MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông minh chưa hẳn đã "sướng", đây là những mặt trái không ngờ khiến bạn gặp rắc rối trong cuộc sống

23-11-2016 - 13:31 PM | Sống

Liệu hạnh phúc có tỉ lệ thuận với sự thông minh? Có lẽ không, bằng chứng là việc trang web hỏi đáp Quora đã nhận được hơn 100 phản hồi cho câu hỏi: “Khi nào thông minh trở thành một lời nguyền?”.

Người sử dụng đã viết hết tất cả: từ những kỳ vọng ngớ ngẩn cao vút trời mây cho đến cái cách con người tự đưa mình vào rắc rối khi luôn luôn bị coi là một kẻ khoe khoang khoác lác.

Trang Business Insider đã tổng hợp những lời đáp phổ biến nhất đồng thời đưa ra các giải thích khoa học về những mặt trái của việc quá thông minh:

Bạn thường nghĩ thay vì cảm nhận

Người dùng Quora - Marcus Geduld - tự nhận, bản thân hiểu rất rõ cảm xúc của mình và có khả năng diễn đạt chúng tới người khác. Tuy nhiên, Marcus lại chưa bao giờ nhẹ nhõm khi thể hiện những xúc cảm đó.

Đây là một vấn đề phổ biến đối với những người thông minh, đặc biệt những ai có khả năng giao tiếp tốt. Họ sử dụng từ ngữ điêu luyện và sẽ càng hiệu quả nếu thông tin truyền tải là thật.

Ngược lại, người thiếu kỹ năng nói chuyện thường có xu hướng thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể. Họ kêu la, đấm, đá, chạy, khóc lóc, nhảy nhót hay nhảy cẫng lên vì sung sướng...

Nhận xét của Geduld đã làm nổi bật lên sự khác biệt giữa các kỹ năng về nhận thức và tình cảm. Các nhà khoa học không thể chắc chắn có hay không và bằng cách nào mà hai yếu tố này liên quan đến nhau nhưng một số nghiên cứu thú vị đã khơi gợi giả thuyết, việc sở hữu trí óc cảm xúc phong phú sẽ bù đắp cho khả năng nhận thức kém, ít nhất khi ở nơi làm việc.

Nói cách khác, có vẻ như những người hiểu biết sâu rộng sẽ không cần phải dựa vào các kỹ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.


Người thông minh thường nghĩ thay vì cảm nhận và không cần dựa vào các kỹ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.

Người thông minh thường nghĩ thay vì cảm nhận và không cần dựa vào các kỹ năng cảm xúc để giải quyết vấn đề.

Mọi người thường mong đợi bạn là cá nhân xuất sắc nhất

“Dù thế nào đi nữa, bạn vẫn luôn được kỳ vọng trở thành một người toàn diện. Sẽ chẳng có ai để bạn giãi bày về những nỗi bất an hay khuyết điểm của mình. Hơn nữa, bạn sẽ lo lắng cho tương lai nếu kết quả không như bạn hằng chờ đợi” - Roshna Nazir viết.

“Bạn thận trọng trong mọi hành động. Đôi khi điều này sẽ không cho phép bạn mạo hiểm chỉ vì bạn sợ mình gặp phải bất trắc”- Saurabh Mehta viết.

Tác giả bài báo “Cách nuôi dạy khôn ngoan cho trẻ em thông minh” được đăng trên trang PsychologyToday.com cũng đưa ra nhận xét, nỗi lo lớn nhất của nhiều bậc phụ huynh là về thành tích con em họ khi chúng nhanh nhạy và đang học rất tốt ở trường.

Thật không may, “đôi khi điều này khiến họ quá tập trung vào mục tiêu mà quên đi mất bản thân”.

Bạn không hiểu được ý nghĩa của sự chăm chỉ

Một số người dùng Quora đồng ý, người thông minh thường thấy mình có thể sống mà không cần nhiều nỗ lực như bao người. Tuy nhiên, một thang điểm IQ cao không đồng nghĩa với việc thành đạt một cách dễ dàng và những người như vậy thường thiếu sự kiên nhẫn cần thiết để thành công.

Theo Kent Fung: “Sự thông minh cũng gây ra khó khăn cho con người khi họ nghĩ bản thân không cần phải quá chăm chỉ. Do đó, họ không bao giờ có thể thiết lập được một nguyên tắc làm việc hiệu quả cho riêng mình”.

Một tìm hiểu đã khám phá ra sự kiên nhẫn thực chất lại có tương quan tiêu cực tới vài loại thông minh. Các nhà nghiên cứu cũng đồng tình rằng những người thông minh thường thấy mình không cần làm việc chăm chỉ để đạt được thứ họ cần.

Trong những cuộc hội thoại thông thường, mọi người sẽ khó chịu khi luôn bị bạn bắt lỗi

Khi thấy ai đó nói gì chưa chuẩn xác, bạn chỉ chăm chăm sửa lại và làm rõ ý thay họ. Bạn không nghĩ hành động của mình có thể khiến đối phương xấu hổ, thậm chí cảm thấy bị xúc phạm. Bạn đứng trước nguy cơ mất đi một vài người bạn tốt.

Như Raxit Karramreddy từng nhận xét: “Thông minh khiến con người ta trở nên lười biếng. Bắt lỗi người khác quá nhiều sẽ lên tới đỉnh điểm khi họ không còn muốn đi chơi hay nói chuyện với bạn nữa”.

Bạn có xu hướng nghĩ thái quá

Một chủ đề phổ biến trên Quora là những cạm bẫy của việc dành quá nhiều thời gian để dự tính và phân tích.

Ví dụ, bạn sẽ trở nên tuyệt vọng nếu cứ cố tìm ý nghĩa cho mọi khái niệm cũng như trải nghiệm của mình. “Bạn nhận ra tất cả thật vô nghĩa, nhưng vô nghĩa đôi khi lại rất ý nghĩa. Bạn trăn trở kiếm tìm câu trả lời và điều đó khiến bạn phát điên” – Akash Ladha viết.

Quả thực, một nghiên cứu toàn diện được công bố năm 2015 đã phát hiện ra, sự khôn ngoan trong giao tiếp thường gắn liền với lo lắng và nỗi trăn trở.

Từ một quan điểm thực tế, người không minh hay gặp khó khăn khi lựa chọn. Tirthankar Chakraborty có viết: “Nắm rõ các hướng đi trong quyết định, đặc biệt việc phân tích thái quá những hậu quả sẽ khiến bạn không thể chọn lựa điều gì”.

Bạn thấy bản thân quá bé nhỏ và thiếu hiểu biết

Quá hiểu biết có nghĩa là bạn chấp nhận giới hạn nhận thức của bản thân. Hãy cố gắng hết sức vì kiến thức là vô tận và bạn không thể học hay hiểu hết tất cả.

Mike Farkas viết: “Trí thông minh là một lời nguyền khi… bạn biết nhiều bao nhiêu, bạn thấy mình nhỏ bé và cần phải học nhiều bấy nhiêu”.

Ý kiến của Farkas đã gợi lại một nghiên cứu kinh điển của Justin Kruger và David Dunning khi thể hiện quan điểm bạn sẽ đánh giá quá cao khả năng của mình khi có một nhận thức kém và ngược lại”.

Ví dụ, trong một bài kiểm tra của kỳ thi tuyển sinh vào trường Luật, học sinh đạt điểm thấp thường đánh giá quá cao gần 50% số câu trả lời họ cho là đúng. Mặt khác, những người đạt điểm cao lại thường khá khiêm tốn.

Nguyễn Nguyễn

Business Insider

Trở lên trên