MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu cát xây dựng, các doanh nghiệp khai thác cát niêm yết đang hoạt động ra sao?

11-09-2017 - 07:50 AM | Doanh nghiệp

Cả Bảo Thư và Tư vấn Dự án Quốc tế KPF (KPF) đều có kết quả kinh doanh giảm sút trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, mảng khai thác cát xây dựng đóng vai trò là hoạt động cốt lõi.

Giá cát xây dựng vẫn ở mức cao và nguy cơ khan hiếm

Khảo sát nhanh của chúng tôi cho thấy, giá cát xây dựng tại TP HCM vẫn đang ở mức cao. Tại một cửa hàng ở quận Tân Bình, giá cát san lấp có giá 200.000 đồng/m3, trong khi giá cát xây tô và bê tông vẫn giữ nguyên khung giá ở khoảng 300.000 đồng/m3 và 500.000 đồng/m3. Giá cát san lấp này cao hơn giá tháng 8 khoảng 20% do khó lấy hàng, khan hiếm, chủ cửa hàng cho biết.

Đây cũng là khoảng giá phổ biến ở một số cửa hàng khác ở huyện Hóc Môn, quận Gò Vấp khi báo giá cát xây dựng. Mức giá này cao hơn từ 30 -50% so với hồi đầu năm nay.

Một báo cáo khác của UBND TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6, giá cát có chênh lệch lớn giữa các địa bàn của TP, có nơi tăng đột biến lên đến 560.000 đồng/m3 cát bê tông, 436.364 đồng/m3 cát xây tô, 231.818 đồng/m3 cát san lấp (giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Trong khi đó, một báo cáo mới đây từ Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, nhu cầu về cát xây dựng năm 2015 là khoảng 50 - 60 triệu m3 mỗi năm. Đến năm 2020, con số này khoảng 130 triệu m3/năm. Nhu cầu từ năm 2016 đến năm 2020 cần 2,1 - 2,3 tỉ m3 cát. Trong khi đó, trữ lượng dự báo hiện nay chỉ hơn 2 tỉ m3. Do đó, đến năm 2020 không còn cát phục vụ các công trình xây dựng.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp khai thác cát niêm yết trên sàn chứng khoán đang hoạt động ra sao?

BII – doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 70% cùng kỳ

Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh Bình Thuận, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư - Bidico (Mã: BII) có khai thác, sản xuất, thương mại cát trắng làm thủy tinh.

Nguồn nguyên liệu cát trắng được khai thác tại mỏ cát trắng Bình Thuận để sản xuất kính, chai lọ thủy tinh, khuôn đúc. Tháng 2/2015, Bảo Thư khai trương và đi vào hoạt động nhà máy chế biến cát Bình Thuận với công suất hơn 200.000 tấn/năm.

Không rõ về cơ cấu doanh thu nhưng tại Báo cáo thường niên 2016, BII thừa nhận kinh doanh cát trắng đã qua chế biến là một tronghai mảng kinh doanh chính của công ty, bên cạnh hoạt động cho thuê hạ tầng Cụm công nghiệp. Tuy nhiên năm 2016, khi doanh thu thuần tăng 37% thì LNST lại giảm 41%. Nguyên nhân do hoạt động cho thuê đất tại cụm công nghiệp có dấu hiệu chững lại và nhà máy chế biến gỗ chậm đi vào hoạt động. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp trong giai đoạn 2013 – 2016, lợi nhuận của BII giảm.

Đơn vị: tỷ đồng

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BII giảm tới 70% cùng kỳ, chỉ đạt 13,44 tỷ đồng; trong khi đó LNST đạt 1,4 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng vọt vì công ty có doanh thu tài chính đột biến từ lãi tiền ứng trước.

Bảo Thư đặt mục tiêu năm 2017 đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác, xuất khẩu cát trắng để tạo nguồn thu ổn định cho công ty và bổ sung vốn đầu tư cho các dự án khác.

KPF – lợi nhuận gộp từ cát đang giảm dần

Công ty Cổ phần Tư vấn Dự án Quốc tế KPF (Mã: KPF) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên 3 lĩnh vực chính gồm khai thác cát sông Hồng, phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao và góp vốn đầu tư bất động sản.

Ngoài ra công ty còn ký kết các hợp đồng khai thác cát độc quyền với các đối tác liên doanh liên kết. Đến nay công ty có quyền khai thác tại 2 mỏ cát và bến kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Là một trong ba mảng kinh doanh chính của công ty nhưng khai thác cát chỉ chiếm 9% cơ cấu doanh thu và 16% cơ cấu lợi nhuận gộp của KPF năm 2016. Tỷ lệ này đều giảm so với năm 2015, lần lượt giảm 10% và 17,7%.

Biểu đồ tròn bên ngoài thể hiện giá trị năm 2016, bên trong năm 2015

Cùng với sự sụt giảm của mảng khai thác cát trong cơ cấu lợi nhuận gộp, kết quả kinh doanh của KPF trong các năm qua cũng có sự thay đổi lớn. KPF duy trì được sự tăng trưởng về mặt doanh thu nhưng LNST giảm dần từ năm 2014. Hệ số LN/DT năm 2016 chỉ còn 9%, trong khi năm trước là 18%.

Đơn vị: tỷ đồng

Lũy kế 6 tháng đầu năm, KPF có lãi sau thuế giảm 96% so với cùng kỳ, chỉ đạt 194 triệu đồng. Trong khi đó, doanh thu cũng giảm 35%, chỉ đạt 26,4 tỷ đồng.

Theo giải trình công ty, do năm 2017, công ty không thực hiện các hợp đồng san lấp như năm 2016. Đồng thời, thị trường bất động sản và xây dựng từ đầu năm đến nay vẫn đang khó khăn và các doanh nghiệp cạnh tranh nhau gay gắt. Do đó lợi nhuận từ hoạt động thương mại chuyên về vật liệu xây dựng của công ty bị sụt giảm mạnh. Trong hai quý cuối năm, tùy thuộc vào tình hình thị trường ban lãnh đạo công ty sẽ cố gắng phấn đấu.

KPF cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn trong việc khai thác khoáng sản, bao gồm cả khai thác cát như vấn đề môi trường, xử lý chất thải, phụ thuộc mạnh mẽ vào các chính sách quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản của Nhà nước.

Công ty cho biết trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác liên tục tăng, từ 427 doanh nghiệp năm 2000 lên gần 2.000 doanh nghiệp vào năm 2011, kèm theo đó là hơn 4.200 giấy phép khai thác các loại. Tình trạng phát triển ồ ạt các đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản đã dẫn đến hậu quả tổn thất không nhỏ về tài nguyên, tàn phá môi trường, ô nhiễm, sạt lở. Do đó công ty sẽ phải quản lý và giám sát chặt chẽ để tuân thủ các quy định.

Ngoài ra, các mỏ khai thác độc quyền hoặc hợp tác liên kết của KPF có thời gian trong vòng 4 - 5 năm (mỏ cát của công ty Phú Gia Hà Nam được phép khai thác 4 năm kể từ ngày 30/9/2013, mỏ cát công ty Đầu tư Tam Hà được phép khai thác 5 năm từ ngày 25/12/2014). Do đó nếu hết thời hạn khai thác, các công ty liên kết của KDF không xin gia hạn được giấy phép thì việc khai thác có thể bị ngừng, gây tổn hại tới kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, KPF cho rằng rủi ro này không đáng ngại vì theo luật có thời hạn khai thác không quá 20 năm và được gia hạn nhiều lần với tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm. KPF cũng đang phối hợp với các công ty Tam Hà và Phú Gia Hà Nam để nghiên cứu xin cấp phép khai thác sâu hơn, kéo dài thời gian khai thác, đồng thời chủ trương đấu giá một số mỏ cát dọc tuyến sông Hồng.

Theo Khổng Chiêm

NDH

Trở lên trên