MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng sau biến động của đồng Nhân dân tệ

HSC mới đây đã xem xét một số nhóm ngành doanh nghiệp bị tác động khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá. Đây chủ yếu là nhóm các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng hóa Trung Quốc và DN đang sở hữu những khoản nợ ngoại tệ lớn.

Trong ba ngày liên tiếp vừa qua, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm giá 4,64%. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như trên thế giới đã thấy có sự thay đổi căn bản trong mối tương quan giữa NDT và các đồng tiền khác.

Đối với mức độ thiệt hại của xuất khẩu Việt Nam cũng như lợi nhuận của những doanh nghiệp liên quan, CTCP Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) đã xem xét một số nhóm ngành doanh nghiệp bị tác động. Đây là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi áp lực cạnh tranh ngày càng tăng tại nội địa lẫn xuất khẩu cũng như các công ty có tỷ trọng nợ bằng ngoại tệ ở mức cao.

Cụ thể, theo đánh giá của HSC, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cơ bản như cao su, thủy sản chế biến (chủ yếu là cá rô phi và tôm) bị ảnh hưởng. Các công ty đường cũng bị ảnh hưởng với mức độ ảnh hưởng thấp hơn.

Bởi theo Hải quan Việt Nam, trong số 330.000 tấn cao sư tự nhiên xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay (tăng 30% so với cùng kỳ), xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 48,6% (tăng 56,9% so với cùng kỳ). Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam. Hằng năm, khoảng 150.000 -200.000 tấn đường RS tương đương hơn 10% tổng nguồn cung đường của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc qua biên giới phía Bắc.

Một số doanh nghiệp niêm yết chịu ảnh hưởng và ảnh hưởng trực tiếp là Mía đường Thành Thành công Tây Ninh (SBT), Mía đường Lam Sơn (LSS); Hoàng Anh Gia Lai (HAG); Cao su Phước Hòa (PHR); Cao su Đồng Phú (DPR). Ngoài ra cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến Vĩnh Hoàn (VHC) & Hùng Vương (HVG) do cá rô phi cạnh tranh với cá da trơn.

Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu – như may mặc, giày dép và thép sẽ bị ảnh hưởng do các công ty Trung Quốc trong cùng ngành vốn đã có lợi thế về quy mô giờ sẽ gia tăng cạnh tranh khi đồng NDT giảm giá.

Hàng may mặc Trung Quốc chủ yếu là cotton trong khi đó quốc gia này ít biết đến với hàng may mặc từ sợi tổng hợp (Đài Loan đứng đầu về mảng này). Trong bất kỳ trường hợp nào, lợi thế tỷ giá 5% hoặc lớn hơn là mức quan trọng trong ngành có giá trị gia tăng thấp (là ngành có nguyên vật liệu đầu vào chiếm mức tỷ trọng rất lớn trong giá thành) và chi phí là yếu tố quyết định quan trọng.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như Vinatex (một số hàng may mặc dựa trên cotton và đối thủ chính là Trung Quốc); TCM (có 50% sản phẩm dựa trên cotton); HSG cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Trung Quốc trên thị trường xuất khẩu.

Nhóm ngành công nghiệp trong nước trong khi đó sẽ phải cạnh tranh với số lượng lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như lốp, thép.

Hòa Phát (HPG) cạnh tranh với thép sản xuất Trung Quốc ở phân khúc giá thấp. Đối với ngành săm lốp, thị trường lốp radial nội địa là 50% và lốp bias là 10%. Về nhóm công ty ô tô, HHS nhập khẩu xe tải Dong Feng và xe tải Howo từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80% doanh thu).

Do vậy, HSC đánh giá Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Miền Nam (CSM) sẽ bị ảnh hưởng. Hoàng Huy (HHS) sẽ còn một số xe tải tồn kho trước đó với giá cao. Tuy nhiên khi tồn kho hiện tại được xử lý, HHS sẽ hưởng lợi trong trung hạn với giá nhập khẩu thấp hơn.

HSC cũng lưu ý về những công ty trong nước có tỷ trọng nợ bằng ngoại tệ cao cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những biến động tỷ giá gần đây.

Ngoại trừ các DNNN, các doanh nghiệp niêm yết như PVD (nợ 610 triệu USD), PPC (25,6 tỷ Yên), VIC (670 triệu USD nợ dưới nhiều hình thức khác nhau); NT2 (nợ 134,8 triệu USD và 123,2 triệu Euro); HSG (tỷ lệ nợ USD và nợ bằng đồng VNĐ thay đổi hàng ngày), CII (31,5 triệu USD trái phiếu) là những doanh nghiệp có dư nợ bằng ngoại tệ đáng lưu ý. Theo đó cả lãi vay và gốc vay sẽ tăng (ngoại từ PVD với tất cả các khoản thu chi đều bằng USD).

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên