MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ quyết định giảm lãi suất của NHNN?

09-07-2017 - 08:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Các số liệu kinh tế vĩ mô thời gian qua cho thấy nếu không tiếp tục giảm lãi suất, lạm phát nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong trung hạn, chỉ xoay quanh mức 1%. Thậm chí kể cả khi NHNN tiếp tục giảm lãi suất, lạm phát cơ bản và lạm phát GDP có thể sẽ vẫn ở mức dưới 2% trong vòng một vài năm tới.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Cuối cùng, chủ trương hạ lãi suất của Chính phủ cũng được thực hiện. Thay cho những lời hứa phấn đấu giảm lãi suất như trước đây, lần này NHNN đã đưa ra hành động cụ thể: kể từ ngày 10/7/2017 các lãi suất điều hành sẽ được giảm 0,25%, còn trần lãi suất cho vay ngắn hạn cũng sẽ giảm 0,5%.

Điều gì đã khiến NHNN quyết định giảm lãi suất vào thời điểm hiện nay, mà không phải vào cuối quý I/2017, khi tăng trưởng GDP chỉ đạt mức thấp?

Có 2 yếu tố chính: Thứ nhất, đồng USD trên thị trường thế giới đã giảm giá mạnh so với mức đỉnh 14 năm đạt được vào cuối năm 2016 và do vậy tâm lý đầu cơ giá lên trên thị trường đã yếu đi rất nhiều. Yếu tố thứ hai là lạm phát.

Trong những năm qua NHNN đã luôn luôn do dự trong việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ vì có một mối lo thường trực, đó là độ trễ của lượng tiền cung ứng ra nền kinh tế với tốc độ trung bình 20%/năm sẽ đẩy lạm phát lên cao, đồng thời vi phạm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011. Sức ép từ Nghị quyết này lớn đến nỗi vào cuối năm 2015, khi lạm phát tổng thể giảm xuống mức 0,6%, lạm phát cơ bản giảm xuống mức 1,7%, còn lạm phát GDP là âm 0,2%, NHNN vẫn tiếp tục chính sách kiềm chế lạm phát.

Nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Lạm phát vẫn tiếp tục xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2012. Khi lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đạt mức 0,2% (kể cả giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh bằng biện pháp hành chính) NHNN đã phải thay đổi quan điểm về xu hướng của lạm phát, ít nhất là trong ngắn hạn, và dẫn đến quyết định giảm lãi suất vừa qua.

Vậy trong trung hạn thì sao? Có lẽ NHNN vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Điều này được thể hiện qua việc NHNN muốn lãi suất cho vay ngắn hạn trên thị trường giảm tới 0,5%, nhưng lại chỉ muốn giảm lãi suất điều hành có 0,25%. Nói cách khác, mức giảm chỉ 0,25% đối với các lãi suất điều hành cho thấy NHNN đang thực hiện chính sách theo kiểu “dò đá qua sông”. Ở đâu đó vẫn còn nỗi lo lạm phát cao sẽ quay trở lại vào một này nào đó. Nếu vậy, việc lãi suất điều hành và trần lãi suất có tiếp tục giảm hay không sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các số liệu về tăng trưởng và lạm phát trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các số liệu kinh tế vĩ mô thời gian qua cho thấy nếu không tiếp tục giảm lãi suất, lạm phát nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong trung hạn, chỉ xoay quanh mức 1%. Thậm chí kể cả khi NHNN tiếp tục giảm lãi suất, lạm phát cơ bản và lạm phát GDP có thể sẽ vẫn ở mức dưới 2% trong vòng một vài năm tới.

Các số liệu trong lịch sử cũng cho thấy, tại Việt Nam lạm phát quá thấp thường đi kèm với lãi suất thực cao và tăng trưởng GDP thấp. Đây có thể là lý do khiến cho giảm lãi suất để kích thích lạm phát và tăng trưởng sẽ là xu hướng mới của chính sách tiền tệ trong tương lai không xa.

TS. Nguyễn Đức Độ

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên