Thi công gian dối tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Chỉ thi công 10,6km (thuộc gói thầu A3) của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhưng nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã luôn “làm nóng” hiện trường bởi liên tục có biểu hiện làm ăn gian dối, bị người dân địa phương phản ứng.
- 13-07-2016Có hay không sai phạm trong thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi?
- 19-02-2016Thông xe cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trước Tết âm lịch 2017
- 24-01-2016Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Ngổn ngang giải phóng mặt bằng
Thế nhưng, bất chấp tai mắt giám sát, đơn thư tố cáo của người dân, trên công trường cao tốc, đơn vị thi công vẫn ngang nhiên làm ẩu, tiếp tục lấy đất bẩn, bùn lầy từ nguồn khai thác trái phép để đắp nền đường, làm giả, nhưng quyết toán thật...
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một phần của đường bộ cao tốc Bắc - Nam, có chiều dài gần 140km, tổng kinh phí gần 28.000 tỉ đồng, được đánh giá sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội khu vực miền Trung. Tuy nhiên, việc xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn vay, dự án cũng sẽ là “gánh nợ” nặng cho con cháu. Nhưng, ngay từ lúc thi công, nhà thầu đã có biểu hiện làm ăn gian dối, cảnh báo kém chất lượng. Đáng nói, sai phạm được dân tố cáo liên tục, song không được xử lý triệt để. Đơn vị thi công tiếp tục làm trái quy trình một cách công nhiên, như thách thức người dân...
Công khai múc đất bùn, đôn nền đường cao tốc
Sau nhiều lần tố cáo hiện tượng làm ăn gian dối của nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc tại gói thầu 3A trên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - đoạn qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - không mang lại kết quả, người dân đã cầu cứu đến báo chí. Mấy ngày qua, liên tiếp phát hiện đơn vị thi công tiếp tục múc bùn đất tại lòng hồ thủy lợi Hố Dọc, huyện Bình Sơn để đổ trực tiếp, đôn nền đường cao tốc. Sáng 9.8, người dân địa phương đã mật báo, chúng tôi lập tức có mặt tại hiện trường. Không quá khó để ghi hình trực tiếp những đoàn xe đào bùn đất tại lòng hồ Hố Dọc, thuộc xã Bình Nguyên, rồi nối đuôi nhau chở đến đổ nền đường cao tốc tại vị trí Bàu Sen - xã Bình Trung, huyện Bình Sơn - Km 101 + 445 - km101 + 800-102+240.
Từ điểm cuối - nơi các xe tải nặng đang đổ bùn đất xuống công trình đường cao tốc, chúng tôi bám theo đuôi xe trong vai người đi buôn đồng nát. Có lẽ bởi chúng tôi bề ngoài quần áo xộc xệch, xe máy cà tàng, nên đoàn xe cứ vô tư đưa chúng tôi đến tận điểm đầu - nơi lòng hồ thủy lợi Hố Dọc, xã Bình Nguyên, cách đó chừng 4km. Tại đây, có 3 xe đào đang xả hết công suất để múc bùn, đất ngay lòng hồ, cung ứng cho đoàn xe khoảng chục chiếc vận chuyển đến khu vực Bàu Sen để đôn nền đường.
Công trường hoạt động ầm ào, khẩn trương, tiếng máy vang dội cả một góc núi. Thế nhưng, khi phát hiện có nhóm người lạ ghi hình, lập tức mọi phương tiện dừng đột ngột. Cánh lái xe tứ tán, lảng tránh tiếp xúc với chúng tôi. Ngay đoàn xe tải nặng đang công khai chở đất đôn đường cao tốc cũng bỗng dưng dừng chạy. Một số xe bỏ hẳn công trường để sơ tán đi nơi khác.
Gói thầu A3 do Cty Giang Tô (Trung Quốc) thi công có tổng giá trị khoảng 1.360 tỉ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Một dự án trọng điểm của ngành GTVT Việt Nam, được Chính phủ đặc biệt quan tâm, tại sao lại có hiện tượng lén lút, lo sợ mơ hồ, và dừng hẳn thi công khi có người ghi hình?
Ông Trần - một nhà thầu phụ từng cung ứng vật tư để xây dựng tại dự án đường cao tốc này cho biết: “Không cần điều tra, chẳng phải mất công để xác minh cũng có thể khẳng định ngay hoạt động múc đất, bùn tại lòng hồ thủy lợi để đổ trên đường cao tốc là hành vi vi phạm pháp luật, trái quy trình xây dựng một công trình lớn như đường cao tốc Bắc - Nam”. Theo ông Trần, mọi vật tư cung ứng cho công trình đều được giám sát chặt chẽ, thông qua quá trình kiểm soát nghiêm ngặt. Nếu là đất đôn nền, phải có giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, chất lượng đất - cát phải được kiểm định, được đơn vị tư vấn, giám sát cấp chứng thư công nhận... mới được phép đưa vào công trình. Đất bùn tại lòng hồ thủy lợi Hố Dọc không nằm trong danh mục mỏ khoáng sản do UBND tỉnh Quảng Ngãi hoặc Bộ TNMT cấp, đang bị khai thác trái phép, nhưng cung ứng để đổ vào công trình đường cao tốc như vậy là hoàn toàn vi phạm quy trình. Ông Trần giải thích thêm, sở dĩ có việc ăn cắp đất ở lòng hồ thủy lợi để đổ đường cao tốc là vì nguồn cung đất gần công trình, đất đào trộm nên trốn được thuế tài nguyên. Vì lợi nhuận, nhà thầu gian dối, làm ẩu. Nhưng vấn đề cốt lõi là nếu không có sự bắt tay, thông đồng của đơn vị tư vấn, giám sát thì sự gian dối này khó trót lọt.
Đắp nền đường trên túi bùn
Theo đuôi những xe tải nặng đào đất trộm tại lòng hồ thủy lợi Hố Dọc, chúng tôi đến công trường XD đường cao tốc tại khu vực Bàu Sen, thuộc xã Bình Trung, huyện Bình Sơn - nơi nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc đang thi công - lại phát hiện thêm một sự gian dối khác.
Quy trình theo hồ sơ thiết kế, đơn vị thi công phải bóc lớp đất phong hóa, bùn lầy trên mặt hồ, chở đến các bãi thải (đã quy hoạch gần đó) trước khi đôn đất, cát đủ quy chuẩn làm nền đường. Tuy nhiên, thực tế đơn vị thi công chỉ đôn từ cọc cát, trải vải địa rồi đổ đất lên lu lèn khi chưa nạo vét bùn.
Ông Phạm Tấn Lực, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - người đã từng nhiều lần làm đơn tố cáo hiện tượng làm ăn gian dối của nhà thầu tại khu vực này bức xúc: “Bàu Sen ở Bình Trung nguyên là đầm lầy rộng lớn, sâu hơn 8 mét bùn. Trước đây, khi xây dựng móc trụ đường dây điện 220kV, ngành điện lực đã phải loay hoay đổi cả chục phương án vẫn không xử lý được vì túi bùn quá sâu, kinh phí cao. Cuối cùng họ đã chọn cách... đi quanh. Nhưng nay, khi làm đường cao tốc, người dân chúng tôi chứng kiến đơn vị thi công không móc bùn lầy lên mà để nguyên vậy rồi đôn đất. Nếu không kiểm tra, xử lý triệt để cách làm ẩu này thì hậu quả sẽ khó lường. Đường sẽ sụt lún, hư hỏng, trong khi con cháu chúng ta phải oằn lưng trả nợ vay nước ngoài”.
Ông Lực cho biết, dự án đi qua huyện Bình Sơn có hạng mục bóc lớp đất mặt ở Bàu Sen cũng như ở toàn bộ con đường gói thầu A3 trên 300.000m3. Có 3 bãi thải đất phong hóa được quy hoạch gần Trường Tiểu học Bình Long, nhưng cho đến nay, đường cao tốc qua đây đôn gần xong, nhưng cả 3 bãi thải vẫn trống trơ, không có một khối đất thải nào.
Theo đơn thư tố cáo của tập thể nhân dân huyện Bình Sơn, riêng nhà thầu Giang Tô đã thanh toán bóc lớp đất mặt khu vực Bàu Sen là 150.000m3, bóc đồi km 103 là 53.000m3. Như vậy họ đã thanh toán khống trên 200.000m3 đất bóc đổ đi, mà bãi thải trống, đồi 103 không bóc... đã tự tố giác. Thậm chí, nhà thầu Giang Tô lại được thanh toán khống thêm 200.000m3đất đắp lại vào đường.
Để minh chứng cho hành vi làm ăn gian dối, thanh toán, rút tiền thật nhưng đổ đất kém chất lượng, đất bùn bẩn, khai thác trái phép và gian lận khối lượng khi không đào thải đất phong hóa, người dân Bình Sơn còn dày công thu thập các giấy phép khai thác mỏ đất, cát tại địa phương để đối chứng với hồ sơ thanh toán của nhà thầu Giang Tô. Theo dõi, ghi hình và giám sát chặt chẽ các đơn vị đào đất tại các mỏ không đạt chuẩn để đổ trên đường cao tốc, nhưng đến nay vụ việc chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, ông Hoàng Việt Hưng - Giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng: “Hiện tượng này không nghiêm trọng. Phần lớn các nội dung phản ánh này đã được xử lý xong. BQL dự án và tư vấn giám sát cũng yêu cầu nhà thầu khắc phục”.
Theo kỹ sư trưởng Trần Dân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Cầu đường Đà Nẵng, Bộ GTVT cần phải lập đoàn thanh tra để kiểm tra hiện tượng làm ăn gian dối mà người dân đã tố giác. Cần lập hội đồng khoa học để thẩm tra chất lượng đào đất mà dân cho rằng đơn vị thi công đã đào - đắp không đúng thiết kế. Tuy nhiên, nếu đúng như phản ánh của dân, thì việc đào bùn lầy ở Bàu Sen là không chấp nhận được. Nhà thầu có thể thay đổi phương án thi công, nhưng đề xuất ấy phải được hội đồng khoa học và cơ quan chức năng thẩm định, cho phép. Việc lấy đất phong hóa dưới lòng hồ thủy lợi để đắp nền đường càng vi phạm quy trình, kỹ thuật, cần dừng ngay. Nếu không khắc phục kịp thời, hậu quả rất lớn, không chỉ tốn thời gian, chi phí sửa chữa, mà còn mất uy tín của ngành GTVT, của Chính phủ.
Sở dĩ có việc ăn cắp đất ở lòng hồ thủy lợi để đổ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là vì nguồn cung đất gần công trình, đất đào trộm nên trốn được thuế tài nguyên. Vì lợi nhuận, nhà thầu gian dối, làm ẩu. Nhưng vấn đề cốt lõi là nếu không có sự bắt tay, thông đồng của đơn vị tư vấn, giám sát thì sự gian dối này khó trót lọt.
Lao động