Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng cục Phòng chống tham nhũng cho rằng các cơ quan phòng chống tham nhũng sẽ còn nhiều biện pháp mạnh để thu hồi tài sản cho nhà nước trong những vụ án tham nhũng.
- 21-07-2015Vụ Giang Kim Đạt: "Phát súng" đột phá trong vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng
- 11-06-2015Cán bộ không công khai tài sản, chống tham nhũng chỉ là hình thức
- 15-03-2015Thu hồi tài sản tham nhũng, khó cũng phải làm
* Thưa ông, việc cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN), dư luận cho rằng đây là một quyết định rất quyết liệt của cơ quan phòng chống tham nhũng?
- Rõ ràng nếu vi phạm pháp luật thì cho dù có địa vị thế nào đi nữa nhất định sẽ bị xử lý nghiêm. Vụ việc này là một bằng chứng thực tế cho thấy khả năng và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Theo quy định hiện nay, bất kể khoản tiền, quà lớn, nhỏ nào liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đều không thể coi là quà tình cảm bình thường và cán bộ, công chức không được phép nhận. Bởi vậy, có thể coi việc “sống bằng quà” này là vi phạm pháp luật Ông NGÔ MẠNH HÙNG
* Ông nhận định gì về việc thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines)?
- Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng và là tiền đề để tạo bước đột phá trong việc thu hồi tài sản liên quan đến những vụ án tham nhũng.
Năm 2013, con số thu hồi tài sản trong những vụ án như thế này chỉ đạt 11%. Năm 2014 thu hồi được 23%. Nếu so sánh năm trước với năm sau, con số này đã tăng lên nhưng nếu so sánh với số tài sản của Nhà nước đã bị thất thoát thì rất thấp.
Vụ Giang Kim Đạt cho thấy việc tìm ra bằng chứng về tài sản của Giang Kim Đạt và những người liên quan - kể cả tài sản ở nước ngoài - để có thể đấu tranh, thu hồi là một nỗ lực của cơ quan điều tra bởi lâu nay nhiều vụ án liên quan đến vấn đề thất thoát tài sản của Nhà nước thường “bó tay” khi không biết khối tài sản bị chiếm đoạt đã đi đâu.
Bước đầu phong tỏa để thu hồi tài sản trong vụ Giang Kim Đạt cho thấy đây sẽ là tiền đề cho việc thu hồi và ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng.
* Có ý kiến cho rằng làm cán bộ bây giờ không cần sống bằng lương, chẳng cần tham nhũng, chỉ cần “làm đúng làm đủ là đã đủ giàu rồi” vì người dân tự giác mang tiền mang quà đến biếu. Ông thấy sao?
- Phải tự đặt câu hỏi: nếu không phải là cán bộ thì có ai tự dưng đến biếu quà, tặng tiền mình không? Nghĩa là dù không dọa nạt, không uy hiếp, không gây khó khăn nhưng thực tế là vì chức vụ quyền hạn của cán bộ, công chức đó mà doanh nghiệp, người dân mới mang tiền và quà đến tặng.
Theo quy định hiện nay, bất kể khoản tiền, quà lớn nhỏ nào liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đều không thể coi là quà tình cảm bình thường và cán bộ, công chức không được phép nhận.
Bởi vậy, có thể coi việc “sống bằng quà” này là vi phạm pháp luật. Việc thực hiện đúng, đủ chức năng vai trò là trách nhiệm của cán bộ, công chức, người quản lý.
Ở một số nước, bác sĩ cứu sống bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, sau đó gia đình bệnh nhân này tự nguyện biếu tiền, biếu quà có giá trị. Nếu vị bác sĩ này nhận thì bị coi là hành vi tham nhũng. Bởi họ quan niệm chữa bệnh cứu người là nhiệm vụ của bác sĩ.
Tuy nhiên, văn hóa của Việt Nam hiện nay vẫn còn cho rằng đó là câu chuyện tình cảm.
Tôi cho rằng dù là quà tặng đó dành cho ai, chính cán bộ hay vợ, con, cha mẹ... đều không được nhận. Nếu không thể từ chối thì báo cáo, nộp lại cho cơ quan, tổ chức để có hướng giải quyết chứ không phải âm thầm nhận quà rồi nói “mình không có vòi vĩnh, người ta tự nguyện” được.
Làm cán bộ bây giờ không chỉ giữ gìn hành vi của mình mà còn phải chú ý cả việc làm của vợ, chồng, con cái, người thân của mình nữa.
Ví như chuyện trả lại hai lô đất của con gái ông bí thư Đà Nẵng mới đây, đó là một việc làm kịp thời vì là người nhà cán bộ lãnh đạo nên cần tránh những việc làm dễ gây cho người khác hiểu nhầm.
* Trong khi các cơ quan phòng chống tham nhũng phát hiện tài sản của người tham nhũng thường rất khó khăn, người dân đều biết ai là người đứng sau những khối tài sản khổng lồ dù đang được đứng tên người khác. Có trái khoáy không, thưa ông?
- Đúng là nếu cán bộ, công chức không kê khai tài sản của mình thì cơ quan, đơn vị rất khó biết. Nhưng cán bộ, công chức đó có tài sản lớn, nhất là nhà, đất thì khó mà giấu nhân dân được.
Vì thế mà Đảng đã có chủ trương phải công khai bản kê khai tài sản của cán bộ ở nơi cư trú để nhân dân giám sát.
Cần có luật về điều tra tài sản bất thường
Phải nói rằng Việt Nam có quyết tâm chính trị cao trong công tác phòng chống tham nhũng và hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng khá toàn diện.
Tuy nhiên, trong chính sách cũng còn một số điểm chưa hoàn thiện, vẫn có những sơ hở để cho một số cán bộ công chức lợi dụng, trục lợi tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng ở một số nơi còn chưa nghiêm, nặng về tuyên truyền mà thiếu những hành động thực tế mạnh mẽ, kiên quyết.
Bên cạnh đó, khả năng phát hiện tham nhũng còn hạn chế, việc tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ rất yếu.
Bởi vậy, nếu nội bộ cơ quan có cơ chế để tự kiểm soát, giám sát tốt thì hành vi tham nhũng sẽ được hạn chế từ chính sự kiểm soát, giám sát những cá nhân, tổ chức trong cùng cơ quan, đơn vị đó.
Ở các nước phát triển, nếu một công dân mang tiền đi mua một khối tài sản lớn thì cơ quan thuế có thể kiểm tra nguồn tiền ấy từ đâu ra.
Còn ở Việt Nam thì người dân có mang cả bao tải tiền đi mua nhà, mua ôtô, thậm chí kể cả mang gửi vào ngân hàng thì cũng chẳng ai hỏi tiền đó từ đâu ra.
Như vậy, việc kiểm soát tài sản chưa được chú ý nên việc phát hiện, xử lý tài sản bất minh còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Ở Trung Quốc, khi một cán bộ giàu lên, có tài sản bất thường đều được đưa vào “tầm ngắm”.
Ở một số quốc gia khác họ có các cơ quan tình báo tài chính, các cơ quan này hoàn toàn được điều tra độc lập về vấn đề tài chính của các cá nhân, ví như tài khoản bao nhiêu tiền, nguồn tiền ở đâu, thậm chí có thể áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt như nghe lén điện thoại...
Về các biện pháp mạnh mẽ đó thì ở Việt Nam vẫn chưa có, thậm chí pháp luật còn đang cấm bởi đó là quyền tài sản, quyền bí mật cá nhân. Vậy nên, việc phát hiện tài sản bất minh đã khó, kể cả khi đã phát hiện cũng khó xử lý do chúng ta chưa có chế tài.