MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình cứu hỏa cho ô tô: Cháy hàng là do ý thức?

12-01-2016 - 08:21 AM | Xã hội

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho biết: bình cứu hỏa cháy hàng trên thị trường là có nguyên nhân của nó bởi Thông tư đã được ban hành 2 tháng nhưng vẫn còn rất nhiều người không để ý, dẫn đến tình trạng khan hiếm như hiện nay.

Cháy hàng bình cứu hóa là do ý thức?

Ngày 6/1, Thông tư 57/TT-BCA ngày 26/10/2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo đó, quy định mới bắt buộc các phương tiện sẽ phải trang bị bình cứu hỏa (trọng lượng tùy loại xe).

Mặc dù Thông tư này đã được ban hành trước đó 2 tháng. Nhưng chỉ sau khi có hiệu lực và các lực lượng ra quân kiểm tra mới vấp phải nhiều vấn đề khi triển khai ngoài thực tế. Thêm đó, chỉ vài ngày sau khi thực hiện quy định mới, ngoài việc xuất hiện tràn lan các loại bình chữa cháy từ đắt đến rẻ thì mặt hàng này cũng đang có dấu hiệu bị đẩy giá lên cao do tình trạng khan hàng.

Gọi điện đến các điểm bán hàng trên mạng, nhiều điểm bán đều báo cháy hàng do tình trạng người dùng đổ xô đi mua. Các mẫu bình chữa cháy (theo quảng cáo là có tem kiểm định do cơ quan phòng cháy cung cấp) cũng không có giá 100.000 đồng như rao bán nữa mà thường bị đẩy lên mức giá 200.000 – trên 300.000 đồng). Thậm chí, nhiều nơi bán các sản phẩm cao cấp cũng thông báo ngừng bán vì cháy hàng dòng sản phẩm này do nguồn cung cấp đang bị thiếu trầm trọng so với nhu cầu của người dùng.

Lý giải về vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho biết: Việc “cháy” hàng trên thị trường có nguyên nhân của nó. Thông tư 57 được ban hành ngày 26/10/2015 đến nay đã hơn 2 tháng. Khi ban hành Thông tư đã có thông cáo, tuyên truyền của cơ quan chức năng để cơ quan, tổ chức và người dân có thể chuẩn bị cho việc này. Tuy nhiên, do nhiều người chưa quan tâm, để ý nên đến lúc Thông tư có hiệu lực mới đổ xô đi mua.

Ngoài ra, nguyên nhân nữa là do nước ta hiện nay có rất ít doanh nghiệp sản xuất bình chữa cháy mà chủ yếu là phải nhập khẩu nên trước tình trạng nhu cầu mua tăng đột xuất sẽ dẫn đến tình trạng nêu trên. Trước thực tế đó, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cung ứng bình chữa cháy cùng chung tay để đảm bảo nguồn cho nhu cầu thị trường.


Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Internet

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Internet

 

Thiếu tướng Mạnh cho hay: Hoàn toàn không có “lợi ích nhóm” hay việc bắt tay giữa cơ quan Công an với doanh nghiệp trong việc ban hành quy định. Việc ban hành Thông tư là để nâng cao ý thức PCCC cho người quản lý, người sử dụng phương tiện. Đồng thời, giúp cho người sử dụng phương tiện giao thông cơ giới có phương án, phương tiện để kịp thời xử lý cháy, nổ ô tô ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, nhất là trong các tình huống khẩn cấp.

Sau khi Thông tư có hiệu lực, hầu hết cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã bày tỏ sự đồng tình với quy định này, và cho rằng việc đầu tư không tốn kém, nên không ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp.

Cục PCCC cũng đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng không được tham gia vào việc này vì đó là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của ngành, trừ những đơn vị có chức năng theo quy định thì mới được làm. Ngoài ra, Thiếu tướng Mạnh cũng khẳng định, trong thời gian đầu, các cơ quan chắc năng chỉ tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn và nhắc nhở chứ chưa tiến hành xử phạt.

Khuyến cáo khi dùng bình cứu hỏa

Xung quanh những thông tin trái chiều về việc xử lý thế nào khi xe gặp sự cố hỏa hoạn, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cũng đưa ra các khuyến cáo trực tiếp đối với lái xe đề phòng chống cháy nổ cho xe ô tô. Cụ thể, không lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện, tránh quá tải về điện. Thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe.

Lái xe cũng nên tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và việc bảo trì, bảo dưỡng; Tuân thủ các quy định an toàn vận chuyển hành khách, hàng hóa, hàng nguy hiểm cháy nổ. Chủ động kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, hỏng hóc khi có dấu hiệu khác thường, nhất là hệ thống tiếp nhiên liệu.

Khi sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu) nên dùng đúng chủng loại, chất lượng quy định; không mua xăng, dầu ở các điểm bán không được phép kinh doanh. Không để các chất dễ cháy, dễ bắt cháy trong xe, trong khoang động cơ. Đồng thời, trang bị bình chữa cháy phù hợp theo quy định tại Thông tư số 57/2015.

Khi gặp sự cố cháy xe ô tô, cần bình tĩnh, dừng xe ở lề đường, tránh xa nơi đông người, nơi có nhiều chất dễ cháy. Thông báo cho mọi người trên xe thoát khỏi xe theo các cửa ra vị trí an toàn, nếu cửa xe đã bị kẹt thì sử dụng các dụng cụ, phương tiện phá dỡ được trang bị hoặc dùng vật cứng để phá cửa xe. Tùy thuộc vào tình huống cháy cụ thể mà sử dụng những giải pháp thích hợp để chữa cháy, theo quy trình xử lý: Tắt khóa điện; Hô hoán để mọi người đến trợ giúp chữa cháy, gọi Cảnh sát PCCC và CNCH (điện thoại 114); Nếu bình nhiên liệu bị thủng, bị rò rỉ, có thể tìm cách bít lại, sau đó sử dụng các bình chữa cháy, cát, chăn chiên, bao tải, vải nhúng nước để dập lửa.

Nếu phát hiện khói, lửa trong nắp ca pô cần tắt ngay khóa điện để ngừng việc bơm xăng cho động cơ. Trong trường hợp đã phát hiện có ngọn lửa, phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy trước khi thận trọng nở nắp ca pô để xử lý. Nếu thấy cháy ở các chỗ khác trong xe cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy sẵn có để dập lửa.

Trường hợp xét thấy không có khả năng dập tắt đám cháy thì nên tránh xa để tránh nổ bình xăng gây tai nạn.

Với vai trò là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC, Thiếu Tướng Mạnh khẳng định: bình chữa cháy thì không thể cháy được. Có thể có trường hợp nổ do áp suất trong bình tăng quá cao (có thể do van của bình bị hỏng, không còn khả năng điều áp cho bình nên gây ra nổ). Nhiều người cho rằng trên thực tế đã xảy ra một số vụ nổ bình chữa cháy, gây thiệt hại cho nội thất của xe. Tuy nhiên, trước mỗi một vụ việc xảy ra cần phải có điều tra, phân tích khoa học mới cho ra những kết luận chính xác được. Và đến nay, cơ quan Cảnh sát PCCC chưa chính thức ghi nhận một vụ nổ bình chữa cháy nào xảy ra bên trong xe ô tô và các phương tiện giao thông cơ giới khác.

Các bình chữa cháy dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50-55 oC. Do đó, khi đặt bình chữa cháy trên ôtô, cần tránh không để ở những nơi ánh nắng chiếu trực tiếp như khu vực táp-lô, khay để đồ dưới kính hậu (xe hatchback), cột A... bởi vào mùa hè khi nhiệt độ lên cao (có lúc tới 70oC ở trong xe) sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng của bình chữa cháy.

Vị trí tốt nhất để đặt bình chữa cháy là ở dưới gầm ghế ngồi, dưới chân hành khách phía trước; hoặc hốc để đồ trên cánh cửa. Điểm cốt lõi là phải đặt bình chữa cháy ở vị trí gần với người lái để thuận tiện khi có sự cố xảy ra; lưu ý không để bình chữa cháy ở cốp sau của xe ô tô bởi vì vị trí này dễ xảy ra va đập, khó lấy, khó thao tác sử dụng.

Khi mua bình chữa cháy nên chọn cửa hàng uy tín, có dán tem kiểm định cơ quan chức năng. Khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình; vòi phun; van hãm; thân bình.

Tùy từng loại bình chữa cháy (dạng bột hoặc dạng khí) sẽ có thời gian sử dụng khác nhau, do đó cần lưu ý để luôn đảm bảo rằng bình cứu hỏa trong xe luôn trong tình trạng tốt nhất (thường đối với bình chữa cháy dạng bột loại 1kg có thể tới 5 năm, đối với bình khí CO2 thì phụ thuộc vào lượng khí bên trong, thường đo bằng cách cân bình).

Theo Phúc Vinh

Ictnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên