MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ khoa chăn lợn và nguyên nhân cho thực tế phũ phàng càng học cao, bằng giỏi tỷ lệ thất nghiệp càng lớn

Quý II/2017 cả nước có 1.081,6 nghìn người lao động trong độ tuổi thất nghiệp. Trong đó số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183,1 nghìn người, tăng 44,2 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63% (quý trước là 2,79%). Còn ở nhóm trình độ trung cấp, tỷ lệ này là 3,5%.

Có bằng đại học, thậm chí tốt nghiệp thủ khoa nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không tìm được công việc phù hợp, chịu cảnh thất nghiệp hoặc như trường hợp đang được báo chí nhắc đến trong nhiều ngày qua: Thủ khoa ĐH Sư phạm đi… chăn lợn.

Nỗi buồn mang tên Thủ khoa

Bùi Thị Hà từng là thủ khoa của ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Hà là một trong 100 thủ khoa xuất sắc được vinh doanh tại Văn Miếu cách đây 1 năm. Dù vậy, tấm bằng xuất sắc của Hà khi về Hà Giang vẫn không xin được việc.

Hoàn cảnh của cô, như thông tin trên báo chí là gia đình thuần nông, thuộc hộ cận nghèo, bố đột ngột mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 3 con ăn học. Tấm bằng của Hà được xem là sự cố gắng không ngừng của cô và cả gia đình.

1 năm ở nhà chờ việc Hà ở nhà đã bán hoa quả, nuôi lợn. Cô cũng đã gửi tâm thư cho Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang bày tỏ nguyện vọng. Thư của Hà đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm cao. Dù vậy, như lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh này cho biết, tình trạng thừa giáo viên, thiếu biên chế của tỉnh sẽ khiến Hà tiếp tục phải chờ.

Câu chuyện của Hà đã ghi tên cô vào danh sách những những thủ khoa đại học chật vật sau khi ra trường. Trước đó, là Đồng Thị Ngân – cựu sinh viên ĐH Thương Mại được vinh danh năm 2013. 3 năm sau khi tra trường, Ngân không xin được công việc đúng ngành nghề và đành phải làm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống.

Hay Chu Thị Yến, thủ khoa đầu vào và đầu ra khoa Điện – Điện tử trường ĐH Giao thông Vận tải sau 3 tháng gửi hồ sơ chục nơi không có kết quả, gia đình khó khăn khiến Yến phải tính đến việc về quê làm lao động phổ thông.

Những con số biết nói

Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II công bố tháng 9 vừa qua đưa ra một thông tin đáng chú ý: Thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học trở lên tăng mạnh so với quý I/2017 cũng như cùng kỳ năm trước.

Quý II/2017 cả nước có 1.081,6 nghìn người lao động trong độ tuổi thất nghiệp. Trong đó số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 183,1 nghìn người, tăng 44,2 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 3,63% (quý trước là 2,79%). Còn ở nhóm trình độ trung cấp, tỷ lệ này là 3,5%.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Ngô Quý Nhâm, Trưởng bộ môn Quản trị nguồn Nhân lực, khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại Thương Hà Nội nhận định chuyện có bằng cấp cao nhưng thất nghiệp đang phản ánh đúng hiện trạng của việc dạy và học.

Thứ nhất, lỗi đầu tiên là các cơ sở đào tạo đã cấp bằng giỏi thậm chí xuất sắc cho những sinh viên không có năng lực thực sự và khả năng thích ứng. Nguyên nhân sâu xa là cách thức đào tạo và đánh giá không chú trọng đến năng lực nghề nghiệp và khả năng học hỏi về phát triển thực sự. “Đa số các trường đại học vẫn duy trì phương pháp đánh giá sinh viên dựa vào khả năng học thuộc chứ không phải khả năng tư duy hoặc kỹ năng giải quyết vấn đề”, ông nói.

Theo ông, khi nội dung kiến thức đưa vào chương trình đào tạo lạc hậu, xa rời thực tế thì sinh viên ra trường dù với tấm bằng xuất sắc thì vẫn lạc lõng với thực tế. Bên cạnh đó, cộng với sự ảo tưởng về năng lực qua tấm bằng giỏi thì sinh viên càng khó khăn trong việc tìm thấy công việc phù hợp với năng lực và kỳ vọng về đãi ngộ.

Thứ hai, ông cho rằng bản thân các sinh viên kể cả khi tốt nghiệp loại giỏi vẫn thiếu khả năng định hướng nghề nghiệp, không biết mình thực sự muốn làm gì, công việc/nghề nghiệp nào là phù hợp với bản thân trước và sau khi tốt nghiệp.

“Khi không có định hướng rõ ràng lúc còn đang học, sinh việ bỏ lỡ cả một năm cuối cùng đáng lẽ cần tập trung vào học những thứ cần thiết chuẩn bị cho công việc sau khi ra trường”, ông Nhâm nói.

Vì vậy, ông cho rằng cần phải giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp thật sớm, tốt nhất là trước khi vào đại học. Hoặc từ năm thứ 2, thứ 3 phải có nhận thức đúng đắn.

Bởi lẽ khi có định hướng rõ ràng, sinh viên sẽ tập trung năm cuối học chuyên sâu cho nghề nghiệp của mình viết luận văn về mảng quan tâm.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần làm 2 việc: thay đổi cách đánh giá, hướng trọng tâm vào năng lực tư duy nhiều hơn chứ không phải học vẹt và thiết kế lại chương trình để tạo điều kiện cho sinh viên điều chỉnh lại nghề nghiệp và sự tập trung học tập vào năm cuối.

Riêng đối với chuyện của Bùi Thị Hà, ông Ngô Quý Nhâm nhận định không phải cô không có cơ hội nghề nghiệp khi có một số trường ở nơi khác đã đề nghị mời Hà về dạy nhưng cô đã từ chối khi vừa muốn làm đúng nghề, vừa muốn gần gia đình. “Hà đã tự thu hẹp cánh cửa của mình”, ông Nhâm nói. Có thể đấy là sự lựa chọn của Hà, nhưng nếu mở rộng ra thì nó không phù hợp với giới trẻ hiện nay. Họ cần phải chủ động, dám chấp nhận thử thách để có cơ hội nghề nghiệp tốt cho bản thân.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên