Chưa đến lúc CTCK thực hiện giải chấp?
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường của CTCK MBS, phiên hôm nay mới là giai đoạn NĐT chủ động hạ margin
- 18-01-2016Chưa nên “tham” lúc này?
- 18-01-2016VIC, MSN hồi phục cuối phiên, VnIndex đóng cửa giảm gần 17 điểm
- 18-01-2016HAG lại xuyên thủng đáy cũ: Lòng tham bị trả giá đắt?
Tiếp tục mở cửa trong tình hình thị trường tài chính quốc tế không có điểm khả quan, thị trường chứng chứng khoán Việt Nam sáng ngày 18/01 đang diễn ra đầy căng thẳng khi VN-Index đã nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 530 điểm mà các chuyên gia kỳ vọng tuần trước.
Đây là phiên thứ 4 liên tiếp Vn-Index mất điểm và khiến cho vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 45.000 tỷ đồng tính đến 10h sáng nay.
Điểm lạc quan là khi chỉ số này rơi gần 20 điểm, lực cầu nhảy vào khá mạnh đẩy thanh khoản tăng vọt. Nhiều nhà đầu tư đã hô bắt đáy quyết liệt, nhưng có thể thấy tinh thần chung của nhiều người khác là thận trọng.
Theo ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường của CTCK MBS, một tín hiệu khá quan trọng về dòng vốn trong tuần qua, đó là dòng vốn ETF tiếp tục rút ròng khỏi TTCK Mỹ với lượng rút lên tới 2,53 tỷ USD, rút khỏi TTCK toàn cầu là 1,86 tỷ USD nhưng chảy mạnh vào trái phiếu Chính phủ Mỹ lên đến 2,48 tỷ USD. Nếu tính cả tuần trước đó, TTCK Mỹ đã bị các quỹ ETF rút 8,28 tỷ USD.
Điều này cho thấy khả năng thị trường chứng khoán thế giới vẫn sẽ có khả năng giảm tiếp khi các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều có xu hướng rơi vào thị trường con gấu.
Về mẫu hình kỹ thuật, VN-INDEX đang tạo ra mẫu hình Head and Shoulder và trong trường hợp xấu nhất xảy ra có thể chỉ số sẽ tiệm cận về vùng đáy lớn thứ 4 quanh mốc 510 điểm – vùng đáy của thị trường trước đây.
Vậy chiến lược ngắn hạn nên hành động như thế nào?
“Qua tất cả các thời kỳ sụt giảm mạnh trong những năm gần đây chúng tôi thống kê, vùng mua có khả năng sinh lời nhất bắt đầu diễn ra nếu VN-INDEX từ mức 530-540 điểm trở xuống. Tuy nhiên, với các biến cố hiện tại từ thị trường thế giới là rất khó lường. Do đó để tránh trường hợp bắt đáy quá sớm, chúng tôi khuyến nghị ngắn hạn NĐT chưa nên mua thêm mà chờ phản ứng thị trường tại các mốc điểm hỗ trợ quan trọng như 530 và sâu hơn là đáy quanh 510 điểm.” – Ông Sơn nhận định.
Đánh giá về áp lực giải chấp trên thị trường, ông Sơn cho rằng áp lực này cao nhưng phiên hôm nay mới là giai đoạn NĐT chủ động hạ margin chứ chưa đến giai đoạn các CTCK giải chấp. 2 tuần qua, margin toàn thị trường đã giảm khoảng 15-20% từ đỉnh nhưng dư nợ margin vẫn còn khá cao. Khi giá giảm nhanh và sâu như 2 phiên qua, dư nợ margin có thể giảm 40%.
“Khó có thể nói là bao nhiêu phiên thì giải quyết hết áp lực giải chấp bởi vì quan trọng là sức cầu như thế nào. Bối cảnh hiện tại gặp nhiều khó khăn khi dòng tiền lớn chưa tham gia vào thị trường. Tôi thấy sức cầu chưa thể hấp thụ đủ áp lực này trong vòng 1, 2 phiên nữa” .