MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn ngoài ngành: SCIC chỉ là “bến đậu” cuối cùng

Cánh cửa thoái vốn ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được mở ra cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

“Cánh cửa thoái vốn ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được mở ra cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo đó, họ không chỉ có quyền bán thấp hơn giá trị sổ sách và mệnh giá mà, nếu không bán hết, phần vốn này sẽ được bán cho NHTM Nhà nước hoặc chuyển sang NHNN” – TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Lộ trình rõ, cách làm cũng đã rõ

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/2014/NQ-CP ngày 6/3 vừa qua về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN được xem là đã “mở rộng thêm” cánh cửa đối với các DNNN hiện đang mắc kẹt với đầu tư ngoài ngành. Nói vậy bởi Nghị quyết này sẽ giúp giải quyết được vướng mắc lớn nhất bấy lâu nay là việc DNNN không được phép thoái vốn dưới mệnh giá.

“Lâu nay vấn đề thoái vốn ngoài ngành của DNNN chủ yếu tắc ở khâu đó. Nên có thể xem Nghị quyết 15 đã mở thông thoáng hơn giúp giải quyết ách tắc này” – TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định.

Trong bối cảnh tiến trình thoái vốn ngoài ngành gần như rơi vào bế tắc và vẫn còn tới gần 18 nghìn tỷ đồng tổng vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN chưa biết làm cách nào “thoái” được, thì Nghị quyết 15 được các chuyên gia nhìn nhận là bước đi quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DNNN và góp phần đảm bảo thực hiện được kế hoạch cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đặt ra đến năm 2015.

Không chỉ làm rõ về lộ trình thoái vốn, với Nghị quyết 15 ra đời, các cách thức để thoái vốn cũng được Chính phủ quy định rõ hơn. Đơn cử, riêng với phần vốn ngoài ngành của DNNN tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng hiện nay sẽ có tới 4 cách thức để “thoái”: Thứ nhất, DNNN có thể tự tìm cách bán phần vốn ấy, thậm chí dưới mệnh giá; Thứ hai, NHTM Nhà nước sẽ mua lại; Thứ ba, chuyển NHNN làm đại diện chủ sở hữu; và Thứ tư, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua lại. Trong các phương thức này, cũng có thể hiểu đây là những đặc tính ưu tiên được xếp theo hướng giảm dần.

“Cánh cửa thoái vốn ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã được mở ra cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Theo đó, họ không chỉ có quyền bán thấp hơn giá trị sổ sách và mệnh giá mà, nếu không bán hết, phần vốn này sẽ được bán cho NHTM Nhà nước hoặc chuyển sang NHNN” – TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Như vậy, vấn đề hiện nay xem ra không còn là câu hỏi liệu các DNNN có thoái được vốn không? Bởi, một trong những lo ngại và cũng là lý do lâu nay mà DNNN luôn tìm cách hoãn không muốn thoái vốn ngoài ngành là do sợ mất vốn Nhà nước, đơn giản vì hầu hết giá trị tài sản đã đầu tư hiện nay đều đã thấp hơn giá trị sổ sách và mệnh giá rất nhiều.

NHTM Nhà nước, NHNN sẽ gánh trọng trách lớn

Trở lại các cách thức mà DNNN có thể thoái vốn tại các công ty tài chính, ngân hàng nêu trên. Theo TS. Lực, cách thức ưu tiên và cũng là tốt nhất lúc này là DNNN tự bán phần vốn của mình. Bởi trong bối cảnh DNNN được phép bán dưới mệnh giá và thị trường chứng khoán gần đây cũng đã ấm lại khá nhiều, thì cách thức này hoàn toàn có thể áp dụng thuận tiện.

Trong trường hợp không “tự giải quyết” được thì phần vốn ấy có thể bán cho NHTM Nhà nước hoặc NHTM Nhà nước sẽ chủ động tìm mua. Sẽ có những ý kiến lo ngại liệu các NHTM Nhà nước có mặn mà không khi chính họ cũng có thể có những khoản đầu tư ngoài ngành phải rút vốn và room để cho phép họ mua có thể cũng không còn nhiều. Bởi vì, theo Điều 129 Luật Các TCTD, NHTM chỉ được phép đầu tư vào DN trong ngành tối đa lên đến 40% vốn điều lệ. Nhưng theo TS. Lực, không có gì đáng băn khoăn, vì thực ra các khoản vốn mà DNNN phải thoái đó không nhiều.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Ánh cho rằng: “Thật ra phần tổng đầu tư ngoài ngành cũng chỉ hơn chục ngàn tỷ đồng, mà trong đó cũng chỉ có một phần là đầu tư vào các công ty tài chính, ngân hàng. Tức là quy mô không lớn và các NHTM Nhà nước thừa sức mua vào mà không ảnh hưởng gì nhiều đến các hoạt động của họ”.

Bên cạnh đó, theo TS. Lực, nếu trong trường hợp đã quyết định cho NHTM Nhà nước mua lại thì có thể NHNN cũng sẽ sẵn sàng xem xét nới room. Tất nhiên, điều kiện đi kèm là sau một thời gian ngân hàng đó phải “lùi” về 40%. Lúc đó, NHTM Nhà nước có thể mua phần vốn DNNN ở tổ chức tài chính này nhưng sẽ lại có lộ trình thoái vốn ở tổ chức tài chính khác. Còn nếu không nới room mà việc mua vào phần vốn có thể dẫn đến tổng vượt quá room 40% được phép, thì NHNN có thể yêu cầu một số NHTM Nhà nước cùng lúc mua chung phần vốn đó.

Không bày tỏ quan ngại như một số ý kiến cho rằng hoạt động mua bán này có thể làm vấn đề sở hữu chéo (SHC) “thêm phần phức tạp”, TS. Lực lý giải, chỉ lo SHC khi thông tin tài chính của tổ chức thực hiện mua hoặc bán không minh bạch. Còn đây rõ ràng là hoạt động mua bán minh bạch. “NHTM Nhà nước sẽ phải minh bạch về việc đang sở hữu bao nhiêu % vốn ở những tổ chức tài chính nào, tổng room đã quá 40% hay chưa. Quan trọng hơn nữa, NHNN chính là chốt chặn và sẽ kiểm soát rất chặt vấn đề này. Họ sẽ chỉ được mua phần vốn trên nếu đảm bảo về room 40% và các quy định liên quan đến SHC” – TS. Lực cho biết.

Một điểm nữa cũng cần làm rõ, SHC là việc TCTD A (hoặc thông qua các công ty con của mình) nắm vốn ở TCTD B, ngược lại TCTD B (hoặc thông qua các công ty con của mình) lại nắm vốn ở TCTD A. Trong khi đó, trên thị trường mới chỉ thấy các NHTM Nhà nước nắm sở hữu ở các NHTMCP, công ty tài chính chứ không thấy trường hợp ngược lại. Vả lại, giả sử nếu có thì mức độ cũng không nhiều hay vi phạm quy định hiện hành về sở hữu.

Một cách thức nữa cũng có thể được áp dụng là nếu NHTM Nhà nước không mua lại phần thoái vốn của DNNN thì sẽ được chuyển NHNN nắm đại diện quyền sở hữu. Điều này cũng là “đúng chức năng, nhiệm vụ” bởi theo lý giải của TS. Ánh, bản thân NHNN vẫn đang là chủ đại diện, sở hữu vốn Nhà nước tại các NHTMCP, nhất là các NHTM Nhà nước nên chuyện nhận thêm những phần vốn ấy cũng là điều bình thường.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Lực đưa ra một số điểm thuận lợi nếu NHNN nắm phần vốn đó: “NHNN hiểu biết tốt nhất về ngành Ngân hàng, về NHTM Nhà nước nên mức độ tham gia điều hành, giám sát sẽ tốt hơn SCIC”. Bên cạnh đó, NHNN với tư cách Cơ quan chủ quản sẽ có tiếng nói mạnh hơn SCIC. Sau này nếu NHNN có muốn bán phần vốn đó ra thì các NHTM cũng sẽ mặn mà mua hơn là mua từ SCIC.

Với lý giải như vậy, có lẽ, lượng vốn mà DNNN sẽ phải thoái ra khỏi các TCTD sẽ chỉ xem SCIC là “bến đậu cuối cùng”.

Theo Hồng Quân – Ngọc Khanh

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên