MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Với người Việt Nam, thưởng Tết có ý nghĩa rất lớn

20-12-2014 - 21:53 PM | Xã hội

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần. Vấn đề người lao động đang ngóng đợi lúc này là mức lương, thưởng Tết sẽ ra sao?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ủy viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới tết Nguyên đán Ất Mùi, đánh giá của ông về mức tiền lương, thưởng Tết năm nay như thế nào?

Tiền thưởng vừa thể hiện “sức khỏe” của DN, vừa thể hiện sự quan tâm của DN đối với người lao động. Trong bối cảnh hiện nay, đối với nhiều DN, người lao động không chỉ là người đi làm thuê mà còn là tài sản của DN. Bởi vậy, quyết định khen thưởng, đặc biệt là thưởng Tết âm lịch là một quyết định khó khăn cho các nhà quản lý, các DN.

Nhìn lại tình hình kinh doanh trong năm qua có thể thấy, một số DN đã có những bước chuyển biến tích cực, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có bước khởi sắc đáng kể, song vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều DN đang trên đà phá sản. Bởi vậy, tôi cho rằng, xu hướng thưởng Tết năm nay sẽ chia làm 3 nhóm đối tượng:

Đối với những DN nằm trong nhóm khó khăn, có tình hình kinh doanh chậm phát triển hoặc không phát triển được, DN còn nợ lương, nợ bảo hiểm của công nhân, để thưởng Tết cao cho người lao động sẽ rất khó. Có lẽ với những DN này, việc trả hết lương cho công nhân đã là một sự nỗ lực rất lớn. Theo tôi, số lượng DN thuộc nhóm này không hề ít.

Nhóm DN thứ hai là nhóm ngành vẫn duy trì hoạt động kinh doanh, nhưng chưa có nhiều khởi sắc như: Ngành khai khoáng, bảo hiểm, ngân hàng… Nhóm DN này, mức thưởng tuy có nhưng cũng không cao hơn những năm trước hoặc sẽ thấp đi.

Nhóm DN thứ ba là những ngành có xu hướng sản xuất kinh doanh tốt lên, ví dụ như ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ, truyền thông... Với những DN thuộc nhóm ngành này, khả năng tổ chức thưởng Tết cho người lao động sẽ tốt hơn.

Trong những lần trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định rằng, do điều kiện khó khăn nên trong năm nay nhiều DN sẽ có mức thưởng khiêm tốn. Ý kiến của ông về nhận định này?

Theo tôi, có lẽ phải chờ công bố của Bộ về mức thưởng Tết của các DN mới có thể nói được là nhiều hay ít, cao hay thấp. Tuy nhiên, có nhiều lý do để chúng ta lo ngại về vấn đề này. Bởi lẽ, chính sách bảo hiểm, tiền lương của người lao động tới đây sẽ có nhiều thay đổi. Từ tháng 1-2015, mức lương tối thiểu sẽ tăng lên, DN bao giờ cũng phải tính đến việc kinh doanh có lãi. Khi buộc phải tăng lương cho lao động theo quy định thì DN sẽ phải cân đối, hài hòa lại quỹ tài chính của mình. Chưa kể đến, chi phí cho nhân lực tăng lên, mức thưởng Tết cũng có thể sẽ phải co lại.

Như ông đã nói, khả năng thưởng Tết bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về bảo hiểm, tiền lương. Điều này có ảnh hưởng tới tâm lý của người lao động như thế nào khi đa phần người Việt Nam, thưởng Tết có ý nghĩa rất quan trọng?

Tiền thưởng Tết đối với người Việt Nam là biện pháp khuyến khích, động viên người lao động sau một năm vất vả cống hiến, cũng là cách để DN hỗ trợ cho người lao động có một cái Tết đầm ấm, đầy đủ. Dù tiền thưởng thực chất chỉ là một khoản bổ sung vào lương, nhưng với người Việt Nam, ý nghĩa của thưởng Tết rất lớn. Bởi vậy, tôi hy vọng rằng, các DN dù có khó khăn cũng nên quan tâm đến tiền thưởng cho người lao động. Hành động có “ý nghĩa” này vừa tạo khí thế mới cho người lao động, đồng thời cũng phần nào động viên người lao động trong thời điểm khó khăn. Qua đó, người lao động sẽ thêm “yêu” DN, quan tâm, cống hiến và gắn bó với DN nhiều hơn nữa. Xét cho cùng, đây là việc làm mang đến lợi ích lâu dài hơn cho DN.

Theo ông, phải làm như thế nào để hài hòa giữa lợi ích của cả DN lẫn người lao động?

Nếu các DN khó khăn về mặt kinh tế thì có thể uyển chuyển, đa dạng trong hình thức thưởng Tết. Chẳng hạn, nếu không thể hỗ trợ người lao động bằng tiền mặt thì DN có thể thưởng Tết cho người lao động bằng cách cho nghỉ lễ dài hơn; một phần thưởng bằng tiền, một phần thưởng bằng sản phẩm mà DN sản xuất ra;… Dù thế nào vẫn phải cố gắng bằng mọi cách trên tinh thần vì người lao động!

Với những DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, hàng ngàn người lao động không có lương chứ chưa nói đến thưởng Tết thì nên giải quyết như thế nào, thưa ông?

Một khi DN đã giải thể thì có nghĩa khả năng cân đối kinh tế của họ gặp khó khăn, trở ngại. Bởi vậy, Nhà nước cần có sự quan tâm đến người lao động thuộc những DN này. Lúc này, trách nhiệm của Nhà nước phải lớn hơn trách nhiệm của DN, cụ thể là cơ quan bảo hiểm phải trợ cấp.

Các cơ quan bảo trợ xã hội phải thể hiện vai trò của mình một cách kịp thời. Mức hỗ trợ và cách thức hỗ trợ vẫn phải làm theo trình tự và theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn phải cố gắng làm như thế nào để sự hỗ trợ đến với người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động không chỉ thể hiện sức khỏe của nền kinh tế mà còn thể hiện tính nhân văn. Không cần biết Nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu tiền mà quan trọng hơn cả là thời điểm hỗ trợ. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ cho người lao động 500.000 đồng nhưng đúng thời điểm là trước Tết còn hơn hỗ trợ 1.000.000 đồng nhưng phải 1 tháng sau Tết họ mới nhận được.

Xin cảm ơn ông!

>>>Thưởng Tết năm nay ra sao?

Theo Thùy Linh

cucpth

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên