MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tuần đến ngày 27/10: Giá dầu đang chịu áp lực lớn

27-10-2018 - 09:09 AM | Thị trường

Chứng khoán thế giới lại giảm trong phiên cuối tuần, tác động tới nhiều mặt hàng quan trọng như dầu, kim loại, vàng…

Chứng khoán toàn cầu tiếp tục đi xuống trong phiên 26/10. Tại châu Á, các thị trường chủ chốt của khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc và Australia đều đồng loạt giảm điểm, dù đã có dấu hiệu bình ổn hơn. Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán lớn cũng đều đi xuống với mức giảm trên dưới 1% vào lúc mở cửa ngày giao dịch 26/10.

Tính chung cả tuần này, chứng khoán toàn cầu mất điểm nhiều nhất trong vòng hơn 5 năm do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Mỹ nâng tỷ lệ lãi suất và lo ngại về kinh tế của Italia. Đã có những dấu hiệu cho thấy thương mại toàn cầu chậm lại, như cước phí vận chuyển container và hàng rời đều giảm. Nhiều nhà quan sát cảnh báo xu hướng biến động nhiều khả năng vẫn tiếp diễn.

Dầu chốt phiên tăng nhưng giảm trong tuần

Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần do dự báo việc Mỹ trừng phạt Iran sẽ làm cho nguồn cung toàn cầu trở nên khan hiếm. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn giảm vì lo ngại cuộc chiến thương mại làm giảm nhu cầu dầu mỏ thế giới và chứng khoán toàn cầu tuần qua nhiều phiên giảm mạnh.

Dầu Brent tăng 73 US cent tương đương 1% trong phiên vừa qua lên 77,62 USD/thùng, trong vòng một tuần giá giảm khoảng 2,7%; dầu Tây Texas Mỹ (EETI) chốt tuần ở mức 67,59 USD/thùng, tăng 26% tương đương 0,4% trong một phiên nhưng giảm khoảng 2,3% trong vòng một tuần.

Một số nguồn tin cho hay vào tháng 11 tới Iraq sẽ ngừng vận chuyển dầu thô từ giếng Kirkuk (ở miền Bắc nước này) sang Iran để thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ. Washington tuyên bố muốn giảm xuất khẩu dầu của Iran về số 0. Mặc dù điều đó chưa chắc chắn song một số người mua, bao gồm cả những khách hàng lớn nhất của Iran như Trung Quốc, có vẻ đang giảm nhập dầu Iran buộc Tehran phải lưu kho lại những thùng dầu chưa bán được.

Trong khi đó Saudi Arabia thông báo thị trường dầu khả năng đã trở nên dư cung. Bộ trưởng Năng lượng nước này cho rằng có thể lại cần phải can thiệp để giảm lượng dự trữ. Sản lượng dầu thô Mỹ vẫn tiếp tục tăng nhờ những công nghệ tiên tiến, với sản lượng năm 2018 dự kiến phá kỷ lục của năm 1970.

Vàng tăng 4 tuần liên tiếp

Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần lên mức cao nhất trong vòng hơn 9 tháng khi các nhà đầu tư lại nhằm vào tài sản an toàn vì thị trường chứng khoán toàn cầu mất điểm, giúp vàng thiết lập tuần tăng thứ 4 liên tiếp, dài nhất kể từ tháng 1.

Vàng giao ngay chốt phiên tăng 0,2% lên 1.234,35 USD/ounce, đầu phiên có lúc tăng gần 1% lên 1.243,32 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 7/2018; vàng giao sau tăng 3,4 USD tương đương 0,28% lên 1.235,80 USD/ounce.

Giá vàng đã hồi phục hơn 6% kể từ khi chạm mức 1.159,96 USD/ounce hồi giữa tháng 8/2018 (thấp nhất kể từ tháng 1/2017).

Đồng giảm tuần thứ 4 trong 5 tuần dù lượng lưu kho thấp nhất 13 năm

Giá đồng giảm 1% trong phiên vừa qua khi chứng khoán toàn cầu sụt giảm, mặc dù thị trường kim loại này đang thiếu cung.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên ở 6.160 USD/tấn, giảm 1,1% so với phiên trước và là tuần giảm giá thứ 4 trong vòng 5 tuần qua.

Nhà đầu tư tháo chạy khỏi những tài sản rủi ro như kim loại khi chứng khoán toàn cầu đang trong giai đoạn "hoảng loạn". Điều này làm lu mờ ảnh hưởng của việc lượng đồng lưu kho tại London đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 13 năm.

Nhôm và kẽm thấp nhất nhiều tháng

Giá nhôm cũng vừa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm, trong khi nickel thấp nhất kể từ cuối tháng 12 năm ngoái. Số liệu GDP Mỹ cao hơn dự kiến không đủ để làm dịu lại sự căng thẳng nơi các nhà đầu tư.

Nickel có lúc xuống thấp nhất kể từ tháng 12/2017 là 11.810 và kết thúc phiên cuối tuần ở mức giảm 2,1% xuống 11.900 USD/tấn; nhôm cũng có lúc thấp nhất kể từ tháng 8/2017 là 1.975 USD/tấn nhưng kết thúc phiên nhích nhẹ 0,2% lên 1.998 USD/tấn

Khí gas thấp nhất 2 tháng

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu chậm lại, nhất là ở Nhật Bản, nơi mùa Đông dự kiến sẽ ấm hơn thông lệ và các nhà máy điện nguyên tử hoạt động trở lại.

LNG giao tháng 12 tới giảm xuống 10,20 USD/triệu mBtu, thấp nhất kể từ 10/8/2018. Chênh lệch giá giữa hợp đồng giao tháng 12 năm nay và tháng 1 năm tới vào khoảng 1 USD mỗi triệu mBtu.

Than cao nhất 13 tháng

Giá than tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Phiên vừa qua, than cốc lên mức cao nhất 13 tháng do dự báo sẽ thiếu cung bởi sự kiểm soát an toàn ở các mỏ than và nhu cầu mạnh từ các nhà máy thép. Lúc mở cửa giao dịch, giá hợp đồng giao dịch nhiều nhất đạt 1.433 CNY (205,97 USD)/tấn, đóng cửa giá vẫn tăng 1,1% so với phiên trước, đạt 1.409 CNY.

Cơ quan giám sát an toàn mỏ than Trung Quốc cho biết sẽ kiểm tra tất cả các mỏ trên toàn quốc kể từ cuối tháng 10 năm nay đến cuối tháng 6 năm 2019 để cải thiện điều kiện an toàn mỏ than. Cho đến thời điểm hiện tại, 41 mỏ ở tỉnh Sơn Đông đã được yêu cầu tạm dừng khai thác để phục vụ việc kiểm tra.

Đường giảm tuần đầu tiên trong 4 tuần

Giá đường giảm trong phiên cuối tuần do hoạt động bán kiếm lời. Đường thô giao tháng 3 năm sau giảm 0,13 US cent tương đương 0,9% xuống 13,84 US cent/lb, tính chung cả tuần giảm 0,4%, là tuần giảm đầu tiên trong vòng 4 tuần mặc dù ngày 24/10 vừa qua có lúc lập đỉnh cao 9,5 tháng. Đường trắng giao tháng 12/2018 giảm 8,5 USD tương đương 2,2% xuống 372,9 USD/tấn. Bazil – nước sản xuất đường lớn nhất thế giới – sắp bầu cử nên đồng nội tệ mạnh lên và cản trở việc xuất khẩu đường của nước này. Đồng real đã tăng liên tiếp trong vài tuần qua.

Bông tăng do USD giảm

Giá bông trên sàn New York kỳ hạn giao tháng 12/2018 tăng 0,91 US cent tương đương 1,17% lên 789,5 US cent/lb trong bối cảnh USD trượt giá và mưa ở miền Nam nước Mỹ gây lo ngại ảnh hưởng đến sản lượng, mặc dù dự báo nhu cầu cũng yếu do cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Tính chung cả tuần, bông tăng 0,8%. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy nhập khẩu bông của Trung Quốc đang giảm nhanh.

Cao su hồi phục

Giá cao su tại Tokyo hồi phục từ mức thấp nhất 2 năm của phiên liền trước khi các nhà đầu tư mua vào trước kỳ nghỉ cuối tuần. Hợp đồng giao tháng 4 năm sau trên sàn Tokyo tăng 0,3 JPY lên 166,3 JPY (1,5 USD)/kg vào cuối phiên, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm tuần thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng tháng 10 tại Tokyo đáo hạn ở mức giá 144,4 JPYkg. Cao su giao tháng 1 năm sau trên sàn Thượng Hải cũng tăng 60 CNY lên 11.835 CNY (1.705 USD)tấn.

Cam vào mùa thu hoạch

Năm nay Trung Quốc được mùa cam quýt, song do nhu cầu mạnh nên giá tương đối ổn định. Trung Quốc là nước sản xuất rất nhiều cam quýt. Loại cây này được trồng ở khắp các tỉnh, từ Hồ Nam, Hồ Bắc đến Phúc Kiến, Quảng Tây…Mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 7, cao điểm dần tới tháng 11 và tiếp tục cho thu hoạch đến tháng 1 năm sau.

Tỏi duy trì thấp Sau khi giảm từ đầu năm 2017, giá tỏi ở thời điểm hiện tại tương đương cách đây 2 năm. Giá tỏi trung bình trong 6 tháng đầu 2018 thấp hơn 20% so với mức trung bình 6 tháng của 10 năm vừa qua. Liên tiếp giảm, giá xuống mức rất thấp vào tháng 6/2018 và chỉ hồi phục kể từ tháng 7 vừa qua.

Khoảng 1 tháng nữa là hết tỏi tươi và bắt đầu đến giai đoạn xuất bán tỏi bảo quản lạnh. Giá tỏi bảo quản lạnh tùy thuộc vào chất lượng, nhưng thông thường sẽ tăng kể từ tháng 10. Nguồn cung trên thị trường hiện khá dồi dào vì các nhà đầu cơ sẵn sàng bán ra với mức giá hiện tại mà vẫn có lãi bởi giá mua vào thấp.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 27/10

Thị trường tuần đến ngày 27/10: Giá dầu đang chịu áp lực lớn - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên