MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Xây dựng đô thị thông minh là chủ đề nóng của khu vực, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết tại Hội thảo chuyên đề "Xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia" diễn ra chiều 2/10.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, xây dựng đô thị thông minh đang trở thành một chủ đề nóng trên các chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á năng động, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam trong hơn 30 năm vừa qua cũng đã chứng kiến sự đóng góp quan trọng của các đô thị. Đô thị hóa đang trở thành một xu thế chủ đạo, định hình kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa các nước đang phát triển.

Phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và các vùng miền trên cả nước. Đến nay Việt Nam đã có trên 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 38,6%.

Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung cả nước.

Các trung tâm đô thị đã và đang là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội đồng thời cũng là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.

Theo Thứ trưởng, mục tiêu về đô thị của Việt Nam đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 52 vừa được Bộ Chính trị ban hành gần đây.

Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trước đó, Thứ trưởng cũng cho biết hồi đầu tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030 với 7 quan điểm cụ thể.

Thứ nhất là phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.

Thứ hai là sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba là lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị...

Thứ tư là ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân.

Thứ năm là đảm bảo tính thống nhất, tối ưu hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng ICT hiện có dựa trên Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo khả năng tương tác...

Thứ sáu là tổ chức thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững kết hợp cả hai cách từ trên xuống và từ dưới lên, trung ương điều hành tập trung xây dựng hệ thống quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ, các địa phương đóng vai trò chủ động. Khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan, khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ trong nước...

Thứ bảy là trong giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

"Xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ rất mới, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ là yêu cầu tất yếu để có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra", ông nhấn mạnh.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên