MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng đề nghị ngân hàng Nhật Mizuho tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam

17-12-2023 - 09:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Mizuho hiện có 2 chi nhánh ở Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM. Năm 2011, Mizuho trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank (VCB) thông qua thương vụ mua 15% cổ phần của VCB trị giá khoảng 567,3 triệu USD). Thủ tướng cho biết Chính phủ, các cơ quan phía Việt Nam ghi nhận các đề xuất của Mizuho và sẽ xử lý nhanh theo thẩm quyền.

Thủ tướng đề nghị ngân hàng Nhật Mizuho tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Chủ tịch ngân hàng Mizuho của Nhật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trưa 16/12, tại Tokyo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và ông Masahiko Kato, Chủ tịch ngân hàng Mizuho của Nhật.

Mizuho (2013) là một trong 3 "Đại ngân hàng" (megabanks) của Nhật Bản (bên cạnh SMBC và MUFG) với 461 chi nhánh tại Nhật Bản và 82 chi nhánh tại nước ngoài như Mỹ, châu Âu, Singapore, Trung Quốc… Tổng số nhân viên của Mizuho là hơn 24.000 người, doanh thu năm 2022 đạt hơn 15 tỷ USD, tổng tài sản (tính đến năm 2022) là hơn 1.700 tỷ USD.

Mizuho hiện có 2 chi nhánh ở Việt Nam tại Hà Nội và TPHCM. Năm 2011, Mizuho trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank (VCB) thông qua thương vụ mua 15% cổ phần của VCB trị giá khoảng 567,3 triệu USD).

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng cho biết Chính phủ, các cơ quan phía Việt Nam ghi nhận các đề xuất của Mizuho và sẽ xử lý nhanh theo thẩm quyền; đề nghị Mizuho ủng hộ, tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và có chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.

JETRO (1958) là cơ quan hành chính độc lập của Chính phủ Nhật Bản được hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), mục tiêu nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư qua lại giữa Nhật Bản và các nước mà Nhật Bản có quan hệ. Hiện nay, JETRO có trên 1.800 nhân viên, 76 văn phòng tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với 45 văn phòng tại Nhật Bản.

Việt Nam là nước duy nhất trong khối ASEAN mà JETRO có 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TPHCM.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch JETRO bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đầu tư giữa hai nước, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và hai nước vừa thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của JETRO tại Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, cũng như đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Nhật Bản nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Nhật Bản-ASEAN.

Thủ tướng đề nghị JETRO tiếp tục phối hợp các cơ quan Việt Nam triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch.

Thủ tướng đề nghị JETRO tham vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi tập trung các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng cũng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư về vốn, chuyển giao công nghệ, thể chế quản lý hiện đại; khai thác các cơ chế sẵn có của 2 nước về chuyển đổi xanh như Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á (AZEC).

PV

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên