MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng gì sau khi kết thúc đàm phán TPP?

Việc kết thúc đàm phán TPP được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của thị trường chung và cổ phiếu của một số ngành hưởng lợi trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng sẽ có tác động lớn hơn trong dài hạn.

Việt Nam và 11 đối tác khác đã hoàn tất cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tối ngày 5/10 tại Atlanta (theo giờ Việt Nam), trong đó Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận lịch sử này.

Những tác động của TPP đến nền kinh tế kinh tế, và theo đó là đến thị trường chứng khoán, đã được nhiều chuyên gia đánh giá tích cực.

“Đây là thông tin tốt được thị trường chờ đợi. Kỳ vọng nó sẽ là cú huých để tạo đà tăng cho thị trường,” ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) – đánh giá về kết quả cuộc đàm phán.

Trao đổi nhanh với phóng viên Người Đồng Hành, ông Hoàng còn nhận định không chỉ những ngành xuất khẩu được hưởng lợi trực tiếp từ thỏa thuận này, mà những ngành phụ trợ cho hiệp định TPP sẽ được hưởng lợi gián tiếp như ngân hàng, xây dựng cơ bản và cả logistics.

Còn ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng trong vùng thị trường tích lũy hiện tại thì kết quả đàm phán TPP sẽ tạo hiệu ứng khá tốt đến thị trường trong ngắn hạn.

Tất cả những ngành hưởng lợi từ TPP như hạ tầng, ngành dệt may, da giày, thủy sản, cảng - kho vận sẽ hưởng lợi.

Tuy nhiên, ông Khoa không tỏ ra quá lạc quan, cho rằng thị trường sẽ chỉ có sóng nhỏ trong tháng 10, một phần do thỏa thuận này cần quốc hội các nước thông qua và để thực thực sự đi vào hoạt động thì có thể phải mất ít nhất 1 năm nữa.

Ông Ngô Thế Hiển – Phó phòng Phân tích CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), có cùng quan điểm, cho rằng thỏa thuận mới nhất về TPP có tác động mang tính gián tiếp và lâu dài đến thị trường chứng khoán qua việc giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

“Trong ngắn hạn nó sẽ phản ánh tích cực đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là cái nhóm ngành hưởng lợi, nhưng tác động lớn hơn sẽ đến trong dài hạn,” ông nói.

Ông Hiển nhận định một số ngành như dệt may, xuất khẩu đồ gỗ sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay lập tức. Và trong dài hạn hơn, khi Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư, đặc biệt từ các quốc gia đầu tư để tận dụng cơ hội Việt Nam vào TPP, nhiều ngành khác sẽ hưởng lợi theo.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của SHS cho rằng việc mở cửa cũng sẽ khiến nhiều ngành bị tác động xấu như chăn nuôi và các ngành nhập khẩu nhiều.

Theo ông Hiển, những tác động đến Việt Nam mang tính lâu dài, vì không phải TPP đàm phán xong mà có hiệu lực ngay. Các nước tham gia TPP còn phải xin thông qua theo các luật lệ của họ, và nhanh nhất cũng phải mất hơn 1 năm.

Ít nhất, trong ngắn hạn, việc kết thúc được đàm phán cũng giúp tâm lý trở nên tích cực hơn, nhất là trong bối cảnh thanh khoản thời gian qua ở mức thấp và cũng không có nhiều đểm sáng.

Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng phòng phân tích khối Khách hàng cá nhân của CTCK Bản Việt (VCSC), cũng cho rằng trong bối cảnh giao dịch thấp thì thông tin về kết thúc đàm phán TPP là yếu tố hỗ trợ cho nhà đầu tư.

Ngoài sự hỗ trợ từ TPP, ông Minh cho rằng từ nay đến cuối năm nhiều yếu tố vĩ mô khác cũng sẽ ổn định, và theo đó sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn.

Thời gian vừa qua nhà đầu tư chưa có lý do để mua cổ phiếu, nhưng giờ họ đã có lý do, ít nhất là trong ngắn hạn,” ông Minh đánh giá.

“TPP sẽ là chất xúc tác để chỉ số VN-Index lấy lại mức 600 điểm, gần nhất trong tháng 10 này,” ông nói.

 
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), có đánh giá thận trọng hơn, cho rằng việc kết thúc đàm phán TPP nhìn chung tốt cho tâm lý thị trường, nhưng không phải là quá tốt.

Các nhà đầu tư giờ đây sẽ phải chờ từng điều khoản của thỏa thuận TPP để có thông tin chi tiết.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, ít nhất qua thỏa thuận này, Mỹ ở chừng mực nào đó đã chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trước đây, việc không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nên Mỹ hay áp thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Vị chuyên gia SSI cho rằng thỏa thuận TPP sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nhiều hơn, đặc biệt là ảnh hưởng đến các nhà đầu tư FDI. Khi TPP ký rồi, các nhà đầu tư sẽ tự tin hơn để đổ thêm vốn vào Việt Nam, và luồng tiền này sẽ giúp Việt Nam cân bằng được cán cân tổng thể.

Theo Trung Nghĩa

Người Đồng Hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên