MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Làm rõ nguyên nhân số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm

Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Sáng 2/4, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2018. Tại phiên họp này, trước tình trạng số doanh nghiệp thành lập mới tăng chậm lại, số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao, Thủ tướng đã yêu cầu làm rõ nguyên nhân.

Theo đó, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, sau 1/4, chặng đường của năm 2018, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển thuận lợi, các lĩnh vực đều có tăng trưởng tích cực.

Điểm lại tình hình tháng qua, Thủ tướng nhắc đến một số sự kiện quan trọng như đã ký Hiệp định CPTPP tại Chile, tổ chức Hội nghị cấp quốc gia về phòng chống thiên tai, tổ chức Hội nghị GMS 6 và CLV 10 hết sức thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Tất cả các nước đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

Về tình hình trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh một số chỉ số cơ bản đạt kết quả tốt như GDP quý I đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đạt 7,38%; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng mạnh, hơn 4%, gấp đôi cùng kỳ 2017. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng  9,7% (cùng kỳ chỉ tăng 4,48%), đặc biệt là ngành chế biến chế tạo tăng rất mạnh, đạt gần 14%.

Lạm phát được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm 2018 tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ là 6,4%).

“Nhân đây, tôi cũng thông tin, Nikkei vừa công bố sáng nay Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm”, Thủ tướng cho biết.

Một điểm sáng nữa là xuất khẩu ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%). Xuất siêu 1,3 tỷ USD, đặc biệt, nhập siêu từ Trung Quốc giảm 5,3 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt tương đương 32,2% GDP, trong đó đầu tư tư nhân tăng 16,9%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ  đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo PCI 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22/3 cho thấy điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của chính mình.

“Bây giờ các tỉnh đều lo tập trung cải thiện chỉ số này, cho nên, có một không khí đầu tư làm ăn ở các địa phương. Mới nhất, tôi đến tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh xa xôi nhưng thu hút được gần 24.000 tỷ đồng trong hội nghị xúc tiến đầu tư với nhiều dự án hết sức khả thi”, Thủ tướng nói.

Một điểm sáng nữa là thị trường chứng khoán phát triển tốt, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh 10 năm qua (1.170 điểm), thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội tiếp tục chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều mặt tồn tại, yếu kém để các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý. Việc thành lập mới doanh nghiệp tăng chậm lại. Số lượng doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao.

“Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp…”, Thủ tướng nói.

“Môi trường đầu tư còn rào cản gì, còn những gì không thuận, tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành tập trung phân tích, làm rõ. Chúng ta phải tiếp tục mở cửa thu hút vốn phát triển trong nước và ngoài nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng, cần cảnh giác vấn đề này. Nguyên nhân là giá dầu thô, giá hàng hóa cơ bản của thế giới có xu hướng tăng, một số hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường. Các bộ, ngành cần tập trung phân tích, đề xuất giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Cho rằng công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó có thể duy trì tốc độ tăng cao so với cùng kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo rõ các biện pháp thúc đẩy lĩnh vực này từ nay đến cuối năm.

Thủ tướng cũng đề cập 2 vấn đề nổi lên trong tháng 3 là an toàn giao thông và cháy nổ diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng. Đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, trong đó có vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy Carina Plaza.

“Tôi đề nghị các đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an báo cáo rõ thêm thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp đối với tình trạng này”, Thủ tướng chỉ đạo.

Nhấn mạnh việc khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quý I, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đóng góp về các kịch bản tăng trưởng năm 2018. “Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5-6,7% năm 2018, hôm nay là hết quý I, chúng ta phấn đấu đạt ít nhất 6,7%, từ đó đưa ra các số liệu cụ thể cho các cấp, các ngành liên quan để đóng góp vào tăng trưởng”, Thủ tướng nêu rõ.

Theo PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên