MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước giờ giao dịch 06/10: Hiệu ứng TPP sẽ phá vỡ xu hướng đi ngang

Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng, gây áp lực lên đà tăng của thị trường nhưng "sự kiện TPP" được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích tích cực cho thị trường trong phiên hôm nay.

Thị trường đã nhận nhiều thông tin hỗ trợ tích cực về quá trình đàm phán TPP sẽ kết thúc. Thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch hưng phấn.

Các mã cổ phiếu Bluechip giao dịch rất tích cực, góp phần tạo nên một phiên tăng điểm mạnh. Trong đó, VNM tăng 3000 đồng (3%), BVH tăng 2000 đồng (4,3%), GMD tăng 2.300 đồng (6,7%)….

Dòng tiền đã chủ động gia nhập thị trường, giúp chỉ số có một phiên tăng mạnh. Cụ thể, VnIndex tăng 7,69 điểm lên 570 điểm tương đương với tăng 1,37%, HNX-Index 0,57 điểm lên 78,82 điểm tương đương tăng 0,73% so với phiên đóng cửa cuối tuần trước.

Khối lượng khớp lệnh cả hai sàn lần lượt là 90,4 triệu đơn vị tại sàn HOSE tăng 32,7% so với phiên trước và 33,6 triệu đơn vị tại sàn HNX tăng 29,2% so với phiên giao dịch trước đó.

Khối ngoại vẫn tiếp tục có một phiên bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng đà bán ròng đã suy giảm, chỉ còn 15,8 tỷ đồng.

Nhận định của công ty chứng khoán:

Chứng khoán MBS: Về mặt kỹ thuật, thị trường đã có phiên tăng tích cực cả về điểm số và thanh khoản, VN-Index và HNX-Index đã tăng điểm vượt qua đường trung bình động 20 ngày. Đây là tín hiệu cho thấy trạng thái sideway có thể sắp kết thúc.

Hai chỉ số này đang hướng đến việc kiểm nghiệm các ngưỡng khác cự tương ứng là 575 điểm và 79 điểm để xác nhận xu hướng tăng trưởng mới.

Chứng khoán KIS-Việt Nam: Các chỉ số đã mở rộng đáng kể biên độ tăng giữa lúc thanh khoản cải thiện. Điều này được kì vọng sẽ phá vỡ xu thế xu thế đi ngang được hình thành trong thời gian vừa qua. Với việc TPP đã đạt được thỏa thuận kết thúc đàm phán, chúng tôi kì vọng yếu tố TPP tiếp tục là động lực chính giúp thị trường diễn biến khả quan.

Thông tin cổ phiếu đáng chú ý:

NAF- Công ty cổ phần Nafoods Group: Nhằm đầu tư phát triển bền vững trong tương lại, Công ty đã có công văn số 182 vào ngày 28/9 về việc điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2016 từ 20% xuống 10%. Phần cổ tức giữ lại sẽ được công ty tái đầu tư phát triển cho những kế hoạch trong tương lai.

VTF- Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Việt Thắng: Công ty công bố nghị quyết của HDQT về việc thành lập Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An với vốn điều lệ 200 tỷ đồng và Công ty TNHH Giống chăn nuôi Việt Thắng An Giang với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, toàn bộ do 100% VTF đầu tư vốn.

TTP- Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Tân tiến: Nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, hai thành viên HĐQT của công ty là bà Trương Thị Thanh Huyền và bà Đoàn Thu Nhạn cùng người nhà là bà Đoàn Bích Thảo (chị gái bà Nhạn) và bà Nguyễn Thị Tâm (mẹ bà Huyền) cùng đăng ký bán hết toàn bộ lần lượt 32.163 cổ phiếu, 104.863 cổ phiếu, 114.000 cổ phiếu và 23.424 cổ phiếu TTP đang nắm giữ từ 7/10 đến 16/10. Ngược lại, Thành viên HĐQT Châu Ngọc Giang Thanh lại đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu TTP từ 7/10 đến 5/11 để đầu tư, hiện vị này chưa nắm giữ cổ phiếu TTP nào. Trong khi, cổ phiếu TTP sẽ chính thức hủy niêm yết trên HOSE kể từ ngày 15/10 tới.

KDC- Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido: Bà Vương Bửu Linh, Thành viên HĐQT, đồng thời cũng là vợ của Chủ tịch công ty Trần Kim Thành, đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu KDC từ 8/10 đến 6/11 nhằm mục đích đầu tư cá nhân. Nếu giao dịch thành công Bà Linh sẽ sở hữu 0,82%. Hiện tại, Bà Linh đang là chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc là Công ty TNHH Đầu tư Vinh Linh, công ty đang nắm giữ 6.436.690 cổ phiếu KDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 2,737%.

PHC- Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings: Tổng giám đốc Trần Huy Tưởng đã mua 396.100 cổ phiếu trong tổng số 500.000 cổ phiếu đăng ký trước đó. Sau giao dịch, ông Tưởng nắm giữ 757.750 cổ phiếu PHC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 6,96%.

Thông tin kinh tế đáng chú ý:

Chiều tối ngày 05/10 theo giờ Việt Nam, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức hoàn tất.

Ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 8 - 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn nhờ vào các tác động tích cực từ TPP.

Nguyễn Sơn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên