MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Việt Nam đóng góp nhiều sáng kiến, văn kiện tại SOM 3

27-08-2017 - 19:46 PM | Tài chính quốc tế

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao – Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến, văn kiện tại SOM 3, liên quan tới những chủ đề ưu tiên của Việt Nam.

- Theo đánh giá của Thứ trưởng, Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 3 (SOM 3) có tầm quan trọng như thế nào?

- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Với đợt hội nghị SOM 3 lần này, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Tiếp nối SOM 1, SOM2, SOM 3 có ý nghĩa rất quan trọng.

Thứ nhất, đây là đợt hội nghị các quan chức cao cấp then chốt nhằm thảo luận, định hướng các văn kiện để trình lên Tuần lễ Cấp cao APEC, đặc biệt là Hội nghị cấp cao nhất của lãnh đạo các nền kinh tế APEC diễn ra vào cuối năm nay.

Thứ hai, SOM 3 giúp chuẩn bị chương trình nghị sự cho các nhà lãnh đạo trong sự kiện tháng 11 tới. Thứ 3, chúng ta rà soát lại toàn bộ các văn kiện hướng tới tuần lễ cấp cao, trong đó có các sáng kiến, văn kiện do Việt Nam đề xuất, liên quan tới những chủ đề ưu tiên của Việt Nam. Tại SOM 3, chúng ta sẽ cụ thể hóa chúng bằng những văn kiện cụ thể để hướng tới tuần lễ cấp cao APEC.

- Tại sao phát triển bao trùm lại được coi là một trong những nội dung trọng tâm của APEC năm nay?

- Trong thời gian qua, Phát triển bao trùm nhận được sự quan tâm rất lớn của các nền kinh tế thành viên APEC và thế giới. Khi tham dự một số chương trình nghị sự gần đây, tôi đều thấy nhắc đến phát triển bao trùm bởi quá trình toàn cầu hóa kéo theo tình trạng bất cân bằng khi một số doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa, chưa theo kịp sự phát triển nếu không muốn nói là tụt hậu.

Về khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế, rồi ngay trong từng nền kinh tế, có chỗ phát triển nhanh nhưng có chỗ lại chưa theo kịp. Chính vì thế, cần có chiến lược chung để thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội, các loại hình doanh nghiệp và toàn dân vào trong phát triển. Khi mọi người tham gia, thành quả sẽ được chia sẻ đều.

Năm nay, các nền kinh tế, đặc biệt là Việt Nam, đưa ra các khu vực hành động để phát triển bao trùm kinh tế, hành chính và xã hội. Đây là sáng kiến quan trọng của Việt Nam khi nó vừa thu hút được sự đồng tình, ủng hộ của các nền kinh tế và đáp ứng được kỳ vọng chung của các nền kinh tế khu vực, bao gồm cả Việt Nam.

Ngay ngày mai (28/80, chúng ta sẽ có cuộc hội thảo quan trọng về chủ đề này. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp lại thành văn kiện và trình lên Tuần lễ Cấp cao APEC.


Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Linh Anh

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Linh Anh

- Xin Thứ trưởng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và thông qua các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua?

- Trong vài năm qua, những hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong vòng hơn 10 năm qua, đã có 65 hiệp định thương mại song và đa phương được ký kết.

Đối với Việt Nam, kể từ khi mở cửa và hội nhập, chúng ta đã coi tiếp cận thị trường các nước là yếu tố vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, chúng ta đã đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác quan trọng.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như đang đàm phán, đã ký kết và đưa vào thực hiện các FTAs với các nước ở khu vực khác, ví dụ FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu, có hiệu lực từ 5/10/2016. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) sắp được ký kết. Ngoài ra, chúng ta cũng đang trong quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do khác.

Khi cả khu vực đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, chúng ta cũng đang trong quá trình đàm phán, ký kết và đi vào thực hiện hơn 10 hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện cho hàng hóa của VN đi ra khu vực và thế giới.

- Theo Thứ trưởng, Việt Nam đối mặt với những thách thức gì khi gia nhập các RTAs/FTAs?

- Thách thức đặt ra rất nhiều. Kinh tế thế giới phát triển ẩn chứa rất nhiều rủi ro chẳng hạn như có chỗ phát triển nhanh, có chỗ phát triển chậm rồi xu thế nghi ngại toàn cầu hóa xuất hiện nhiều hơn. Chính vì vậy, nhiều nền kinh tế vì mình là trên hết, khiến những nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, mở rộng, tiếp cận thị trường lẫn nhau để cùng phát triển của nhiều nền kinh tế bị chậm lại. Đó là thách thức lớn mà chúng ta phải đối mặt hiện nay. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bấp bênh, sản xuất dư thừa trên thế giới tăng, các nước xây dựng các loại hàng rào bảo hộ khác nhau.

Tuy nhiên, các FTAs ra đời với mục tiêu giúp nhau mở cửa, tiếp cận thị trường một cách ổn định, lâu dài, vẫn sẽ có những thuật lợi. Về cơ bản, các nền kinh tế đều nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác và mở cửa thị trường để cùng nhau phát triển. Trên cơ sở nền tảng tự do thương mại của WTO, các nước đang đàm phán với nhau về những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Mở cửa thị trường không gói gọn là mở cửa cho hàng hóa mà còn là dịch vụ, đầu tư công và các lĩnh vực khác.

Hiểu rõ những thuận lợi và thách thức, Việt Nam đẩy mạnh FTA để tranh thủ thuận lợi, tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

- Ông kỳ vọng ra sao về kết quả của Đối thoại lần này?

- Thực ra Đối thoại của APEC về các RTAs/FTAs trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là cuộc đối thoại định kỳ, diễn ra hàng năm khi các nền kinh tế gặp nhau. Mục tiêu cuối cùng là Hiệp định Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Tuy nhiên, cách tiếp cận của APEC và các nền kinh tế khu vực là các FTA tiểu khu vực, hướng tới FTA toàn khu vực. Hàng năm, chúng ta có đối thoại để chia sẻ kinh nghiệm và hôm nay cũng vậy. Khi các nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm về FTA tiểu khu vực mà họ đạt được với nhau, chúng ta có thể tổng hợp lại để hướng tới một FTAAP.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên