MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ kiến tạo không phải khẩu hiệu!

17-08-2016 - 09:31 AM | Xã hội

Sáng nay, 17-8, tại hội nghị cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân và DN có thấm được đến cơ sở hay chỉ dừng ở trung ương, cán bộ có nhũng nhiễu, vòi vĩnh dân?

Sáng nay, 17-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 20011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân thì không chỉ dừng lại ở trung ương, còn ở địa phương thì không chuyển biến. “Liệu tinh thần này có vượt qua được cấp tỉnh xuống đến cấp cơ sở không. Chính quyền cơ sở có phục vụ nhân dân, doanh nghiệp (DN) hay không? Hay lại hành dân, xa dân, quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân. Chúng ta có quyết tâm xây dựng được lớp cán bộ liêm chính không?”- Thủ tướng đặt vấn đề.

Thủ tướng nêu ra thực trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, quan liêu, không sát dân, không phục vụ được phát triển… Từ những yếu kém, tồn tại đó, Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hành chính, từ công tác cán bộ đến phương pháp làm việc, điều hành.

"Tại cuộc họp này, tôi đề nghị các đồng chí cần phải tổng kết một cách thực chất, làm sao đánh giá tình hình và giải pháp phải sát thực tiễn, chứ không phải là tổng kết hình thức. Chính vì vậy, tinh thần nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc, vướng mắc nhất hiện nay trong bộ máy, trong đội ngũ cán bộ công chức, trong thể chế pháp luật của chúng ta, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương…"- Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cho biết Chính phủ mong muốn xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển. Vậy thì tinh thần đó được chỉ đạo thế nào. Điều mà chúng ta đang nói về liêm chính, hành động, kiến tạo là ở Chính phủ trung ương, chứ các cấp, các ngành, đến các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, những nơi trực tiếp với dân có chuyển biến không?

"Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng "anh nói rất đúng, anh nói phải đấy, nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân không?" Ở dưới là đội ngũ cán bộ, công chức sát dân, sát DN hay là nhũng nhiễu thì cản trở sự phát triển. Có phải cán bộ là khâu yếu nhất của chúng ta? Đề nghị các đồng chí phát biểu cụ thể, đâu là hành động chúng ta cần phải làm để đem lại niềm tin của nhân dân? Chứ nếu chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được"- Thủ tướng trăn trở.

Theo Thủ tướng, hiện cả nước có 2,6 triệu công chức hưởng lương nhà nước, viên chức cũng trên 2 triệu. “Số lượng cán bộ đông như vậy thì có mạnh không? Phải nâng cao được chất lượng phục vụ, đổi mới cơ chế để tiến tới tự trang trải kinh phí, giảm dần biên chế để nâng lương cho những người phục vụ nhân dân, cả công chức, viên chức” - Thủ tướng yêu cầu.

"Chúng ta hội nhập với quốc tế rồi, chúng ta mà lạc hậu quá thì người ta khó chấp nhận. Phải cải cách từ tỉnh, huyện, xã đến địa bàn dân cư, để người ta thấy bộ máy hành chính của chúng ta phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển của đất nước, lấy lại niềm tin của nhân dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng bày tỏ Chính phủ muốn nghe nhiều hơn nữa hiến kế, cải cách quyết liệt, sắc sảo để CCHC thành công trong những năm tới. Giải pháp phải mạnh mẽ, cụ thể hơn để khả thi và đi vào cuộc sống. "Tôi xin nói với các đồng chí cái gì dân cũng biết hết. Cán bộ làm gì dân cũng biết, chứ không phải là không biết đâu. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình"- Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng gợi ý giải pháp như Chính phủ điện tử phải thông suốt từ trung ương đến cơ sở. “Thủ tướng có thể trao đổi với Chủ tịch UBND xã qua Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử là phục vụ người dân, DN chứ không phải là khẩu hiệu”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm gánh nặng ngân sách, Thủ tướng cho rằng đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá mạnh mẽ hơn nữa dịch vụ công từ giáo dục, y tế… Chính người bệnh nuôi cán bộ y tế thì thái độ y bác sĩ phục vụ phải như thế nào. Tương tự cán bộ từ xã trở lên là từ tiền đóng thuế của dân thì thái độ phục vụ người dân, DN phải đặt lên hàng đầu.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết trong 5 năm qua đã có 100 dịch vụ công được các bộ ngành địa phương được triển khai cấp ở độ 2, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đã và đang được triển khai thực hiện. Một số địa phương đã tích cực triển khai Chính phủ điện tử như Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, Bình Dương, Đà Nẵng tiến hành Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Lê Vĩnh Tân, công tác CCHC vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hệ thống pháp luật còn cồng kềnh. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi còn chưa đồng đều, còn yếu về năng lực phát hiện vấn đề, tham mưu và đề xuất các các biện pháp giải quyết. "Còn những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp"- Bộ trưởng Nội vụ thừa nhận.

Theo Thế Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên