Thủ tướng hỏa tốc chỉ đạo giao thực hiện vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ công tác quản lý, bảo trì đường sắt năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24/5....
- 10-05-2021Vực dậy đường sắt Việt Nam: Nâng cấp hệ thống cũ hay làm cao tốc mới?
- 05-05-2021Bị nợ lương, công nhân đường sắt lao đao
- 04-05-2021Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Lại lỡ hẹn, chưa ai chịu trách nhiệm
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc số 636 ngày 19/5/2021 gửi các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc giao thực hiện vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2021.
“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định pháp luật”, Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến việc thực hiện vốn bảo trì đường sắt năm 2021, từ đầu năm đến nay, do vướng mắc các quy định pháp luật và còn cách hiểu khác nhau về các quy định pháp luật này nên Cục Đường sắt Việt Nam - cơ quan được Bộ Giao thông vận tải giao vốn chưa thể tiến hành ký hợp đồng đặt hàng với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt. Việc này khiến doanh nghiệp không được ứng vốn, gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ lương người lao động.
Câu chuyện ách tắc vốn khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã diễn ra nhiều lần từ năm 2020 đến nay. Những tranh cãi quanh việc giao vốn bảo trì cho Cục Đường sắt hay Tổng công ty Đường sắt vẫn chưa có hồi kết.
Vì vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia còn tiếp diễn, nên đầu năm 2021, 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên. Đặc biệt, đơn vị chưa có kinh phí để trả lương cho người lao động trong 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động.
Vneconomy