MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường hàng hóa ngày 18/06/2018: Vàng thấp nhất 5,5 tháng, cao su thấp nhất 3 tháng

19-06-2018 - 09:07 AM | Thị trường

Trong khi đó giá dầu, đường, cà phê, đậu tương tăng nhẹ.

Dầu tăng giá

Giá dầu tăng cao trong ngày đầu tuần do giới thương gia giảm kỳ vọng vào việc tăng sản xuất của OPEC và các nhà đầu tư đánh giá tác động gia tăng của tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Giá dầu thô Mỹ chốt phiên giao dịch đã tăng 79 cent/thùng lên 65,85 USD/thùng. Giá hợp đồng này đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng là 63,59 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent chốt phiên tăng 1,90 USD lên 75,34 USD/thùng. Mức chênh lệch giữa giá dầu thô của Mỹ và dầu Brent đã tăng lên tới 9,75 USD/thùng, sau khi thu hẹp vào cuối tuần trước.

Trung Quốc đã thông báo đặt thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Mỹ vào thứ Sáu tuần trước, trong đó có dầu thô.

Theo ông Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của công ty môi giới OANDA tại Singapore, tình trạng chiến tranh thương mại leo thang gây ra mối nguy hiểm đối với giá dầu.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 16/6 cho biết Nga và A-rập Xê-út sẽ đề nghị OPEC tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong quý III/2018.

Cuộc họp về chính sách sản lượng của OPEC dự kiến diễn ra tại Vienna (Áo) từ ngày 22-23/6. OPEC, Nga và một số nhà sản xuất khẩu dầu thô lớn ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 cho đến hết năm 2018 nhằm giải quyết nguồn cung dư thừa trên toàn cầu và vực dậy giá dầu, vốn lao dốc từ mức 110 USD/thùng hồi năm 2014 xuống chỉ còn 30 USD/thùng vào năm 2016

Vàng quanh quẩn mức thấp nhất 5 tháng rưỡi

Giá vàng chốt phiên giao dịch ở mức thấp nhất 5 tháng rưỡi qua do USD mạnh lên bù đắp lại những tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.278,18 USD/ounce lúc 17:33 GMT trong khi vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 8 đã tăng 1,60 USD, tương đương 0,1%, ở mức 1.280,10 USD/ounce.

USD tăng vững chạm gần mức cao nhất kể từ tháng 11 so với rổ tiền tệ, tăng 0,2% lên 94,985. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế quan mạnh tay lên khoảng 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Động thái này của ông Trump có thể sẽ thổi bùng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vàng thường được các nhà đầu tư sử dụng như một hàng rào chống lại sự bất ổn chính trị và tài chính. 

Trong khi đó, cổ phiếu châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tuần vào ngày đầu tuần sau khi ông Trump làm gia tăng căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Hàn Quốc và Mỹ dự kiến ​​sẽ thông báo đình chỉ các cuộc tập trận quy mô lớn trong tuần này, song họ cảnh báo sẽ khởi động lại nếu Triều Tiên không giữ lời hứa xóa bỏ hạt nhân, hãng tin Yonhap cho biết.

Chuyên gia phân tích kỹ thuật của Reuters, ông Wang Tao, cho rằng vàng có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.277 USD/ounce và giảm xuống còn1.258- 1.268 USD/ounce.

Trong khi đó, giá bạc giảm 0,4% đóng cửa ở mức 16,45 USD/ounce sau khi giảm 3,6% cuối tuần trước. Giá platinum giảm 0,5% xuống mức 883,40 USD/ounce, chạm gần mức thấp nhất trong 4 tuần là 877,65 USD. Giá palladium giảm 0,2% xuống mức 988,30 USD/ounce, gần mức 979,99 USD, thấp nhất kể từ ngày 5/6.

Cao su giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng

Giá cao su kỳ hạn tham khảo giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng qua trong ngày đầu tuần do lo ngại kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.

Việc Mỹ đang điều tra chống phá giá và có thể sẽ đặt thuế nhập khẩu mới đối với xe hơi Nhật Bản, có thể làm giảm nhu cầu lốp xe.

Giá kỳ hạn cao su TOCOM giao tháng 11 giảm 3,2 yên, tương đương 1,8%, còn 176,8 yen (1,6 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 26/3 là 175,6 Yên trong đầu phiên.

Các thị trường tài chính Trung Quốc đã đóng cửa nghỉ lễ trong ngày đầu tuần.

Giá hợp đồng cao su kỳ hạn tại sàn SICOM của Singapore giao tháng 7 chốt phiên ở mức 136,6 Uscent/kg, giảm 2,0 UScent.

Đường tăng giá mạnh do sản lượng giảm tại Brazil

Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE tăng mạnh do tin sản lượng giảm ở Brazil, mặc dù nguồn cung toàn cầu nhìn chung vẫn còn dư thừa.Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 tăng 0,09 cent, tương đương 0,75%, ở mức 12,11 cent/lb.

Sản lượng mía và đường thấp hơn ở khu vực trung-nam Brazil trong mùa này đã khiến nguồn cung đường thô càng thêm thắt chặt mặc dù thị trường đường toàn cầu dự báo thặng dư lớn trong mùa 2017/18. Khu vực này dự kiến sản xuất 28 triệu tấn đường trong năm 2018/19, giảm so với mức 36 triệu tấn trong năm 2017/18.

Một phần lớn dự đoán dư thừa đường thế giới đến từ Ấn Độ, nơi xuất khẩu dường như không khả thi trừ khi giá tăng lên khoảng 14 cent, mức giá mà có thể khuyến khích sử dụng nhiều mía để sản xuất đường, thay vì sản xuất ethanol.

Cà phê tăng nhẹ khỏi mức thấp nhất 4 tuần

Giá cà phê arabica tại Mỹ giao tháng 9 tăng 0,30 cent, tương đương 0,3%, lên 1.1785 USD/lb, rời khỏi mức thấp nhất 4 tuần đạt được cuối tuần trước là 1.1685 USD/lb.

Giá vẫn bị chi phối bởi triển vọng vụ mùa lớn ở Brazil trong năm nay.Sản lượng cà phê toàn cầu sẽ vượt quá nhu cầu khoảng 8 triệu bao (60 kg) trong niên vụ 2018-1919, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo.

Sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến đạt mức kỷ lục 171,2 triệu bao 60 kg trong 2018-1919, với mức tiêu thụ đạt mức kỷ lục 163,2 triệu bao. Điều này sẽ đẩy tăng xuất khẩu trong khi hàng tồn kho vào cuối năm được dự báo sẽ hồi phục lên 32,8 triệu bao, tăng lần đầu tiên sau bốn năm.

Sản lượng cà phê tại Brazil dự kiến cao kỷ lục 60,2 triệu bao trong niên vụ 2018/2019, tăng so với mức 50,9 triệu bao trong năm 2017/18. Trong số này, 44,5 triệu bao sẽ là arabica, so với 38,5 triệu bao trong năm 2017/18 và 15,7 triệu bao robusta, so với 12,4 triệu bao.

Đậu tương hồi phục, ngô chạm mức thấp nhất

Giá đậu tương hồi phục nhẹ sau khi đã giảm xuống dưới 9 USD/bushel, lần đầu tiên kể từ năm 2016 do triển vọng thời tiết thuận lợi và căng thẳng thương mại đe dọa hoạt động xuất khẩu sang thị trường nhập khẩu đậu tương lớn nhất này.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 chốt phiên tăng 3 cent đạt mức 9,08-1/2 USD/bushel, sau khi giảm xuống còn 8,97-1/4, mức giá giao ngay thấp nhất kể từ tháng 3/2016. Trong khi đó, giá ngô tiếp tục rời xuống dưới mức thấp nhất trong hơn 5 tháng qua. Giá ngô kỳ hạn tháng 7 tại CBOT giảm 5-1/4 vào cuối phiên giao dịch còn 3,56 USD/bushel sau khi ở mức thấp 3,54 USD.

Những lo ngại về căng thẳng thương mại cũng đã ảnh hưởng đến thị trường ngô khi các quan chức Mexico cho biết nước này có thể nhằm vào lượng ngô và đậu tương nhập khẩu trị giá 4 tỷ USD mỗi năm từ Mỹ, nếu Tổng thống Donald Trump gia tăng căng thẳng thương mại với các mức thuế mới.

Trả lời một cuộc điện đàm từ Canada, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết Washington có các công cụ để trợ giúp những nông dân có thu nhập bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại tuy nhiên còn quá sớm để đánh giá những tổn thất có thể xảy ra và chính phủ sẽ ứng phó thế nào với những điều này.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc ngày 19/6

Thị trường hàng hóa ngày 18/06/2018: Vàng thấp nhất 5,5 tháng, cao su thấp nhất 3 tháng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên