MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút 34 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đến năm 2030: Mục tiêu đầy tham vọng?

Thu hút 34 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đến năm 2030: Mục tiêu đầy tham vọng?

Đề án tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút đầu tư nước ngoài và lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng gấp đôi hiện nay, lên mức 34 tỷ USD. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là quá tham vọng khi chưa đề ra được giải pháp cụ thể.

Thu hút 34 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đến năm 2030: Mục tiêu đầy tham vọng? - Ảnh 1.

'Tham vọng' 34 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp năm 2030. Ảnh: NT

Ngày 12/12, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT đã tổ chức Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp: Đề án tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp đến năm 2030 nhằm đánh giá khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư từ nay đến năm 2030.

Trình bày thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Tạ Thu Trang đến từ Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn (PTNNNT) - Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT cho biết, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng ổn định, trung bình 2,83%/năm từ 2010-2020. Hiện nay, lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chiếm 12% tổng lúa gạo xuất khẩu toàn thế giới.

Đồng hành cùng tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đầu tư nước ngoài thời gian qua có đóng góp khá lớn, giúp bổ sung nguồn vốn đầu tư, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cấp công nghệ... Tuy nhiên, về cơ bản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Cụ thể, tổng số dự án và vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2021 là 1.984 dự án, chỉ chiếm 5,7% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam; với tổng số vốn đăng ký là 17,64 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

"Thực tế cho thấy, quy mô đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy tốt lợi thế so sánh của nông nghiệp. Đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các nước châu Á; đầu tư cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số tỉnh phía Nam và Hà Nội do có hạ tầng giao thông tốt", báo cáo viết.

Cùng với đó, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này cũng bộc lộ một số hạn chế như nguy cơ lợi dụng xuất xứ, đầu tư núp bóng; có dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản, lắp ráp, rồi cho xuất khẩu dưới xuất xứ Việt Nam chứ không đầu tư máy móc hiện đại; có hiện tượng chèn ép doanh nghiệp Việt...

Trình bày Đề án tăng cường hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án), TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT cho biết, Đề án đặt mục tiêu khá tham vọng là đến năm 2030, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng gấp đôi hiện tại lên khoảng 34 tỷ USD; tỷ lệ các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp có hoạt động chuyển giao công nghệ, liên doanh với doanh nghiệp trong nước chiếm 30%; giá trị hàng hoá xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30% trong tổng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản.

Để thực hiện mục điều trên, Đề án đề xuất các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài là những lĩnh vực trong nước chưa làm được hoặc để thay thế những nguyên liệu hiện nay trong nước phải nhập khẩu như: Ứng dụng công nghệ cao trong tạo giống cây, con mới; sản xuất thức ăn chăn nuôi - hiện nay chúng ta phải nhập rất nhiều nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thu hút đầu tư nước ngoài giúp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất phân bón hoá học thế hệ mới; sản xuất vaccine; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý dịch bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật; phát triển dây chuyền giết mổ công nghiêp, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa...

Từ tổng kết thực tiễn, Đề án đưa ra nhiều khuyến nghị lớn trong cơ chế, chính sách để hiện thực hoá mục tiêu năm 2030 như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, đạt tiêu chuẩn; thành lập ngân hàng đất nông nghiệp nhằm tạo lập quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; sửa Thông tư 08/2013 của Bộ Công Thương để doanh nghiệp nước ngoài có thể trực tiếp thu mua nông sản của người dân trong nước mà không cần qua các trung gian....

Quá tham vọng?

Góp ý cho Đề án, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá cao tinh thần của Đề án, cho biết đây là lần đầu tiên Bộ NN&PTNN đưa ra được danh mục các lĩnh vực cụ thể để ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài, có ý nghĩa thực tiễn lớn. Tuy nhiên, danh mục này cần cụ thể hơn nữa chỉ ra được những dự án nào cần ưu tiên, vùng miền nào cần thu hút đầu tư nước ngoài và lĩnh vực nào.

Về mục tiêu đến năm 2030, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 34 tỷ USD (gấp đôi hiện nay), theo ông Tuấn là quá tham vọng và nếu Đề án đã đặt mục tiêu trên thì cần chỉ rõ sẽ tăng thu hút đầu tư trong những lĩnh vực nào, khu vực nào, những ngành nào còn dư địa tăng trưởng mạnh?

Đề xuất một số phương án, ông Tuấn nêu, Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNN nên nghiên cứu đưa lĩnh vực dược liệu vào ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là lĩnh vực đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, lại là lợi thế của các tỉnh miền núi phía bắc, có dư địa đất đai lớn, thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

"Đề án cũng nên hỗ trợ các địa phương cùng xây dựng danh mục dự án ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó tập hợp thành bộ tài liệu để làm xúc tiến đầu tư sẽ rất hiệu quả. Điều này cũng quan trọng trong xây dựng quy hoạch vùng để kêu gọi hợp tác đầu tư", ông Tuấn nói.

Về vấn đề liên doanh với doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ, Phó Chủ tịch VAFIE góp ý, Viện Chính sách và Chiến lược NNPTNN nên tập hợp danh sách khoảng vài trăm đối tác lớn thuộc các quốc gia quen thuộc với Việt Nam, từ đó kiến nghị Chính phủ có các cuộc làm việc cấp cao để thúc đẩy đầu tư, hợp tác chiến lược, cam kết chuyển giao công nghệ và các ưu đãi đầu tư đi kèm.

Cuối cùng, TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, hiện nay đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của một đất nước nông nghiệp như Việt Nam. Để thúc đẩy được đầu tư, quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi tại sao đầu nước nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp mãi vẫn nhỏ bé như vậy?

Ông Cao Trí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, rất cần thiết đưa lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành gỗ vào lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Đây là một ngành công nghiệp mà doanh nghiệp chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Công nhấn mạnh cần phải có chính sách ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao chất lượng nguyên vật liệu sản xuất trong nước.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Dương Danh Công, đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông nghiệp, Bộ NN&PTNN đề nghị thành lập Tổ công tác thu hút đầu tư của Bộ NN&PTNN.

"Vấn đề hiện nay trong thu hút đầu tư nước ngoài của Bộ là đầu mối để kết nối. Tổ công tác này sẽ có nhiệm vụ phối hợp các địa phương để cho ra được danh mục thu hút đầu tư của từng địa phương, vùng miền; nhiệm vụ tiếp theo là kết nối các hiệp hội trong và ngoài nước để nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đầu mối này các tỉnh, địa phương, hiệp hội có thể gửi thông tin, từ đó Bộ tập trung, tổng hợp và xử lý", ông Công nói.

Đồng thuận với góp ý của đại diện các hiệp hội, ông Nguyễn Anh Phong cho biết, Viện Chiến lược và Chính sách NNPTNT sẽ nghiên cứu các góp ý, đề xuất để bổ sung vào Đề án, trình Bộ NN&PTNN thời gian tới.

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên