MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện trong nước nổi bật từ 25/10 - 31/10

31-10-2015 - 14:35 PM | Xã hội

Sẽ được nghỉ 9 ngày Tết Bính Thân 2016, Chính Phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2015, Tuyên án 6 cựu cán bộ ngành đường sắt... là những sự kiện trong nước đáng ý tuần qua.

Sẽ được nghỉ 9 ngày Tết Bính Thân 2016

Chiều ngày 29/10 vừa qua, tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã đồng ý để các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã đồng ý để các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ 9 ngày Tết Nguyên đán, từ 28 tháng 12 năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Bính Thân.

Trong đó, có 5 ngày nghỉ theo quy định của Bộ Luật lao động và 4 ngày nghỉ thứ 7 và Chủ nhật của 2 tuần liền kề.

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Trong đó, Nghị định 110/2015/NĐ-CP điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm quản lý biên chế công chức.

Theo Nghị định số21/2010/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm điều chỉnh biên chế công chức trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Còn theo quy định mới tại Nghị định số 110/2015/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay

Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2015/NĐ-CPquy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay tại Việt Nam, bao gồm: Nguyên tắc và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Quy hoạch và thực hiện quy hoạch cảng hàng không, sân bay; thủ tục mở, đóng cảng hàng không, sân bay; quản lý hoạt động khai thác tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận; sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; bán, thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất cảng hàng không, sân bay; hoạt động kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay.

Tuyên án 6 cựu cán bộ ngành đường sắt

Sáng 27/10, phần tranh tụng giữa đại diện Viện kiểm sát và Luật sư diễn ra căng thẳng. Tranh luận tại Tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tại Tòa khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA.

Dựa trên kết quả tranh tụng tại Tòa, lời khai của các bị cáo và các bằng chứng thu thập được trong quá trình điều tra, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên án: Bị cáo Phạm Hải Bằng - nguyên Phó Giám đốc RPMU 12 năm tù giam; bị cáo Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng Thực hiện dự án 3, RPMU 11 năm tù; bị cáo Phạm Quang Duy - nguyên Phó Giám đốc RPMU 8 năm, 6 tháng tù; bị cáo Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU 5 năm, 6 tháng tù; bị cáo Trần Quốc Đông - nguyên Giám đốc RPMU, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 7 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc RPMU 7 năm 6 tháng tù.

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên truy thu 11 tỷ đồng mà các bị cáo đã nhận từ liên doanh nhà thầu Nhật Bản để sung công quỹ Nhà nước, kê biên nhiều tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Sẽ theo dõi sát sao việc xử lý tòa nhà 8B Lê Trực

Thông tin trên được Phó Tổng thanh tra Chính Phủ Trần Đức Lượng đưa ra tại cuộc họp báo quý III diễn ra ngày 29/10.

Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo đồng thời sẽ theo dõi sát sao việc xử lý sai phạm tại tòa nhà số 8B Lê Trực. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ tin tưởng: Với quyết tâm, trách nhiệm cao, các cơ quan chức năng của Hà Nội sẽ sớm xử lý dứt điểm vụ việc trong thời gian sớm nhất.

Cho thi công lại thuỷ điện Đạ Dâng - Đạ Chomo

Chính phủ đồng ý cho thi công lại thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, trong khi quá trình kiểm tra công trình này, đặc biệt là hầm thủy điện, vẫn đang tiếp tục.

Khu vực được thi công tiếp nằm ngoài hầm thủy điện do đã được kiểm tra xong. Chủ đầu tư chỉ được thi công đường hầm sau khi hoàn tất quá trình bồi hoàn chi phí cứu hộ, làm đủ thủ tục nộp phạt; đồng thời, cơ quan chức năng kết luận về thiết kế, an toàn hầm thủy điện.

Trước đó, đường hầm công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo ở huyện Lạc Dương bị sập một đoạn khoảng 35m vào ngày 16/12/2014, làm 12 công nhân bị kẹt bên trong suốt 82 giờ, sau đó được giải cứu an toàn.

Chính Phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2015

Sáng 29/10, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và từ đầu năm đến nay.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,11% sau 2 tháng giảm liên tiếp, nên Bộ dự báo chỉ số giá tiêu dùng của năm nay vẫn tăng khoảng 2%. Trong lĩnh vực tiền tệ, tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng tiền gửi. Về thu chi ngân sách Nhà nước, đến tháng này, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 777.000 tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch. Trong đó, thu nội địa đạt 90% dự toán và tăng khá cao.

Theo Bộ Tài chính, vấn đề hiện nay là giải quyết việc Trung ương hụt thu 31.000 tỷ đồng do giá dầu giảm như thế nào để đáp ứng được nhu cầu chi. Tuy nhiên, nhờ tiết kiệm chi và thu các khoản còn tồn đọng từ dầu khí, do đó ngân sách Trung ương chỉ còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng và dự kiến được lấy từ số thu được do cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Hồng Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên