đức cũng nên nghĩ đến một cách làm khác. Hiện thành phố đang và sẽ có hàng vạn người nước ngoài ở đây họ không là thành viên HĐND, họ cũng không phải công dân Việt Nam nhưng lại có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố, có khi nhiều phiên họp HĐND nên mời đại diện cộng đồng dân cư và nhà đầu tư nước ngoài cùng dự, để họ được nghe tiếng nói của thành phố này gắn với họ, họ đươc góp ý với thành phố từ góc độ người nước ngoài. Đây là điều chưa từng có”.

Với mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố TP Hồ Chí Minh, nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, thành phố Thủ Đức đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9 và Thủ Đức).

Lộ trình thực hiện công tác nhân sự của thành phố Thủ Đức tập trung 3 giai đoạn:

Từ ngày 1/1-7/2, kiện toàn bộ máy và chính thức đi vào hoạt động để lập các ban, tổ bầu cử kịp ngày bầu cử cùng cả nước.

Từ ngày 7/2-23/5 tiếp tục kiện toàn bộ máy để tiến hành công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.

Từ ngày 23/5 trở đi, các cơ quan chức năng của TP HCM và TP Thủ Đức tiếp tục hoàn thiện bộ máy, chính sách để thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động.

Theo Ngọc Hà

NDH.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên