MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì khi thị trường chứng khoán vẫn "khí thế" giữa khủng hoảng Covid-19?

Thấy gì khi thị trường chứng khoán vẫn "khí thế" giữa khủng hoảng Covid-19?

"Chúng ta đang tập trung mọi thứ để duy trì nền kinh tế hoạt động, nên vẫn tiếp tục bơm tiền, tiếp tục các gói tài khóa mà tạm quên đi hệ lụy của nó" - ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021.

Phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" chiều ngày 11/1/2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tin vui ở thời điểm hiện tại, là năm 2021, các nền kinh tế chính yếu được dự báo sẽ tăng trưởng dương, có sự hồi phục nhất định, lấy lại những suy giảm của năm 2020. Kịch bản lạc quan này được dựa vào nền tảng Covid rồi sẽ qua đi, không phải giữa năm nay thì cũng cuối năm nay. Các nước giàu đã phân phối vaccine Covid-19, các nước trung bình giữa năm cũng sẽ tiếp cận được với vaccine.

Đương nhiên kịch bản đó không thể tránh khỏi những rủi ro có thể xảy ra như phân phối vaccine không thể dễ dàng kể cả những nước giàu – có xáo trộn và chậm trễ; thay đổi chính trị trên toàn cầu, căng thẳng thương mại song phương đa phương cũng không dễ dàng chấm dứt trong năm 2021 mà còn có thể căng hơn. 

Tiếp đó, ông Thành đặt câu hỏi: "Tại sao thị trường tài chính, chứng khoán vẫn có "khí thế" rất lạc quan?". Đó là nhờ niềm tin rằng, trong cuộc khủng hoảng này, dù Covid-19 có nặng nề đến đâu thì hệ thống tài chính vẫn đứng vững và chính sách vẫn mang tính hỗ trợ.

Nhưng niềm tin đó, theo ông Thành, là vì chúng ta đang tập trung mọi thứ để duy trì nền kinh tế hoạt động, nên vẫn tiếp tục bơm tiền, tiếp tục các gói tài khóa mà tạm quên đi hệ lụy của nó. Chấp nhận là nợ của chính phủ, nợ của khu vực tư nhân sẽ tăng tại tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam

"Trong 5 năm tới làm sao giải quyết được hút tiền về đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua?" - ông Thành nói.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2021 là 6,5%, nhưng IMF, WB còn lạc quan hơn, WB dự báo 6,7%; các ngân hàng quốc tế dự báo từ 6,8 – 7%. Kỳ vọng này nằm trên yếu tố ổn định vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô trong vòng 30 năm qua. Năm 2020, mặc dù chúng ta duy trì được nền ổn định vĩ mô, nhưng đầu tư của doanh nghiệp (tư nhân và FDI) đều suy giảm; sức mua trên thị trường giảm. 

Ông Thành chỉ ra 4 điểm sáng của năm 2021 để chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản kinh tế lạc quan gồm:

Thứ nhất là ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế: Tăng trưởng nhưng không hy sinh ổn định vĩ mô là điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020. Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất so về hiệu dụng. Cái tốt nhất chính phủ làm là ổn định vĩ mô. Trong năm 2021 kỳ vọng Chính phủ vẫn duy trì được ổn định vĩ mô.

Thứ hai là sự phục hồi của đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư tư nhân đã tăng nhanh trong 4 năm qua, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, nên là năm phục hồi, nên chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021 tiếp tục của năm 2020.

Thứ ba là sự nối lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn hấp thu được dòng vốn nước ngoài vào mạnh vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Thứ 4 là sự phục hồi sức mua trong nước. Số người mất việc làm đã làm giảm sức mua. Thống kê từ Google cho thấy, lượng người di chuyển đến trung tâm mua sắm đã giảm. Chuyển đổi số là động lực rất lớn để doanh nghiệp thích ứng với loại hình mua sắm mới. Cuối cùng, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Chúng ta là nền kinh tế mở, chúng ta có thị trường xuất khẩu đa dạng, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Tuy nhiên sang năm 2021 sẽ xuất khẩu mạnh sang EU và ASEAN.

Thái Quỳnh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên