Thị trường ngày 16/11: Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp, vàng chạm mức cao nhất 1 tuần do thị trường hỗn loạn
Vàng tăng giá do các nhà đầu tư tìm kiếm trú ẩn từ những hỗn loạn của thị trường sau khi dự thảo thỏa thuận rời khỏi EU của Anh rơi vào tình trạng lộn xộn.
- 15-11-2018Thị trường ngày 15/11: Giá dầu đảo chiều tăng sau 12 phiên giảm liên tiếp
- 14-11-2018Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 10/2018: Toyota Wigo trở thành "ngôi sao" mới trên thị trường ô tô
- 14-11-2018Thị trường ngày 14/11: Giá dầu "bốc hơi" hơn 7% sau 1 đêm, mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm
Dầu phục hồi
Giá dầu tăng phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 15/11 sau khi giảm mạnh trong tuần bởi dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm và khả năng OPEC cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Dầu Brent giao sau tăng 50 US cent đóng cửa tại 66,62 USD/thùng, dầu WTI tăng 21 US cent lên 56,46 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của quốc gia này tăng 10,3 triệu thùng trong tuần trước, tăng mạnh nhất một tuần kể từ tháng 2/2017. Các nhà phân tích trong một thăm dò của Reuters dự kiến tăng 3,2 triệu thùng. Trong khi dầu thô tăng mạnh hơn sự kiến đang gây sốc thì sự sụt giảm trong nguồn cung của nhiên liệu giúp hỗ trợ giá hiện nay.
OPEC, dẫn đầu là Saudi Arabia, đang xem xét cắt giảm tới 1,4 triệu thùng/ngày vào năm tới để tránh tăng dự trữ toàn cầu đã khiến giá dầu sụt giảm trong giai đoạn 2014 – 2016.
Trong đầu phiên, hai nguồn tin của Nga trả lời Reuters rằng họ muốn tránh xa bất kỳ sự cắt giảm sản lượng dầu nào do một số đối tác trong hiệp ước nguồn cung của OPEC đưa ra.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC trong tuần đã cảnh báo về sự dư thừa đáng kể ít nhất trong nửa đầu năm 2019, và có thể kéo lâu hơn, do tốc độ tăng trưởng trong sản lượng của khu vực ngoài OPEC và nhu cầu chậm lại tại các nước tiêu dùng chính như Trung Quốc và Ấn Độ.
Giá dầu đã mất 1/4 giá trị chỉ trong 6 tuần, áp lực bởi kinh tế toàn cầu chậm lại và sản lượng dầu thô của Mỹ ngày càng tăng. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên 11,7 triệu thùng/ngày, cao kỷ lục.
Vàng gần mức cao nhất 1 tuần
Vàng chạm mức cao nhất 1 tuần do các nhà đầu tư tìm kiếm trú ẩn từ những hỗn loạn của thị trường sau khi dự thảo thỏa thuận rời khỏi EU của Anh rơi vào tình trạng lộn xộn.
Thủ tướng Anh Theresa May đã đấu tranh để cứu vớt một dự thảo thỏa thuận rời EU sau khi thư ký Brexit và các bộ trưởng khác từ chức trong sự phản đối và các nhà lập pháp tăng cường nỗ lực lật đổ bà.
Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.214,79 USD/ounce sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/11 tại 1.216,17 USD/ounce. Vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 1.215 USD/ounce.
Michael Matousek, giám đốc giao dịch tại công ty Global Investors của Mỹ cho biết tình trạng không rõ ràng quanh Brexit là yếu tố lớn nhất hiện nay.
Đồng USD tăng so với rổ tiền tệ do số liệu doanh số bán lẻ tháng 10 trong nước tăng mạnh hơn dự kiến. Đồng bạc xanh xuất hiện như một tài sản an toàn chi phối trong năm nay, làm giảm nhu cầu đối với vàng (kim loại này đã giảm 11% từ mức đỉnh hồi tháng 4/2018), đặc biệt khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh lãi suất Mỹ tăng.
Lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust vẫn gần mức cao nhất trong hơn hai tháng, trong khi các ngân hàng trung ương cũng dần tăng dự trữ của họ.
Kẽm, đồng tăng
Kẽm tăng phiên qua, được hỗ trợ bởi dự trữ đang giảm và dấu hiệu Trung Quốc có thể thực hiện những bước để hủy bỏ xung đột thương mại với Mỹ.
Dự trữ kẽm trên sàn LME giảm xuống thấp nhất một thập kỷ tại 125.400 tấn. Dự trữ trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng gần mức thấp nhất trong 10 năm.
Ba nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết Trung Quốc đã gửi một văn bản trả lời các yêu cầu cải cách thương mại của Mỹ, điều đó có thể dẫn tới các cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Giá kẽm LME giao sau ba tháng kết thúc phiên tăng 3% lên 2.577 USD/tấn, giá đã đạt mức cao nhất trong gần 2 tuần tại 2.605 USD.
Thiếu hụt kẽm trên toàn cầu thu hẹp xuống 54,700 tấn trong tháng 9 so với thiếu hụt 81.800 tấn trong tháng 8/2019.
Giá nhà mới của Trung Quốc tăng trong tháng 10/2018, cho thấy một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vẫn nguyên vẹn bất chấp đầu tư thấp và những yếu tố ngược tác động tới kinh tế ngày càng tăng.
Đồng LME đóng cửa tăng 1,6% lên 6.185 USD/tấn.
Cơ quan đồng nhà nước Chile, Cochilco đã hạ dự báo giá đồng trung bình trong năm nay 0,03 USD xuống 2,97 USD/lb, đây là dự báo tiêu cực lần thứ hai trong 6 tháng.
Cochilco cũng đã hạ dự báo giá 2019 xuống 3,05 USD/lb từ mức 3,10 USD dự đoán trong tháng 7, cho biết sẽ có sự sụt giảm liên tục về nhu cầu đối với kim loại này do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Thép cây Thượng Hải giảm
Giá thép cây của Trung Quốc đóng cửa giảm, bởi những lo ngại về việc thực hiện những hạn chế sản lượng trong mùa đông ở miền bắc của quốc gia này lỏng lẻo.
Là một phần trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc, các ngành công nghiệp nặng ở ít nhất 28 thành phố tại khu vực dễ bị khói bụi của Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc được lệnh phải kiềm chế hoạt động từ ngày 15/11 đến ngày 15/3 năm 2019.
Thành phố sản xuất thép hàng đầu Đường Sơn ở tỉnh Hà Bắc dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng trung bình 30-35% dựa trên mức ô nhiễm khí thải tại các nhà máy thép cá nhân.
Trong khi đó, tuần này chính phủ Hà Bắc đã công bố báo động khói bụi khẩn cấp cho tới ngày 15/11 do ô nhiễm không khí nặng, yêu cầu tất cả các nhà máy không đáp ứng được mục tiêu ô nhiễm cực thấp phải đóng cửa nhà máy. Họ cũng cảnh báo việc thực thi hạn chế sản xuất lỏng lẻo tại các nhà máy sẽ dẫn tới dư thừa trong thị trường gây áp lực lên giá.
Hợp đồng thép cây xây dựng kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 0,2% xuống 3.889 CNY (560,88 USD)/tấn. Việc hạn chế sản lượng trong mùa đông giúp nâng giá các nguyên liệu thô để sản xuất thép.
Giá gạo Ấn Độ tăng, gạo Thái Lan, Việt Nam không đổi
Giá gạo tại Ấn Độ nhà xuất khẩu hàng đầu tăng trong tuần này do đồng rupee mạnh, trong khi các nhà xuất khẩu Thái Lan thấy nhu cầu mới từ Philippines trong bối cảnh dự đoán nguồn cung tăng theo mùa.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào giá khoảng 363 – 371 USD/tấn trong tuần này so với 362 – 369 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng rupee của Ấn Độ tăng 0,4% trong ngày 15/11 lên mức cao nhất trong gần 8 tuần, đang làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu. Tại các bang miền nam và miền đông, có nguồn cung cấp từ vụ thu hoạch mới nhưng giá đắt hơn do giá thu mua cố định của chính phủ tăng.
Xuất khẩu gạo của Ấn Độ từ tháng 4 tới tháng 9/2018 giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước xuống 5,8 triệu tấn do khách mua Bangladesh cắt giảm nhập khẩu bởi vụ bội thu trong nước.
Trong khi đó tại Thái Lan, gạo 5% tấm được chào giá 380 – 398 USD/tấn FOB Bangkok, không đổi so với tuần trước.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines đã ban hành một gói thầu quốc tế để nhập khẩu tới 500.000 tấn gạo sẽ được mở vào ngày 20/11.
Tại Việt Nam gạo 5% tấm vẫn trong khoảng 415 – 420 USD/tấn, tương tự như tuần trước.
Ai Cập đã nhận các lời chào hàng cho hơn 500.000 tấn gạo đầu tuần này, gồm 50.000 tấn từ Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới.
Giá cà phê giảm tại Việt Nam, giao dịch ở Indonesia trầm lắng
Giá cà phê tại Việt Nam giảm trong tuần này do nguồn cung ngày càng tăng khi vụ thu hoạch 2018/19 bắt đầu trong tháng trước tăng tốc, trong khi giao dịch tại Indonesia vẫn trầm lắng.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 36.200 – 36.300 đồng/kg, giảm từ 37.000 đồng một tuần trước. Trời nắng hiện nay ở Tây Nguyên, thuận lợi cho nông dân phơi khô cà phê của họ.
Các lái thương ở Việt Nam chào cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 70 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019, thu hẹp so với mức trừ lùi 90 – 100 USD/tấn một tuần trước.
Số liệu hải quan cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu 138.000 tấn cà phê trong tháng 10/2018, tăng 14,5% so với tháng 9/2018.
Tại đối thủ Indonesia, robusta ở tỉnh Lampung được giao dịch với mức cộng 30 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019, không đổi so với tuần trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 16/11