MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao dòng chảy vốn tư nhân sẽ tăng mạnh vào lĩnh vực giao thông?

Việc các Nhà đầu tư đầu tư vào các dự án lớn về hạ tầng Giao thông đường bộ không còn là hiếm, nhất là khi Nghị định PPPP vừa ra đời.

ThS. Nguyễn Tuấn Dương
ThS. Nguyễn Tuấn Dương
Giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính
13 bài viết

Trong thời gian gần đây, hàng loạt các nhà đầu tư tư nhân thực hiện việc đầu tư hoặc dự kiến đầu tư vào các dự án lớn về hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không và cảng biển đã đưa đến nhận định về việc có một làn sóng vốn đầu tư tư nhân đổ vào lĩnh vực này. Vậy điều gì đã và đang tạo ra sự hấp dẫn của lĩnh vực hạ tầng giao thông? Theo quan điểm của tôi, có ba yếu tố cơ bản dẫn đến xu hướng này đó là:

(1) các chính sách vĩ mô của chính phủ về xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông được hoàn thiện hơn và hấp dẫn hơn;

(2) sự dư thừa vốn tương đối của các ngân hàng thương mại

(3) Mức lãi suất vay vốn thấp và kỳ vọng tiếp tục ổn định trong dài hạn.

Lĩnh vực hạ tầng giao thông của Việt Nam hiện đang được xem là một nút thắt tăng trưởng, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được đầu tư đồng bộ, nâng cấp và đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư lớn. Nguồn vốn đầu tư có thể đến từ ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước hoặc từ dòng vốn tư nhân và nguồn vốn vay ngân hàng. Trong điều kiện nợ công của Việt Nam hiện đang ở mức tương đối cao, việc sử dụng nguồn vốn từ ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn và chính sách tài khóa sẽ khó có thể hỗ trợ mạnh cho lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, việc sử dụng một chính sách tiền tệ theo hướng duy trì một mức lãi suất thấp và ổn định trong dài hạn sẽ khuyến khích dòng vốn hướng vào lĩnh vực hạ tầng giao thông. Sự bổ trợ của chính sách tiền tệ trong điều kiện chính sách tài khóa khó có thể mở rộng mạnh được xem là hợp lý, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, kích thích tổng cầu của nền kinh tế và tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong quá trình tăng trưởng.

Đầu tư hạ tầng giao thông là lĩnh vực chỉ cho phép đem lại mức sinh lời ở mức trung bình, vì vậy, lãi suất ở những năm trước đây cao hoặc biến động lớn sẽ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro lớn và thường không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những năm trước đây, sự bùng nổ của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đem lại mức sinh lời cao đã cạnh tranh về vốn với lĩnh vực này, khiến nhà đầu tư dồn vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và không chú ý nhiều đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông.

Hiện nay, lĩnh vực bất động sản có xu hướng chững lại, cùng với việc nhiều ngành kinh tế hiện có xu hướng bão hòa kéo theo lượng vốn tại các ngân hàng thương mại đang dư thừa tương đối. Vì vậy, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông lớn tạo ra một lĩnh vực khả thi mà ngân hàng xem xét cho vay để giải quyết đầu ra tín dụng.

Đặc trưng của đầu tư vào hạ tầng giao thông thường sử dụng nợ vay lớn, kết cấu tài trợ dự án có thể là vay nợ 80-85%, vốn tự có của dự án chỉ là 25-30%,. Vì vậy, lãi suất vay vốn và rủi ro biến động lãi suất là một trong những biến số quan trọng nhất khi đầu tư dự án. Mức lạm phát kỳ vọng thấp trong năm 2015 tạo điều kiện để khu vực ngân hàng tiếp tục có thể hạ lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp như hiện nay trong dài hạn, lĩnh vực đầu tư này sẽ hứa hẹn đem lại tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư khi việc sử dụng vốn vay sẽ khuyếch đại tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (ROE) cho nhà đầu tư.

Sự kết hợp giữa sự hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông của chính phủ, lãi suất giảm thấp và kỳ vọng ổn định trong dài hạn cùng với nguồn vốn ngân hàng hiện đang dư thừa tương đối dự kiến sẽ tạo nên xu hướng dòng vốn tư nhân tăng mạnh vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, rủi ro lãi suất là một trong những rủi ro lớn nhất tác động đến kết quả kinh doanh. Nhằm hạn chế rủi ro biến động lãi suất, việc chính phủ cam kết duy trì và coi trọng ổn định vĩ mô, việc duy trì lãi suất ổn định và ở mức hợp lý trong dài hạn là yếu tố rất quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực thiết yếu này.

>>> Nghị định PPP: Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án

Tuấn Dương

CTV Doanh nghiệp

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên