MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCBS: Bluechips trụ cột đều vượt kế hoạch năm

VCBS ước VIC, HAG hoàn thành kế hoạch năm, GAS, PGS, PVD, KDC, HPG, CSM, DPM vượt kế hoạch năm 2013, VCB, FPT hoàn thành 95-96% kế hoạch năm 2013.

Công ty chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) vừa ra báo cáo đánh giá lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 và dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2013 của 10 doanh nghiệp hàng đầu các ngành sản xuất kinh doanh khác nhau đang niêm yết trên sàn HoSE, bao gồm CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Tập đoàn VinGroup (VIC), CTCP FPT, CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (PGS), Tổng CTCP Khoan và dịch vụ dầu khí (PVD), Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), CTCP Kinh Đô (KDC), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), CTCP Công nghiệp cao su Miền Nam (CSM), Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Theo VCBS, theo kết quả 6 tháng đầu năm 2013 duy nhất VCB có lợi nhuận sau thuế giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong khi hầu hết các doanh nghiệp trên đều tăng trưởng thậm chí VIC tăng 200% so với cùng kỳ 2012 mặc dù doanh thu của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng thấp thậm chí là giảm. Điều này là do chi phí tài chính của các doanh nghiệp trên giảm mạnh.


Doanh thu thuần - Đơn vị: tỷ đồng

Một số doanh nghiệp trong ngành dầu khí, khí gas có yếu tố độc quyền như PVD, PGS và GAS có kết quả rất ấn tượng, tăng trưởng lần lượt 41%, 63% và 50% so với cùng kỳ 2012.

VCBS ước 9 tháng đầu năm 2013 PVD lãi ròng 1.348 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 99% kế hoạch năm).

Cả năm VCBS ước PVD vượt kế hoạch năm khoảng 32% nhờ giá cho thuê giàn khoan bình quân cao hơn, thờikiến sẽ ghi nhận lợi nhuận trong năm 2011 và 2012 của liên doanh Baker Hughes trong quý 4/2013. Tăng trưởng lợi nhuận của PVD nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng khả quan đồng thời chi phí hoạt động và chi phí tài chính giảm.


(*) LNTT - Đơn vị: tỷ đồng

Đối với doanh nghiệp khí GASPGS, VCBS cho rằng công ty này vượt kế hoạch năm 30% ngay trong 9 tháng đầu năm 2013. VCBS ước tính PGS đạt 157 tỷ đồng LNST trong 9 tháng đầu năm, tăng 74,4% cùng kỳ năm trước, cả năm ước vượt kế hoạch 46% do nhu cầu sử dụng CNG thường tăng lên vào cuối năm, giá LPG trên thị trường quý 3 đã tăng trở lại, giá bình gas trong nước cũng được điều chỉnh tăng.

GAS ước đạt 10.225 tỷ đồng LNST trong 9 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm trước nhờ được hưởng lợi từ cơ chế đầu vào cố định do ký hợp đồng dài hạn theo lộ trình với các đơn vị dầu khí có thời hạn đến 2015 trong khi giá bán đầu ra được thả nổi.

Hai cổ phiếu trong ngành bất động sản là HAG và VIC đạt được kết quả khả quan trong quý 2/2013 và được dự báo sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm. VIC được kỳ vọng KQKD khả quan khi bàn giao hết và hạch toán căn hộ các dự án Royal City và Times City, bán 20% cổ phần của Vincom Retail và hoàn tất việc chuyển nhượng 1 phần Vincom Center B.


Vn-Index và tương quan giá các cổ phiếu

HAG chuyển qua mía đường và thoái bớt một số dự án điện và bất động sản, HAG đạt được lợi nhuận sau thuế 452 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2013, theo VCB nếu mảng cao su diễn biến thuận lợi thì HAG có thể đạt kế hoạch lợi nhuận năm 1.100 tỷ.

CSMHPG là hai doanh nghiệp được hưởng lợi từ giá chi phí đầu vào khi giá cao su tự nhiên và giá than coke, quặng sắt giảm trong nửa đầu năm 2013, ngoài ra HPG dự kiến được hoàn nhập dự phòng nhờ thu hồi khoản nợ tại CTCP Đầu tư ACB, VCBS ước cả năm HPG sẽ vượt 42% kế hoạch năm. CSM dự kiến 9 tháng đạt 333 tỷ đồng trước thuế, vượt 21% kế hoạch năm, cả năm ước đạt 450 tỷ vượt 64% kế hoạch.

KDC kinh doanh ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, quý 3 là mùa bánh trung thu nên VCBS dự kiến 9 tháng LNST của KDC đạt 474 tỷ đồng, gấp 6 lợi nhuận nửa đầu năm và tăng 27% so với cùng kỳ 2012.

Đối với VCB FPT, dự kiến hai doanh nghiệp này hoàn thành 95% và 96% kế hoạch năm do VCB có thu nhập lãi thuần giảm nhiều. VCBS ước lợi nhuận trước thuế của FPT trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt hơn 1.800 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ nhờ mảng phân phối hứa hẹn sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm, phát triển phần mềm, viễn thông và tích hợp hệ thống có triển vọng khả quan.

Ngoài ra, VCBS ước tính rằng DT và LNST của DPM trong Q3 đạt tương ứng hơn 1.900 tỷ đồng (giảm 43,6% so với cùng kỳ 2012 nhưng LNST đạt 583 tỷ đồng tăng 2,6% cùng kỳ 2012. Lũy kế 9T.2013, doanh thu của DPM ước đạt hơn 8.000 tỷ đồng (-23,5% yoy, hoàn thành 79,2% KH năm đã được điều chỉnh vào đầu tháng 10) và LNST đạt khoảng 2.200 tỷ đồng (-13,2% yoy, hoàn thành 115% KH năm). VCBS dự báo lợi nhuận cả năm 2013 của DPM đạt 2.700 tỷ đồng (-11,9% yoy, hoàn thành 141% KH năm), theo đó EPS 2013 sẽ đạt trên 7.100 đồng/cp, P/E forward vẫn chỉ vào khoảng 6,1 lần.

VCBS cho rằng khả năng DPM sẽ tăng tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ 2.500 đồng/cp lên 4.500 đồng/cp cho năm 2013, đây cũng là mức khá hấp dẫn cho mục đích mua và nắm giữ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, DPM khó có khả năng quay trở lại tốc độ tăng trưởng DT và LN cao như các năm trước đây nếu không đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp sản phẩm. Theo VCBS, giá urê sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp với tình trạng cung vượt cầu, điều này sẽ có thể thu hẹp biên lợi nhuận của DPM.

Đánh giá về triển vọng thị trường chung, VCBS cho rằng VN-Index vượt trên mốc tâm lý 500 điểm với thanh khoản tốt vào phiên đầu tuần cho thấy một xu hướng tăng điểm khá tích cực trong ngắn hạn. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh các cổ phiếu được kỳ vọng có KQKD khả quan và tiềm năng tăng trưởng tốt.

Việc các VAMC bắt đầu ký hợp đồng mua nợ xấu của các ngân hàng như PGBank, SCB và SHB (tổng giá trị hơn 800 tỉ) sẽ góp phần kích thích dòng tiền lưu thông trên thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn được hiệu quả hơn. Chính vì thế, thị trường chứng khoán sẽ phần nào được hưởng lợi, ở các cổ phiếu ngân hàng cũng như các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên