MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng nghe các chuyên gia Singapore chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, chiều nay, 26/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ, lắng nghe các nhà khoa học, trí thức tại Singapore giới thiệu về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 trong xây dựng Chính phủ kiến tạo.


Đây là những nhà khoa học, trí thức đã làm việc tại Chính phủ Singapore, đã và đang giảng dạy tại các trường Đại học và doanh nghiệp lớn của Singapore trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…

Các chuyên gia đều đánh giá cao việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quan tâm đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với mọi mặt kinh tế-xã hội.

Trong các nội dung nêu ra, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, xây dựng các dữ liệu lớn, công nghệ 3D… vào các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, điều hành doanh nghiệp…

Các chuyên gia cho biết, với việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nước đang đưa ra những mục tiêu phát triển rất cụ thể. Do đó nếu Việt Nam không nhanh chóng tận dụng được các thành tựu này thì sẽ có nguy cơ tụt hậu. Ví dụ như Trung Quốc đặt mục tiêu tự động hóa đến 80% vào năm 2025, do đó sản phẩm hàng hóa sẽ có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, nhiều nước đang thử nghiệm tiền ảo, một sự chuẩn bị dài hơi cho tương lai và điều này tác động đến Việt Nam nếu không có sự chủ động.

Thủ tướng nghe các chuyên gia Singapore chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Từ phân tích những thách thức và cơ hội, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó cần có cơ chế thu hút các nhà khoa học, trí thức tài năng, gồm cả các trí thức Việt Nam đang ở nước ngoài. Cùng với đó là đẩy mạnh đào tạo về tự động hóa, robot, vật liệu nano, đào tạo các chuyên gia giỏi am hiểu về điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 3D…

Để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thì Chính phủ có cơ chế hỗ trợ để kết nối giữa ý tưởng sáng tạo với các doanh nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để hiện thực hóa ý tưởng này. Nếu việc hiện thực hóa thành công thì Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn để phát triển dự án đó.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thế giới đang chuyển sang công nghệ 5G và cùng với công nghệ điện toán đám mây, thế giới sẽ sử dụng Internet vạn vật, tạo ra sự thay đổi ở nhiều quốc gia. Việt Nam có dân số trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tốt, cùng với việc nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới có mặt tại Việt Nam, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và ứng dụng thành công các công nghệ mới này. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có ban chỉ đạo quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bày tỏ ấn tượng về các ý kiến của các nhà khoa học, trí thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam có nhiều thời cơ đồng thời đối diện không ít nguy cơ, thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và việc tận dụng cơ hội, vượt qua các nguy cơ, thách thức, không để thất bại là vấn đề lớn đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong kỷ nguyên số.

Thủ tướng nghe các chuyên gia Singapore chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các chuyên gia đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý nhận diện thách thức và tận dụng các cơ hội đó.

Việt Nam thấy được sự nóng bỏng của vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, vấn đề này còn tác động lớn đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và “thành công hay không là từ đây”.

Bày tỏ mong muốn tiếp tục được lắng nghe và chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của các nhà khoa học, trí thức, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật để xử lý tốt vấn đề này.

Thủ tướng nghe các chuyên gia Singapore chia sẻ về cách mạng công nghiệp 4.0 - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Cơ quan công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech). Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Cơ quan công nghệ Chính phủ Singapore (GovTech), nghe giới thiệu về Kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh và Chính phủ ứng dụng kỹ thuật số của Singapore cũng như vai trò quan trọng của GovTech trong triển khai Kế hoạch.

GovTech được thành lập sau chương trình tái cấu trúc năm 2016, với mục đích thực hiện quá trình chuyển hóa kỹ thuật số trong khu vực công tại Singapore, nước phát triển chính phủ điện tử ở mức độ cao (đứng thứ 4 thế giới theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc năm 2017).


Theo Đức Tuân

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên