Nếu bình xịt cứu hỏa phát nổ có quyền yêu cầu Công an bồi thường?
Theo luật sư Cường, nếu bình xịt phát nổ không do nhà sản xuất mà do cơ quan ban hành văn bản quy định bắt buộc này thì người bị thiệt hại có thể kiện cơ quan ban hành văn bản.
- 09-01-2016Hà Nội: Dân đổ xô đi mua bình cứu hỏa
- 08-01-2016Không quy định xe dưới 16 chỗ có bình chữa cháy mới đăng kiểm
- 08-01-2016Loạn giá bình chữa cháy ô tô tại TP.HCM
- 06-01-2016Không có căn cứ việc bình chữa cháy để trong ô tô phát nổ
Bình xịt phát nổ có được bồi thường?
Xung quanh việc áp dụng thông tư 57 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới, trong đó có xe ôtô từ 4 chỗ trở lên từ ngày 6/1 đang gây ra những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) cho rằng, về lý thuyết chế tạo ô tô, các nhà sản xuất hiện nay hướng đến việc chế tạo bằng các vật liệu ngăn không cho vụ cháy lan nhanh.
Với ô tô con, rất ít nhà sản xuất trang bị bình cứu hỏa. Việc trang bị bình cứu hỏa chủ yếu trang bị cho xe khách, phương tiện có thể mang theo bình cứu hỏa lớn và cũng chỉ nhằm mục đích ngăn vụ cháy lan nhanh để khách thoát nạn.
"Quy định này thiếu chặt chẽ, không hợp lý ở chỗ: Quy định xe ô tô con phải có bình cứu hỏa tối đa 5 lít (không quy định tối thiểu), chủ xe sẽ trang bị các bình cỡ nhỏ để đối phó.
Đặc thù của một vụ cháy ô tô thường xảy ra ở bộ phận máy dưới nắp ca-pô hoặc gầm xe nên bình dung tích nhỏ khó có tác dụng.
Thậm chí, vụ cháy ô tô dễ dẫn đến nổ bình xăng, với bình chữa cháy nhỏ phải tiếp cận gần hiện trường, lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho người tự cứu chữa bằng bình cứu hỏa "mini"...", luật sư Cường nêu.
Về một số ý kiến cho rằng, nếu trời nắng to, xe đỗ ngoài trời, trong xe nhiệt độ lên đến 60 độ C khiến bình xịt chữa cháy mini không may nổ thì thì có được bồi thường và xử lý như thế nào?
Luật sư Cường cho hay, xét về lý thì có thể kiện người gây thiệt hại cho chủ xe.
"Nếu là do chất lượng bình cứu hỏa không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không đảm bảo an toàn gây ra cháy nổ thì kiện nhà sản xuất.
Còn nếu lỗi không do nhà sản xuất mà lại do cơ quan ban hành văn bản quy định bắt buộc này thì người bị thiệt hại có thể kiện cơ quan ban hành văn bản (BCA)
Cụ thể, nếu trên bình cứu hỏa có ghi "bảo quản ở nhiệt độ không quá 40°C" mà Bộ công an quy định bắt buộc trang bị bình cứu hỏa trong xe ô tô mà không hạn chế trong mọi điều kiện thời tiết.
Điều này dẫn đến bình cứu hỏa phát nổ do thời tiết làm nhiệt độ trong xe ô tô quá nóng (có thể tới 70-80°C khi đỗ xe dưới trời nắng) thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan ban hành văn bản này bồi thường thiệt hại", luật sư Cường nhấn mạnh.
Một người đàn ông tỏ ra băn khoăn không biết mua loại bình chữa cháy nào cho phù hợp - Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ.
Cũng theo ông Cường, nguyên tắc yêu cầu bồi thường thiệt hại đã được quy định tại chương Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật dân sự hiện hành.
Tức là ai gây thiệt hại đến tài sản của người khác thì phải bồi thường; Thiệt hại tới đâu bồi thường tới đó - bồi thường theo thiệt hại thực tế xảy ra.
Hàng loạt câu hỏi
Còn luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Hồng Thanh (Hà Nội) cho rằng, căn cứ để ban hành thông tư 57 của Bộ Công an là dựa vào quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001.
Theo đó, điều 18 quy định: “1. Phương tiện giao thông cơ giới từ 4 chỗ ngồi trở lên, phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa, chất nguy hiểm về cháy, nổ phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy.”
"Việc ban hành thông tư 57 của Bộ Công an là có cơ sở. Nhưng luật đã có từ năm 2001, vậy lý do gì gần 15 năm sau người ta mới đề cập đến nội dung này?", luật sư Thanh đặt câu hỏi.
Luật sư Thanh cũng nêu thêm, tại điều 41 Nghị định Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định.”
Điều 66 Nghị định này quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân như sau:
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: b) Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy.”
"Như vậy có nghĩa lực lượng công an nào cũng có thể xử phạt người lái ô tô nếu xe không trang bị bình chữa cháy, chứ không chỉ riêng anh Cảnh sát giao thông.
Vậy nhưng những công an này phạt kiểu gì nếu không chặn xe lại để kiểm tra, trong khi anh không có thẩm quyền dừng phương tiện giao thông đang lưu thông bình thường trên đường", luật sư Thanh bày tỏ.
Câu hỏi tiếp theo được luật sư Thanh đặt ra, đó là nếu xe không có bình chữa cháy mà người lái xe lại không chấp nhận hoặc không có tiền để nộp phạt thì phải làm thế nào?
"Nghị định 167/2013/NĐ-CP là quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, không có chế tài về việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện giống như Nghị định 171/2013/NĐ-CP", luật sư Thanh nói.
Một vấn đề nữa được luật sư Thanh đưa ra là theo quy định thì xe từ 4 chỗ ngồi trở lên mới phải trang bị bình chữa cháy. Nghĩa xe dưới 4 chỗ ngồi, xe bán tải 2 chỗ ngồi thì không phải trang bị.
"Vậy người ngồi trên xe này và xe loại này sẽ không gặp nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ như xe từ 4 chỗ ngồi trở lên?
Chưa kể, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng có quy định về phạt hành chính đối với xe ô tô không có thiết bị chữa cháy.
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, …, thiết bị chữa cháy…;” Vậy nếu người vi phạm yêu cầu các anh Công an phải sử dụng Nghị định này để mức phạt thấp hơn thì sẽ tính sao?", luật sư Thanh đặt thêm câu hỏi.
Trí Thức Trẻ/Soha