Thông điệp giản dị "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần": Bình tĩnh có lẽ là "liều thuốc" tốt nhất để vượt qua dịch bệnh
Trong khi các lãnh đạo, lưc lượng chức năng gồng mình chống dịch, mỗi công dân bình thường có thể góp phần nhỏ bé vào việc đẩy lùi dịch Covid-19 chỉ bằng cách "đang ở đâu hãy ở yên đó".
- 19-03-2020Cuộc sống bị đảo lộn ở Mỹ trước sự bùng phát của dịch Covid-19: Các điểm du lịch vắng tanh, người người đi siêu thị tích trữ đồ, hủy bỏ hàng loạt sự kiện lớn
- 19-03-2020Những mẩu chuyện ấm lòng trong mùa dịch Covid-19 lay động trái tim cộng đồng mạng
- 19-03-2020Xúc động bức ảnh người cha nghèo nhường khẩu trang cho con gái giữa đại dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Trên mạng xã hội, khẩu hiệu "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần" được rất nhiều người chia sẻ. Có lẽ bắt đầu từ trường hợp bệnh nhân khai báo gian dối về tình trạng sức khỏe, đi quá nhiều nơi, tiếp xúc với quá nhiều người mà người người, nhà nhà kêu gọi mọi người "đang ở đâu hãy ở yên đấy".
Những người trở về từ vùng có dịch, người tiếp xúc với đối tượng nhiễm virus, thuộc diện phải cách ly, theo dõi, hãy ở yên trong khu cách ly, hợp tác với cơ quan chức năng... Sự hợp tác của mỗi người đều góp phần rất lớn giúp chúng ta cùng ngăn sự bùng phát của dịch bệnh.
Khi Tổ quốc cần hãy "đứng yên trong nhà", đừng mua hàng tích trữ không cần thiết, đừng di chuyển ra khỏi Hà Nội hay các vùng có bệnh nhân dương tính... Chính quyền đang nỗ lực khoanh vùng, dập dịch. Việc dân cư di chuyển không kiểm soát là một trở lực rất lớn.
Virus không chừa một ai, không ai trong chúng ta đoán chắc được mình không phải vật chủ chứa virus nếu chưa qua xét nghiệm. Vì thế đừng tranh thủ kéo nhau về các vùng quê, tạo áp lực tới các địa phương.
Thông điệp được lan truyền mạnh trên mạng xã hội khi dịch Covid-19 diễn biến khó đoán.
Từ trong các khu cách ly, nhiều người cũng chia sẻ, dù sao thì vẫn còn được trong chăn ấm, được người khác lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Trong khi bất chấp gió mưa, biết bao lực lượng vẫn phải làm nhiệm vụ truy tìm tung tích để giúp những người tiếp xúc gần với mầm bệnh thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19.
Anh thanh niên người Anh Gavin Wheeldon tới Việt Nam khi dịch bệnh đang có dấu hiệu phức tạp đã chia sẻ cảm nghĩ của bản thân trong 14 ngày cách ly tại một doanh trại quân đội ở Sơn Tây. Một mình ở nơi đất khách, trong một hoàn cảnh đặc biệt, nhưng Gavin lại ví thời gian cách ly giống như đang đi nghỉ dưỡng.
Trong nhật ký những ngày ở khu cách ly, anh khen đồ ăn ngon, các món rau và khoai tây rất tươi... Gavin Wheeldon viết: "Sân bay hỗn loạn nhưng sự kiểm dịch được tổ chức rất sát sao. Điều đó chứng tỏ rằng khi cả thế giới còn đang chờ đợi thì Việt Nam đã bước vào khâu chuẩn bị rồi". Anh cũng cảm thấy rất biết ơn vì đã được đối xử tốt.
Qua những dòng nhật ký của Gavin Wheeldon, dư luận quốc tế đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách đối đãi của người Việt trong những khu cách ly tập trung.
Sau khi hết thời gian cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở tập trung, rất nhiều người đã không quên gửi lời cảm ơn tới các các y bác sĩ và lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ... Những câu chuyện nhân văn như người mẹ trong khu cách ly viết lên tấm bìa nhờ lực lượng bên ngoài mua giúp hộp sữa cho con và chỉ ít phút sau đã được đáp ứng, khiến cả cộng đồng mạng cảm động. Câu chuyện về những suất ăn ấm nóng, ngon miệng dành cho người bị cách ly, cuộc sống thoải mái, vui vẻ trong những khu cách ly tập trung... là những điều tươi đẹp trong chuỗi ngày u ám vì dịch bệnh.
Trong tình thế dịch bệnh Covid-19 lan rộng, ngày nào cũng có thêm các ca nhiễm mới, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với đám đông, gìn giữ cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng. Nhưng "đứng yên" không có nghĩa là chúng ta bất động. Hãy cứ sống, làm việc, lao động và học tập như bình thường nhưng cần chú ý đến các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh cá nhân để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức từng chia sẻ: "Đánh nhau với một bóng ma, cái ta cần là sự BÌNH TĨNH. Việc hoảng loạn chạy đi khắp nơi không mang lại gì ngoài nguy cơ lan truyền ra cộng đồng cao hơn".
Bài học từ bệnh nhân số 17, 34 đủ để mọi người thấy hậu quả của việc trốn cách ly, khai báo gian dối về lịch trình cá nhân. Ngại sinh hoạt trong môi trường lạ, ngại ngồi yên trong thời gian 2 tuần, ngại việc xa rời người thân... đã tạo nên những khó khăn chồng chất cho đất nước, những người làm lãnh đạo, và những người làm công tác phòng chống dịch.
"Chống dịch như chống giặc", nhưng "giặc Covid-19" có những đặc thù riêng. Có những người đã xông vào nơi tuyến đầu bất chấp hiểm nguy. Song, với đa số chúng ta, chỉ cần chịu khó đứng yên là đã giúp ích cho đất nước rồi.
Bình tĩnh có lẽ là "liều thuốc" tốt nhất để sống qua thời gian này. Hoảng hốt ban đầu đã nhường chỗ cho những suy tính tỉnh táo, thông tin đàng hoàng và những hành xử đúng mực hơn. Giờ đây là lúc chúng ta cùng nhau chung tay góp sức, bình tĩnh để vượt qua dịch bệnh