MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn cán bộ công chức: "Cỗ" bày trước mặt, không tham nhũng là dại?

09-11-2013 - 18:30 PM | Xã hội

Dường như lấy của công làm của riêng là hành vi phổ biến, từ việc nhỏ nhặt như lấy văn phòng phẩm ở công ty mang về nhà, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh cho đến trốn thuế, tham nhũng.

Năm 2011, Tiến sỹ Alan Phan có viết: “Chuyện tham nhũng của quan chức đã gây rất nhiều tranh cãi trên trên khắp các mạng truyền thông, nhưng không mấy ai buồn nhắc đến một sự nhũng lạm còn tốn kém cho tài sản quốc gia gấp ngàn lần từ phía tư nhân và người dân thường.”

Theo đó, dường như lấy của công làm của riêng là hành vi phổ biến của người Việt Nam, từ những việc nhỏ nhặt như lấy văn phòng phẩm ở công ty mang về nhà, lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh cho đến trốn thuế, tham nhũng.

Cho đến bây giờ, vẫn có không ít bậc cha mẹ có tư tưởng bỏ ra vài chục đến vài trăm triệu để “chạy” cho con cái vào cơ quan nhà nước với kỳ vọng về một công việc ổn định, an nhàn mà còn có thể “gỡ” lại được sau một thời gian. Cán bộ công chức (CBCC) khởi đầu cũng chỉ là người dân bình thường và đi làm với tư tưởng ấy. Cho nên “có điều kiện mà không tham nhũng thì chỉ có dại”.

Những điều kiện như cỗ bày ra trước mắt ấy là gì?

Làm tới đi, pháp luật thì phải từ từ

Luật Phòng chống tham nhũng đã có, thế nhưng những người trong ngành đều đánh giá là các quy định quá chung chung, chỉ mang tính hình thức và nhiều nội dung đã lạc hậu. Trong đó, đối tượng có thể bị xử lý liên quan đến việc làm sai quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (được quy định tại điều 68) rất đa dạng. Hình thức xử lý được quy định trong Điều 69.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức (là nhóm chủ yếu trong số những người có chức vụ, quyền hạn) thì hình thức xử lý phổ biến đối với họ (nếu chưa đến mức xử lý hình sự) bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.

Nếu hành vi vi phạm đến mức độ nguy hiểm cao gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định về tham nhũng (bao gồm 7 tội danh), bị truy cứu về tội danh khác mà thông thường là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. (Điều 285 của Bộ luật hình sự năm 1999).

Một Chánh án TAND tỉnh cho biết các mức “gây thiệt hại” và mức độ hình phạt được quy định trong Nghị Quyết của Hội đồng Tòa án Nhân dân tối cao tùy theo trường hợp cụ thể. Nhưng trong thực tế đã gặp những trường hợp mà Nghị Quyết cũng chưa có!

Kê khai tài sản là một nội dung trọng tâm trong luật Phòng chống tham nhũng. Mặc dù việc chấp hành Luật đạt gần 100%, việc xác minh cũng được thực hiện nhưng có mấy quan chức để tài sản đứng tên mình? Họ có rất nhiều người thân để giúp việc này. Mà quan trọng hơn, kết quả xác minh việc kê khai tài sản cũng ít khi được công khai.

Một trong những lĩnh vực mà CBCC dễ tham nhũng nhất, ấy là đất đai. Với hệ thống quản lý đất đai rườm rà, pháp luật còn chưa hoàn thiện và thiếu thông tin minh bạch về tài liệu đất đai, lĩnh vực này tạo ra quá nhiều cơ hội để tham nhũng từ quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi và cấp đất, bồi thường và tái định cư.

Theo Nghiên cứu năm 2010 của Viện Khoa học Thanh tra và Công tác T&C, 69% hộ gia đình phải mất chi phí trung bình không chính thức cho cán bộ địa chính để có được thông tin “bắt buộc công bố theo luật pháp” là 811.000 VND.

Cuối kỳ họp Quốc hội lần này, Luật đất đai sửa đổi mới được thông qua.

Công tác phòng chống tham nhũng trong những năm gần đây có vẻ rất quyết liệt. Nhiều đại án tham nhũng đã bị phanh phui như vụ cán bộ ALC II (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) gây thiệt hại hơn 531,8 tỷ đồng, tham ô gần 80 tỷ đồng, lừa đảo chiếm đoạt hơn 60,9 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 3,95 tỷ đồng. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên cán bộ Vietinbank chi nhánh TP HCM) lừa đảo chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân khoảng 4.000 tỷ đồng. Vụ Vinashin, bầu Kiên,… đã gây bão trên các mặt báo.

Cũng theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày thì trong năm 2013, ngành thanh tra phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỉ đồng; đã thu 59 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng.

Tuy nhiên thực tế cách xử lý bình thường trong các trường hợp chưa bị phanh phui thì sao? Nếu chẳng may bị các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện thì sẽ có đủ các lý do được đưa ra để xin “xử lý nội bộ”, “đóng cửa bảo nhau”. Nếu nghiêm trọng, có thể chuyển sang “chạy” để thay đổi tội danh.

Từ đó dẫn đến kết quả việc thu hồi tài sản tham nhũng và yêu cầu bồi thường thiệt hại chưa tích cực và hiệu quả. Nhiều vụ tham nhũng đáng lẽ phải xử lý hình sự nhưng chỉ xử bằng các biện pháp hành chính, kinh tế.

Có lẽ đó là một nguyên nhân để trong phiên họp Quốc hội ngày 7/11/2013, Đại biểu Lê Như Tiến phải nói: “Gần đây, có hiện tượng đáng buồn là người dân đã không còn mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng chống tham nhũng. Thứ nhất là vì khi phát hiện tham nhũng, cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý, cũng không phản hồi, im lặng đáng sợ.”

Cấp trên cũng tham nhũng hay chính là văn hóa công sở

Lãnh đạo là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến văn hóa doanh nghiệp. Song nhiều trường hợp để trở thành lãnh đạo không cần lắm đến trình độ chuyên môn, đạo đức mà phải mất nhiều của cải. Không phải chỉ sau câu phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Trọng Dực hồi năm ngoái: “Để đỗ được công chức ở Hà Nội phải mất không dưới 100 triệu đồng” thì người ta mới biết đến thực trạng đau lòng ấy.

Cũng như trên đã nói, tư tưởng của người dân lâu nay là “chạy” rồi “gỡ”, cho nên sau khi lên chức rồi, lãnh đạo phải kiếm cơ hội để bù đắp. Cơ hội ấy là tham nhũng, nhận hối lộ. Được lãnh đạo tạo điều kiện như vậy, cán bộ nhân viên cũng không thể một mình một kiểu tách biệt khỏi văn hóa công ty nếu muốn ở lại.

Vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp tục và khiến cho tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng trở thành hành vi cần thiết để người cán bộ có thể tồn tại, có cơ hội thăng chức, thăng quyền và thu nhập.

Đó là một trong những lý do dẫn đến suy thoái đạo đức cán bộ.

Cơ chế xin, cho

Cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam vẫn còn nhiều dấu ấn của cơ chế kinh tế trong thời kỳ bao cấp mà người ta hay gọi là cơ chế xin – cho. Tức là mọi hoạt động của cơ sở đều phải đặt trong một kế hoạch chung của ngành, của địa phương, mọi hoạt động của các ngành, các địa phương phải đặt trong một kế hoạch chung của cả nước, gọi là Kế hoạch Nhà nước. Kế hoạch này được tổng hợp, cân đối, rồi trình Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ký lệnh ban hành.

Bởi thế, mọi hoạt động của cơ sở (người xin) đều phải chờ cấp cao hơn, rồi đến cấp cao hơn nữa … phê duyệt (người cho). Cơ chế này tạo ra nhiều lỗ hổng trong thủ tục hành chính, luật pháp… để “người cho” có cớ bắt “người xin” phải chờ đợi. Thế là muốn xong việc, người xin phải biết điều.

Người dân và doanh nghiệp đều tự nguyện

Khảo sát của WB cho thấy hầu như là người dân tự nguyện trả tiền ngoài quy định, kể cả khi không bị yêu cầu.

Người ta có thể cho rằng “không trả tiền thì không xong việc” nhưng thực tế là chỉ có 17% số ý kiến khảo sát nghĩ như vậy. “Tính bầy đàn” và tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam có tỷ lệ tương đương nhau.


Một sự thật là cái việc thấy người ta làm thế nào thì làm theo, chính là nguyên nhân tạo thành sự kiện “nhiều người làm như thế”. Suy nghĩ  “cơ quan nhà nước là phải quan liêu tham nhũng” đã ăn sâu vào tư tưởng của đa số người dân, và trả phí bôi trơn trở thành một việc bình thường hay còn là một thông lệ giao dịch.

Bởi thế, dù có phải đối mặt với thực tế tham nhũng ngay trước mắt thì phản ứng chủ yếu của người dân là “tâm sự với anh em, bạn bè”. Chỉ những vụ thật to, được cơ quan chức năng và báo chí phanh phui thì những người dân nhỏ bé hiền lành mới bắt đầu lên tiếng. Một phần nguyên nhân của thực tế này cũng là do cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn yếu kém.

Doanh nghiệp chọn cách tương tự. 49% số DN trong cuộc khảo sát năm 2005 và 35% số doanh nghiệp trong cuộc khảo sát năm 2012 cho rằng "Đưa hối lộ là cách làm nhanh và dễ nhất".  Quan trọng không kém là "Chi phí bôi trơn rất nhỏ so với lợi ích mang lại" (46% - năm 2005, 32% - năm 2010).

Với sự “ủng hộ” từ người dân như vậy, cán bộ dại gì không tham nhũng?

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên