Thị trường tiêu dùng nhanh: Suy giảm ở thành thị, chững lại ở nông thôn
Tâm lý người dùng chuyển sang ưa chuộng sản phẩm cỡ lớn, chi phí thấp và có kèm khuyến mãi.
- 28-03-2014Người tiêu dùng đang 'ảo tưởng' rằng mình có quyền lựa chọn?
- 25-11-2013Người tiêu dùng Việt 'khó tính'
- 31-07-2013Thị trường hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục tăng trưởng chậm
- 30-07-2013Việt Nam - 'Ngôi sao' mới của ngành hàng tiêu dùng?
Bức tranh chung thị trường FMCG
Mặc dù tiêu dùng FMCG ở thành thị vẫn tăng trưởng 3% về khối lượng và 9% về giá trị; tiêu dùng FMCG ở nông thôn tăng trưởng 10% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013, nhưng thị trường ở thành thị vẫn chưa thoát khỏi đợt suy giảm tăng trưởng bắt đầu từ quý 3 năm 2013 trong khi thị trường ở nông thôn bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chững lại.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG từ quý 1/2012 đến quý 1/2014 (%)
Các ngành hàng: Sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng trưởng mạnh nhất, đặc biệt ở nông thôn
Cụ thể, ở thành thị, thị trường FMCG chứng kiến tăng trưởng khá thấp ở tất cả các ngành hàng từ thực phẩm đến hóa mỹ phẩm, thậm chí có đến 1/3 các ngành hàng FMCG bị suy giảm về khối lượng tiêu thụ ở thành thị, nặng nề nhất là các mặt hàng chăm sóc cá nhân không thiết yếu như lăn khử mùi (giảm 23%), lưỡi dao cạo râu (giảm 23%), khăn giấy bỏ túi (giảm 21%), nước súc miệng (giảm 11%)…
Trong khi đó, mặc dù vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số ở tất cả các ngành hàng (ngoại trừ thực phẩm đóng gói), thị trường nông thôn bắt đầu có dấu hiệu chững lại.
Tăng trưởng các ngành hàng FMCG quý 1/2014 so với cùng kỳ năm 2013
Về phía mặt hàng, bất chấp đà tăng trưởng đang suy giảm nói chung của thị trường FMCG ở thành thị thì những mặt hàng tiện lợi như snack và các loại đậu (47%), nước rửa tay (24%), trà hòa tan (20%), khăn giấy hộp (27%)…vốn chiếm lĩnh bản xếp hạng các ngành hàng thu hút nhiều người mua mới trong năm 2013 thì trong quý 1 năm 2014 vẫn tiếp tục tăng trưởng cao.
Các mặt hàng FMCG tăng trưởng cao nhất và suy giảm nhất ở thành thị quý 1/2014 so với cùng kỳ 2013
Tâm lý người dùng: Thích sản phẩm cỡ lớn, chi phí thấp và có kèm khuyến mãi
Mặt khác, theo Kantar Worldpanel, đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế đã và đang diễn ra cũng ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và làm thay đổi xu hướng chi tiêu của họ.
Với ngân sách hạn hẹp, người tiêu dùng có xu hướng mua nhiều hơn khi có khuyến mãi. Tiêu dùng trung bình của một hộ gia đình thành thị đối với các sản phẩm có khuyến mãi tăng khoảng 38%, trong khi tiêu dùng trung bình cho các sản phẩm không có khuyến mãi chỉ tăng ở mức 3%.
Đồng thời, người tiêu dùng tiếp tục chuyển sang sử dụng các gói sản phẩm lớn hơn ở phần lớn các ngành hàng với 62% các ngành hàng có tăng trưởng về kích cỡ trung bình của sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng trong thị trường FMCG quý 1/2014 so với cùng kỳ 2013
Người tiêu dùng cũng tìm đến các sản phẩm cấp thấp hơn để tiết kiệm chi phí; tuy nhiên xu hướng chuyển sang sử dụng sản phẩm cao cấp hơn vẫn được ghi nhận ở nhóm thu nhập cao.
Ngoài ra, báo cáo của Kantar Worldpanel cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng tiện lợi hơn ở người tiêu dùng thành thị. Trong quý 1 năm 2014, hầu hết các kênh bán lẻ ở thành thị đều suy giảm, trừ kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Đặc biệt, trong năm 2013, kênh siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đã đến được 23% hộ gia đình thành thị.
David Anjoubault, Tổng Giám đốc Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết: “Để có thể duy trì tăng trưởng trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhà sản xuất cần thiết lập chiến lược phân tầng hiệu quả nhằm tận dụng được cơ hội từ những biến đổi trong nhu cầu tiêu dùng”.
“Nhóm tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình sẽ tiếp tục tìm đến các lựa chọn giá trị. Vì thế, cần phải có những điều chỉnh chiến lược phù hợp để duy trì tăng trưởng ở nhóm này.
Trong khi đó, nhóm người tiêu dùng thu nhập cao sẽ tiếp tục dẫn đầu xu hướng mới về sức khỏe, dinh dưỡng, sự tiện lợi và cao cấp. Điều này gợi ý chúng ta cần cung cấp nhiều giá trị cộng thêm ở mức giá mà người tiêu dùng ở nhóm này có thể chấp nhận”, ông David Anjoubault nhấn mạnh.
>> Thiếu kiến thức và sĩ diện: Người Việt quá dễ dãi với giá cả