MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bán lẻ: Làm gì để không rơi vào tay đối thủ ngoại?

Theo cam kết khi gia nhập WTO, từ tháng 1.2015, Việt Nam phải cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài - mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ.

Tới khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì cửa càng rộng, lối vào càng thoáng. Đã sau 1 năm rưỡi thử sức trong sân chơi mới, thế trận thị trường bán lẻ Việt Nam đang ở thế giằng co.

Gương mặt ngày càng sáng

Năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thị trường VN đạt 3.243 ngàn tỉ đồng, tăng 9,5% so với năm trước. 6 tháng đầu năm nay, 2 chỉ số nói trên tương ứng là 1.724 ngàn tỉ đồng và tăng 9,46%.

Hiện cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện ích có thương hiệu khác. Theo quy hoạch thời gian tới sẽ lên khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Bên cạnh các DN lớn có tên tuổi của Việt Nam tham gia vào thị trường bán lẻ thì chỉ trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đã nhanh chân vào Việt Nam cho thấy đây thị trường cực kỳ sôi động. Sự “đổ bộ” của các hãng bán lẻ lớn của nước ngoài có thể làm cho DN trong nước lo lắng, song người tiêu dùng lại có nhiều lựa chọn, hình thức mua sắm kiểu “tây” đã phổ cập ở thị thành, lớp thu nhập cao, hàng giá trị. Điều này lại tạo ra cú “hích” đối với DN nội địa phải năng động hơn. Hàng hóa, dịch vụ ngày càng tràn ngập, thứ gì, bao nhiêu, ở đâu cũng có, đối tượng nào “mốt” ấy, mùa nào thức ấy, ngồi nhà chỉ cần “nhấp chuột” máy tính là hàng tới, lại được chăm sóc cả sau khi mua - điều mà vài chục năm trước là mơ tưởng. Hàng Việt có sắc thái mới, nhiều DN Việt đã đưa sản phẩm vào kênh phân phối ngoại, thậm chí đưa sản phẩm đó ra nước ngoài thông qua các kênh phân phối này. Với số dân hơn 90 triệu người, lượng tiêu thụ rất lớn trong đà kinh tế đang phát triển sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để khuyếch trương bán lẻ Việt Nam.

Tuy vậy các DN nước nhà sẽ xoay xở thế nào khi bùng nổ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đồng thời việc lựa chọn hàng hoá nội hay ngoại, sẽ không có ranh giới “ý thức hệ”, tình yêu xứ sở mà bõ với đồng tiền mồ hôi nước mắt. Khi móc hầu bao ra mua hàng thì thương hiệu - giá cả - thị hiếu…là những tiêu chí đầu tiên. DN Việt Nam bước vào cuộc chơi này có phong độ mới, nhưng phía DN nước ngoài lại luôn ở đẳng cấp cao hơn. Trước mắt, những cuộc “hành quân” ồ ạt của nhiều “đại gia” bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc diễn ra trước sự ngỡ ngàng của các nhà bán lẻ VN. Năm 2015 đã có 525 vụ mua bán sáp nhập, có giá trị 4,3 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2014. Việc nhà bán lẻ lớn nhất của Thái Lan - Central Group - đã hoàn tất việc mua lại chuỗi bán lẻ này từ Tập đoàn Casino của Pháp, làm tan giấc mơ của DN Việt Nam muốn sở hữu Big C.

Đã vậy, thị trường của ta vẫn còn nhiều bấp cập, những ung nhọt như hàng lậu, hàng độc hại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn day dứt, thì lại vỡ lở nhiều chiêu lừa đảo núp danh bán hàng đa cấp, mua bán từ xa, bán hàng trực tuyến qua mạng, truyền hình, điện thoại ….

Chủ động nhưng chưa đủ đô

Ta đã chủ động chuẩn bị mọi mặt, một trong các tâm điểm là cuộc Vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động này được mở ra từ năm 2009, đạt kết quả khích lệ. Hàng Việt đang chiếm ưu thế tại các kênh phân phối với 90% tại hệ thống siêu thị, 70-80% tại các cửa hàng tiện lợi và tạp hoá, 60% tại chợ truyền thống. Việc đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã kích thích nhu cầu mua sắm hàng Việt. Sự vào cuộc của cả hệ thống và định hướng dư luận đã chứng minh hiệu ứng tích cực. Việc tuyên truyền về thực phẩm bẩn đã cảnh báo từ lò sản xuất đến các sạp hàng và thức tỉnh người tiêu dùng. Qua phanh phui các vụ hàng độc hại thẩm lậu không rõ nguồn gốc, khiến bà con ta thờ ơ với nó, quay về với hàng nội chính hiệu.

Tuy vậy, do hai trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp chưa bứt lên được, nông nghiệp đang đối mặt với nhiều hiện tượng thiên nhiên cực đoan cùng với lực lượng DN nước nhà đã đông nhưng chưa thực mạnh, khiến thị trường nội địa chưa phát triển như mong muốn.

Sáu tháng cuối năm 2016 nhu cầu tiêu dùng cao, sức mua lớn, doanh thu bán lẻ, dịch vụ sẽ tăng. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng 10-11,5% so với năm 2015, cần phải có những giải pháp mạnh, đồng bộ. Đó là, đầu tư đổi mới công nghệ để có sản phẩm ngang tầm với hàng ngoại, tạo cho được hình ảnh mới của hàng Việt, đưa cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” lên tầm mức mới. Tăng cường trách nhiệm và nâng cao thực lực của DN, phục vụ văn minh, hiện đại. Các nhà phân phối liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, không tranh giành ảnh hưởng.

Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo về quyền lợi người tiêu dùng, nhà sản xuất. Phân định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, đoàn thể, tổ chức xã hội, hệ thống thông tin đại chúng, trong đó có cơ quan làm đầu mối. Tổ chức kênh phân phối, mạng lưới bán lẻ - trong đó “lõi” là các chợ truyền thống đưa hàng Việt Nam lan rộng, vào sâu các địa bàn, tới các đối tượng. Tăng cường kiểm tra thị trường, giá cả nhất là các mặt hàng thiết yếu, địa bàn nóng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại từ gốc, truy quyết tận hang ổ, bọn đầu nậu.

Theo Nguyễn Duy Nghĩa

Lao động

Trở lên trên