The Diplomat: ASEAN có thực sự là "người chiến thắng" khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng?
Nếu chiến tranh thương mại vẫn tiếp diễn và môi trường thương mại toàn cầu tệ đi, các quốc gia ASEAN sẽ phải trải qua một "chuyến đi" đầy trắc trở.
- 07-09-2019Ngoài chiến tranh thương mại, ông Tập còn phải đối mặt với những vấn đề "gây nhức đầu" gấp bội ở quê nhà
- 29-08-2019Chiến tranh thương mại mang đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tại Việt Nam
- 28-08-2019Ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, yếu tố nào khác sẽ thổi bùng "ngọn lửa" suy thoái toàn cầu tiếp theo?
Ngày 23/6/2019, 1 tuần sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán tại một cuộc họp bên lề hội nghị G20, thì các nước ASEAN cũng kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 34 tại Bangkok. Tại đó, nhà lãnh đạo của 10 quốc gia ASEAN nhấn mạnh về việc hội nhập kinh tế và chủ nghĩa khu vực, hứa hẹn sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Dẫu vậy, kể từ sự kiện đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí trở nên tồi tệ hơn bằng những lần tuyên bố thuế quan đáp trả nhau, cùng với mối lo ngại về sự khởi đầu của chiến tranh tiền tệ và suy thoái toàn cầu.
Một số chuyên gia đang chỉ ra rằng các quốc gia Đông Nam Á là những "nguời chiến thắng" khi các công ty phải di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tìm đến những nước láng giềng để né tránh thuế quan. Họ cho rằng, quyết định này của các công ty, cùng dòng vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ rất có lợi cho các quốc gia ASEAN. Ví dụ, theo một báo cáo từ ngân hàng Nomura Securites, Việt Nam đủ tiềm lực để nhận những đơn đặt hàng được chuyển từ Trung Quốc, tương đương với 7,9% GDP, bởi các nhà nhập khẩu đang né tránh thuế quan. Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng được ghi nhận, đó là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 36% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo này của Nomura cho thấy những quốc gia khác như Malaysia, Indonesia và Philippines cũng có thể được hưởng lợi từ việc các công ty rời khỏi Trung Quốc, dù ở quy mô nhỏ hơn. Dường như, chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là cơ hội vàng để hiện thực hoá "giấc mơ" chuyển mình của ASEAN trong việc trở thành một cơ sở sản xuất thống nhất.
Dẫu vậy, quan điểm trên cũng chỉ ra những thách thức và bất lợi mà các nền kinh tế Đông Nam Á phải đối mặt. Để Đông Nam Á thực sự gặt hái được những lợi ích từ cuộc chiến thương mại và phòng ngừa rủi ro, họ sẽ phải tăng cường gắn bó với chủ nghĩa đa phương, chủ động đầu tư vào cơ sở hạ tầng cùng năng lực sản xuất và tăng cường hội nhập chuỗi cung ứng khu vực.
Đông Nam Á có thực sự là điểm đến lý tưởng?
Đầu tiên, trong khi rõ ràng rằng nhiều công ty đã tìm cách di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, thì việc này cũng chưa mang lại sự thay đổi căn bản nào. Quá trình này đã được thực hiện khá trơn tru trong nhiều năm do chi phí lao động tăng cao và lực lượng lao động ở Trung Quốc bị thu hẹp. Theo số liệu của UNCTAD, lĩnh vực sản xuất đã chứng kiến dòng vốn FDI vào đại lục sụt giảm từ mức 62% vào năm 2006, xuống chỉ còn 27% vào năm 2017. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Đông Nam Á, đặc biệt là trong sản xuất, đã tăng lên kể từ trước khi chiến tranh thương mại diễn ra.
Trong khi hiệu ứng lan toả từ thương mại chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình thay đổi này, thì Đông Nam Á thực sự vẫn chưa đủ sẵn sàng để tiếp nhận những hoạt động sản xuất từ Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia ngày càng chú ý đến cơ sơ hạ tầng và mạng lưới logistics còn yếu ở một số quốc gia, yếu tố này khiến chi phí kinh doanh tăng lên.
Ngoài ra, việc cải thiện bằng năng lực sản xuất trong thời gian ngắn cũng không hề dễ dàng. Để đạt được những lợi ích từ hiệu ứng lan toả của thương mại, các nước Đông Nam Á cần đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động thông qua những chương trình đào tạo hoặc thúc đẩy sự phát triển của những lao động có tay nghề cao trong khu vực và tạo môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư lâu dài.
Hơn nữa, quyết định của Mỹ về việc áp thuế 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam cho thấy rằng ông Trump không chỉ nhắm đến Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại. Việc ông Trump gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc cũng làm dấy lên nỗi lo ngại cho các quốc gia Đông Nam Á.
Do đó, mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một dấu hiệu của một bước đi lớn hơn cho việc Mỹ rút khỏi những nguyên tắc thương mại tự do và hướng tới chủ nghĩa bảo hộ. Bên cạnh việc rút hỏi TPP và tham gia tái đàm phán cho NAFTA, ông Trump đang chỉ trích WTO, liên tục doạ rút khỏi tổ chức này và khẳng định Washington không nhất thiết phải tuân thủ những quy tắc của họ. Sự tan rã của trật tự thương mại vốn dựa trên quy tắc toàn cầu và căng thẳng thương mại leo thang có thể gây ra những mâu thuẫn lớn hơn nữa đối với những quy tắc thương mại tự do và sự hưởng lợi của những nước khác.
Áp lực đến từ tứ phía, không chỉ là chiến tranh thương mại
Vấn đề nguy hiểm ở đây là một cuộc chiến thương mại kéo dài và môi trường thương mại toàn cầu tệ đi sẽ giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế Đông Nam Á. Singapore là nền kinh tế mở, phụ thuộc nhiều vào thương mại và dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề bên ngoài. Giờ đây, quốc gia này đang chứng kiến "cảnh" GDP hàng năm trong quý II/2019 sụt giảm 3,4% so với quý trước, mức tăng trưởng yếu nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho các quốc gia Đông Nam Á khác về những bất lợi mà chiến tranh thương mại gây ra.
Cuối cùng, sự leo thang của chiến tranh thương mại và khả năng nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đang gây áp lực cho tâm lý kinh doanh trên toàn thế giới. Chúng ta đã chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,2% vào quý II/2019, con số tồi tệ nhất trong gần 3 thập kỷ. Số liệu kinh tế của Mỹ cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại hơn. Theo một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, đầu tư kinh doanh tại đây đã sụt giảm lần đầu tiên trong hơn 3 năm và đầu tư bất động sản cũng đi xuống trong quý thứ 6 liên tiếp.
Nhiều chuyên gia từ cộng đồng kinh doanh đang suy đoán rằng một cuộc suy thoái đang dần xuất hiện. Chúng ta đã chứng kiến các nhà đầu tư ồ ạt tìm đến các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng, họ tháo chạy khỏi những thị trường mới nổi. Hơn nữa, các NHTW châu Á như Ngân hàng Indonesia và Ngân hàng Thái Lan đang hạ lãi suất giống như Fed nhằm đưa ra những biện pháp kích thích nền kinh tế.
Sự sụt giảm về nhu cầu trên toàn thế giới sẽ gây ra một thách thức nghiêm trọng với toàn bộ nền kinh tế của ASEAN và có thể "xoá sạch" mọi lợi ích đã có được từ chiến tranh thương mại. Nếu ASEAN có thể thích ứng với môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi và luôn đi theo những nguyên tắc của mình, họ có thể "rũ bỏ" những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại và thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn trước.