MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kể về lời hứa của ông Đinh La Thăng

12-02-2016 - 17:49 PM | Xã hội

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, dù chỉ là một việc nhỏ nhưng sau khi nghe trình bày, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo địa phương tiến hành giải quyết, bồi thường cho người dân.

Niềm tin từ sự ủng hộ của nhân dân

Chia sẻ với chúng tôi, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), người có nhiều tiếng nói mạnh mẽ, tác động vào việc hình thành quyết sách của Quốc hội cho hay, ông luôn cố gắng nói và làm vì lợi ích nhân dân, đất nước, không vì cá nhân hay phe nhóm.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ, khi theo dõi các khóa trước thấy những ĐBQH nói và làm vì lợi ích nhân dân, đất nước, cử tri sẽ nhận biết, hoan nghênh, ủng hộ, hưởng ứng.

"Cá nhân tôi luôn cố gắng theo gương các đại biểu Quốc hội vì dân và cố gắng chuyển tải trung thực đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, bức xúc của nhiều tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, thẳng thắn chất vấn những thiếu sót, yếu kém của nhà nước đang tồn tại làm khổ dân, đề đạt những kiến nghị mà mình nghĩ là có lợi cho việc phát triển và bảo vệ đất nước, lấy đó làm động cơ cao nhất, duy nhất", đại biểu Nghĩa chia sẻ.

Nhắc lại những ý kiến đóng góp của mình trước Quốc hội, đại biểu Nghĩa cho biết, ông không thể nhớ hết những ý kiến của mình trên nghị trường nhưng có những kỷ niệm khó phai mờ trong cuộc đời của ông.

Đó là những ý kiến ông góp vào dự thảo luật được tiếp thu trong những đạo luật lớn như Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự, Hình sự, Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hình sự, Luật Biển và một số luật khác...

Sau những lần nêu ý kiến đối với Quốc hội, quà tặng lớn nhất mà ông nhận được có lẽ chính là sự ủng hộ của nhân dân.

"Khi những ý kiến của tôi được đăng trên những tờ báo hàng ngày của Việt Nam, tôi hiểu là mình đã phát biểu trúng vấn đề. Đọc hàng trăm bình luận trên phiên bản trực tuyến của các báo, tôi thấy ý kiến của tôi được nhiều cử tri hoan nghênh, tán thành.

Tôi cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ qua tin nhắn hay điện thoại của nhiều người là cán bộ, công chức đương nhiệm hay về hưu, các cô chú cách mạng lão thành, và cả những người dân không quen biết.

Có những đại biểu cũng trực tiếp chia sẻ và đồng tình với tôi tại các kỳ họp", ông Nghĩa kể.

Ông Nghĩa cũng nhớ lại một kỷ niệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi có những chỉ đạo quyết liệt giải quyết bức xúc của người dân tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh).

Đó là khi một chiếc tàu của một đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải đâm va và làm đắm một số ghe thuyền đánh cá của ngư dân Cần Giờ.

Đơn vị này ký biên bản, hứa sẽ bồi thường, nhưng không cử người quay lại. Chờ mãi, người dân khiếu nại lên UBND huyện, và chính quyền huyện báo cho ông, nhờ giúp đỡ.

Từ ý kiến này, ông đã gặp Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Thăng hứa sẽ can thiệp.

Một câu chuyện nhỏ như vậy nhưng ông Đinh La Thăng đã thực hiện lời hứa và sau đó UBND huyện gửi công văn báo tin cho ông là người dân đã được bồi thường thỏa đáng và cám ơn ông. Sau đó, ông cũng đã cám ơn Bộ trưởng Thăng.

Một việc cũng đã khiến ông rất xúc động, đó là câu chuyện một nữ sinh viên mới hai mươi ba tuổi bị kết án tử hình, còn em gái ruột, cũng là sinh viên, thì bị hai mươi năm tù, vì vận chuyển ma túy.

Nhận được đơn của cha ruột của hai chị em, ông Nghĩa đã chuyển ngay đến Chủ tịch nước, viết thêm ý kiến của mình.

"Hai chị em bị kẻ chủ mưu nước ngoài lừa gạt và đã bỏ trốn mong Chủ tịch nước ân giảm cho người chị vì còn quá trẻ, có thể làm lại cuộc đời”.

"Chủ tịch nước sau đó đã đồng ý ân giảm cho cô chị, tôi mừng quá. Về sau, được biết ý kiến tôi cũng trùng hợp với kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và một số người khác, nên tôi càng phấn khởi", ông Nghĩa nói

Còn nhiều bất cập chưa được giải quyết

Dù cảm thấy vui nhưng đại biểu Nghĩa cũng còn nhiều điều trăn trở, bởi việc thực hiện nhiều mục tiêu, kế hoạch, chủ trương, chính sách có lợi cho quốc kế dân sinh chưa đạt so với nghị quyết của Đảng và Quốc hội

Nhiều vụ việc oan khiên, bất hợp lý, dân khiếu nại nhiều năm vẫn chưa được giải quyết.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, ở một số kỳ họp do thông qua nhiều luật quá, đôi lúc đại biểu không đủ thời gian và tâm trí đầu tư kỹ hơn cho một số điều khoản, từ ý tứ đến câu chữ, trong những đạo luật quan trọng, mà chủ yếu dựa vào bộ máy chuyên trách.

Về chất vấn, diện chất vấn mở rộng ở kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII là đúng, nhưng chủ tọa lại không tận dụng hết thời gian, khiến một số đại biểu không có dịp chất vấn lần cuối.

Đại biểu Nghĩa cũng khẳng định, với trách nhiệm của mình, trong năm 2016, dù chỉ còn một kỳ họp Quốc hội nữa là kết thúc nhiệm kỳ, nhưng ông sẽ vẫn tiếp tục góp ý kiến của mình vào các vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, là đại biểu Quốc hội khóa 13, thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông sinh năm 1953 quê quán Xã Mỹ Luông, Huyện Chợ Mới, Tỉnh An Giang. Hiện cư trú tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ tháng 11 năm 1965 đến tháng 5 năm 1971: Ông tham gia cách mạng tại Ban Trí vận T4, sau đó được điều về Báo Giải phóng của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Từ tháng 5 năm 1971 đến tháng 10 năm 1975: Ông ra học tập tại Trường Học sinh Miền Nam số 8, thuộc Cục đón tiếp Cán bộ B - Ban Thống nhất Trung ương. Từ tháng 10 năm 1975 đến tháng 01 năm 1982: Ông học Đại học Luật và đi thực tập tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Từ tháng 01 năm 1982 đến tháng 7 năm 1994: Ông là Trọng tài viên, công tác tại Trọng tài Kinh tế Thành phố.

Sau khi Trọng tài Kinh tế sát nhập vào Tòa án Nhân dân Thành phố, ông là cán bộ Tòa án và đắc cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Khóa IV, được bầu làm Phó Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố.

Ông là Ủy viên Hội Luật gia Thành phố (1988 - 1993; 1993 - 1998). Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1989.

Từ tháng 7 năm 1994 đến tháng 10 năm 1996: Ông được Thành phố cử đi học Thạc sĩ Luật tại Hoa Kỳ. Sau khi học xong ông trở về công tác tại Tòa án Nhân dân Thành phố.

Từ tháng 10 năm 1996 đến nay, ông được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư Thành phố, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Thành phố (1998 - 2003; 2003 - 2008), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ, Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố.

Chuyên gia tư vấn của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 6 năm 1998 đến nay.

 

Theo Hoàng Đan

Trí thức trẻ/Sohanews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên