Thêm một thách thức chờ ngân hàng Việt phía trước
Nhìn sang Malaysia, trích lập dự phòng của các ngân hàng đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên đối diện thách thức này.
- 04-06-2019Lo ngại tiền ngân hàng mắc kẹt trong loạt doanh nghiệp “hấp hối”
- 04-06-2019Khởi tố 2 cán bộ ngân hàng BIDV làm giả giấy tờ thế chấp
- 04-06-2019Các công ty tài chính của ngân hàng đang làm ăn thế nào?
Bộ Tài chính đã công bố dự thảo đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế vào Việt Nam, xuất phát từ chỉ đạo của Chính phủ khi đặt ra yêu cầu đưa Việt Nam phát triển bền vững, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trong đó, để phát triển bền vững thì nhu cầu từng bước chuẩn mực báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế là cần thiết để tạo ra môi trường minh bạch thu hút vốn từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực đều đã áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) toàn phần hoặc một phần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Malaysia,… tạo ra một sân chơi minh bạch, thu hút và khuyến khích được các dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, IFRS vẫn là một bộ chuẩn mực tương đối xa lạ đối với các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng.
Ngay khi giải ngân, đã phải xác định tổn thất dự kiến
IFRS9 là một trong số các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế được ban hành bởi Uỷ ban Báo cáo Tài chính quốc tế IASB thay cho chuẩn mực cũ là IAS39 từ năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Trao đổi với phóng viên BizLIVE, chuyên gia của Techcombank (ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng IFRS9) cho biết, đối với hệ thống ngân hàng nói chung, đây là chuẩn mực xương sống, có ảnh hưởng trọng yếu tới số liệu tài chính vì khoảng 80% bảng cân đối kế toán của các ngân hàng được hình thành bởi các công cụ tài chính.
“IFRS9 được coi là chuẩn mực mang các nguyên tắc kế toán gần hơn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, xuất phát đầu tiên từ việc phân loại và đo lường các công cụ tài chính.
Theo hệ thống chuẩn mực Kế toán Việt Nam VAS, nếu như việc phân loại công cụ tài chính vào các nhóm sẵn sàng để bán, giữ đến đáo hạn, hay là giữ để kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào các quy định cứng nhắc và ý chí chủ quan của doanh nghiệp thì IFRS chuyển dịch sang mô hình phân loại theo hai nguyên tắc cơ bản, hướng tới việc số liệu tài chính cần phản ánh đúng mô hình kinh doanh của ngân hàng.
Ngoài ra, nếu như cơ sở ghi nhận các công cụ tài chính của VAS là giá trị sổ sách thì IFRS hướng tới việc tối đa hóa phản ánh số liệu theo giá trị thị trường, giúp cho việc đo lường, đánh giá hiệu quả và quản trị các hoạt động kinh doanh của ngân hàng kịp thời và chính xác hơn rất nhiều”, chuyên gia Techcombank cho biết.
Bên cạnh đó, IFRS9 cũng được coi là chuẩn mực bắc cầu giữa kế toán tài chính và quản trị rủi ro, khi phương thức trích lập dự phòng cho các tài sản tài chính đã chuyển dịch từ mô hình dựa trên tổn thất phát sinh sang mô hình dựa trên tổn thất tín dụng kỳ vọng (Expected Credit Loss-ECL).
Cụ thể, trong VAS, công tác phân loại nợ được thực hiện chủ yếu trên các yếu tố định tính, dựa trên số ngày quá hạn của khách hàng khi tổn thất đã thực sự phát sinh để phân loại khách hàng vào 5 nhóm nợ. Từ đó, số liệu dự phòng được tính toán trên cơ sở áp dụng các tỷ lệ tổn thất xác định cho từng nhóm nợ cụ thể.
Trong khi đó, IFRS9 đưa ra mô hình tổn thất tín dụng dự kiến, trong đó yêu cầu các ngân hàng phân chia các khoản nợ vào 3 giai đoạn, không chỉ dựa trên các yếu tố định tính mà cả các yếu tố định lượng như các dấu hiệu cảnh báo sớm hay khả năng gia tăng rủi ro tín dụng của khách hàng được thể hiện trong xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng.
