Hàng triệu khách hàng mất cơ hội bay trong mùa cao điểm năm nay
Đang là mùa cao điểm của du lịch nói chung và các hãng hàng không nói riêng nhưng việc sửa chữa ở một số sân bay đang khiến cho các hãng hàng không đứng ngồi không yên.
- 28-03-2015Vì sao sân bay Quảng Ninh bị “delay”?
- 21-03-2015Giải tỏa một phần sân bay Tân Sơn Nhất được 375 tấn vàng?
- 15-03-2015Lùi thời gian đóng cửa sân bay Pleiku lại một tuần
Nội dung nổi bật
- Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ sửa chữa trong giai đoạn 10/4 - 25/6.
- Trong thời gian thi công, CAAV yêu cầu giảm giờ hạ, cất cánh (slot) xuống còn 25 lượt hạ cất cánh/giờ, từ mức 30 - 32 lần/giờ hiện nay
- Theo các hãng hàng không, việc giảm slot đúng mùa cao điểm, trong khi các sân bay khác cũng sửa chữa, gây thiệt hại nặng nền cho các hãng và hàng triệu lượt khách mất cơ hội bay.
- Các hãng đề xuất nâng số slot lên hoặc lui thời gian thi công sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 8 hoặc tháng 9
Thiệt hại nặng vì bị cắt giảm slot
Cảng Hàng không Việt Nam (CAAV) vừa có thông báo kết luận của Hội đồng điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại các hảng hàng không, sân bay Việt Nam lần thứ nhất.
Trong các kết luận của CAAV có một điểm đáng chú ý là việc Hội đồng slot xác định giới hạn tạm thời Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất trong thời gian thi công công trình sửa chữa và mở rộng đường lăn, sân đỗ tàu bay từ ngày 10/4 đến 25/6/2015 là 25 lượt hạ cất cánh/giờ.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã đạt đến trần cất/hạ cánh từ 30 đến 32 lần/giờ, trong các khung giờ từ 6h đến 18h hàng ngày cao điểm lên tới 39 lần/giờ. Theo kết luận của CAAV thì thời gian tới, mỗi giờ sẽ giảm từ 5 – 7 chuyến bay, tức khoảng 80 chuyến bay bị cắt giảm mỗi ngày, tương đương hơn 10 máy bay phải nằm đất và khoảng hơn 10.000 hàng khách không được bay mỗi ngày.
Theo kế hoạch, slot sẽ được cấp theo thứ tự ưu tiên, số một là dựa vào lịch bay cùng mùa năm trước (mùa hè năm ngoái bay bao nhiêu chuyến thì hè năm nay sẽ được ưu tiên phân bổ bấy nhiêu trước), sau đó mới phân bổ đến các chuyến tăng thêm.
Khó khăn lại chồng chất khó khăn cho các hãng hàng không khi không chỉ có Tân Sơn Nhất phải sửa chữa mà các sân bay lớn khác như Nội Bài, Cát Bi (Hải Phòng) cũng đang sửa chữa và hạn chế bay trong khi sân bay Vinh, Thanh Hóa…lại hạn chế năng lực phục vụ
Hơn 1 triệu hành khách không có cơ hội bay dịp 30/4
Theo yêu cầu của CAAV, các hãng hàng không phải làm việc với phía Cảng hàng không Tân Sơn Nhất để thống nhất phương án điều chỉnh slot. Tại cuộc họp mới đây, nhiều ý kiến chỉ ra rằng thời điểm mà Tân Sơn Nhất đóng cửa rơi đúng vào mùa cao điểm là mùa hè, phục vụ cho người dân, học sinh, sinh viên đi lại nên sẽ khiến cho không chỉ hành khách, các hãng mà cả ngành thuế thiệt hại đáng kể.
Theo tính toán, lịch trình cắt giảm slot như vậy sẽ tương đương với việc có hơn 1 triệu khách hàng không có cơ hội bay trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 khi các hãng đều phải cắt giảm tần suất bay. Mỗi hành khách nộp phí khoảng 120.000 đồng, như vậy sân bay sẽ hụt thu tới 120 tỷ đồng; các hãng mất khoản doanh thu tới 1.500 tỷ đồng, chưa kể Nhà nước mất hàng trăm tỷ đồng thuế VAT.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện các hãng hàng không cho biết, hiện đang có 2 đề xuất đó là có thể tăng số lần cất/hạ cánh từ 25 lần (sau hạn chế) lên cao hơn để giảm bớt thiệt hại cho các hãng. Đồng thời việc sửa chữa cảng Tân Sơn Nhất được dời sang tháng 8, thay vì tháng 4 như dự kiến thì các hãng sẽ phục vụ được hành khách tốt hơn, doanh thu cũng không bị sụt giảm mạnh…, đó là chưa kể thời điểm tháng 8 và tháng 9 thời tiết khá thuận lợi trong khi giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 vừa là mùa cao điểm du lịch lại vừa là mùa mưa ở Tp. Hồ Chí Minh khiến cho việc sửa chữa sân bay có thể bị ảnh hưởng.
Kết luận của CAAV cũng đề cập đến việc phải có chương trình phần mềm điều phối slot. Theo đó, CAAV yêu cầu hội đồng thống nhất phải có chương trình phần mềm điều phối slot mới và hoan nghênh ý kiến của Vietjet rằng sẵn sàng hỗ trợ cho cơ quan thường trực hội đồng. CAAV giao phòng vận tải hàng không chủ trì làm việc cụ thể với Vietjet vấn đề này và báo cáo Hội đồng slot.
Tùng Lâm