Thanh toán không dùng tiền mặt: Có thể chống tham nhũng, rửa tiền?
Ngoài sự tiện ích, thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.
- 22-06-2019Thanh toán không tiền mặt: Còn e ngại!
- 16-06-2019Xu hướng thanh toán không tiền mặt hiện có những hình thức nào?
- 14-06-2019Có những cách thanh toán không tiền mặt nào khi mua sắm ở siêu thị? 80% không trả lời được
Việt Nam đang bắt nhịp theo xu hướng thời kinh tế số, trong đó có thị trường thẻ thanh toán phát triển rất mạnh trong những năm vừa qua. Tính đến hết quý 1/2019, các tổ chức tín dụng đã phát hành 158 triệu thẻ, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2018.
Những con số trên cho thấy sự phát triển không ngừng của thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Phân tích về những tiện ích của cách thức thanh toán này, TS. Bùi Quang Tín cho hay, ngoài sự tiện lợi, nhanh chóng, có thể thực hiện bất cứ lúc nào thì thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp minh bạch hóa thông tin trong nền kinh tế.
Khi đã minh bạch được những vấn đề như vậy thì chắc chắn phải có sự can thiệp của ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công bố công khai các giao dịch.
“Khi đã có “bàn tay” của công nghệ thông tin kết hợp với cơ chế chính sách của Nhà nước trong quản lý các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thì những giao dịch của các chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, doanh nghiệp… sẽ được “thâu tóm”, quản lý chặt chẽ hơn. Từ đó hạn chế được vấn nạn tham nhũng, hối lộ”, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho biết.
Còn theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thanh toán không tiền mặt có nhiều lợi ích cơ bản. Theo đó, với người tiêu dùng, thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế, thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm...
Phát biểu trong một sự kiện được tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng, không chỉ giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp mà thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.
Chính vì thế, những năm gần đây, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử.
Thanh toán di động của Việt Nam trong năm 2018 đã tăng trưởng 160% về giá trị so với năm 2017 và được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực.
Mặc dù vậy, lộ trình thanh toán không tiền mặt mới chỉ là bước đầu, cần phổ cập và phát triển tài chính toàn diện. Hiện, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt mới chiếm khoảng 14% trên tổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam, trong khi tại Hàn Quốc tỷ lệ này đạt trên 80%.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn có khuynh hướng tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Bởi thực tế hiện nay, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...
Do đó, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hệ thống ngân hàng cần tạo niềm tin cho khách hàng bằng cách nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đầu tư về công nghệ. Đồng thời, tăng cường truyền thông, hỗ trợ người dân tích cực hơn nữa trong vấn đề giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, giảm chi phí, giúp họ hiểu về các tiện ích của hệ thống thanh toán này để từ đó thay đổi thói quen sử dụng từ tiền mặt sang sử dụng thẻ thanh toán./.