“Ngay từ thời điểm giải ngân, ngân hàng đã phải xác định tổn thất dự kiến đối với khách hàng trong vòng 12 tháng tiếp theo, và khi khách hàng có các dấu hiệu gia tăng rủi ro được phân loại vào các giai đoạn xấu hơn, ngân hàng cần xác định tổn thất dự kiến cho toàn bộ vòng đời của khoản cho vay.
Việc xác định dự phòng không theo các tỷ lệ xác định như VAS mà dựa trên mô hình ECL, trong đó, ngân hàng cần phải xây dựng các mô hình để tính toán xác suất vỡ nợ của khách hàng, tỷ lệ tổn thất khi vỡ nợ và giá trị của khoản vay/khoản đầu tư tại thời điểm vỡ nợ, trong đó có tính toán tới các biến số kinh tế vĩ mô để đo lường tổn thất trong tương lai”, chuyên gia nói.
Thách thức lớn, nhưng không thể không đi
Như trên, có thể thấy việc triển khai IFRS9 tại các ngân hàng thực sự là thách thức lớn, với những khó khăn đến từ nguồn lực, công cụ, dữ liệu, mô hình.
Trong đó, chất lượng và tính sẵn có của dữ liệu sẽ là yếu tố quan trọng để triển khai thành công các mô hình rủi ro của IFRS 9. Các ngân hàng sẽ cần lượng dữ liệu lịch sử lớn với một danh sách đầy đủ các thông tin đầu vào của mô hình.
Theo đó, họ sẽ phải chi rất nhiều cho việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin; chi phí chuẩn bị và triển khai dự án; chi phí cho tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực, đào tạo.
Đặc biệt, tổn thất dự phòng của nhà băng được dự báo sẽ tăng khi dịch chuyển từ mô hình tổn thất đã phát sinh sang mô hình tổn thất tín dụng dự kiến.
Báo cáo công bố hồi cuối tháng 9/2018 của PWC cho biết, trích lập dự phòng của các ngân hàng Malaysia đã tăng từ 25% đến 50% vào ngày đầu tiên áp dụng IFRS 9. Và điều này tác động trực tiếp đến lợi nhuận giữ lại của các nhà băng.
Có thể thấy, nếu dụng IFRS 9, các ngân hàng sẽ phải đối diện với rất nhiều áp lực, thách thức. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, để có thể phát triển một cách bền vững, vươn tầm khu vực và thế giới, thì đây là con đường mà các nhà băng không thể không đi.
Bởi, việc áp dụng dụng thành công IFRS9 sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc hoàn thiện khung quản trị rủi ro tín dụng cho ngân hàng, đến từ việc đánh giá và đo lường rủi ro khách hàng sớm hơn, chính xác hơn, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý trong xác định giá, trong việc quản lý khách hàng, đưa ra các quyết sách phù hợp về giải ngân, theo dõi và thu hồi nợ, giảm thiểu tối đa tổn thất cho ngân hàng.
Ngoài ra, việc công bố, minh bạch các số liệu tài chính và chính sách quản trị rủi ro theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế sẽ giúp các ngân hàng Việt nâng tầm thương hiệu và kêu gọi được các nguồn vốn đầu tư chất lượng trong nước và quốc tế.
Được biết, tại Việt Nam, với dự thảo đang hoàn thiện, Bộ Tài chính đề xuất lộ trình áp dụng IFRS bắt đầu tư năm 2022.
Riêng đối với hệ thống Ngân hàng, theo chuyên gia của Techcombank, với lộ trình áp dụng Basel II, Thông tư 13 quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và sắp tới đây là IFRS, đặc biệt là IFRS9 sẽ hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước rất nhiều trong việc nắm bắt, quản lý chất lượng tín dụng của của toàn hệ thống, gia tăng các giá trị dài hạn cho nền kinh tế nói chung.
BizLive