MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực thi Basel II, khó ở đâu?

22-11-2016 - 09:27 AM | Tài chính - ngân hàng

Áp dụng thành công Basel II đòi hỏi phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi ro không được tính toán, hay bị phóng đại hoặc bị tính thấp đi có thể làm vô hiệu hóa tác dụng tích cực của Basel II. Mà điều này ở Việt Nam xem ra vẫn còn là một thách thức lớn.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ định thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, đó là các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB.

Thời thế mới cần tiêu chuẩn mới

Tiêu chuẩn Basel I, được áp dụng từ năm 1988, có nhiều nhược điểm. Nó không nhạy cảm với rủi ro, không phân biệt giữa rủi ro tín dụng với các loại rủi ro khác, và có thể dễ dàng vượt qua bằng các biện pháp lách luật. Vì chạy theo lợi nhuận nên các ngân hàng có xu hướng nắm giữ các tài sản chất lượng kém (rủi ro cao) thay vì các tài sản chất lượng cao (rủi ro thấp).

Trong cùng thời gian này, các sản phẩm tài chính mới như các sản phẩm phái sinh và chứng khoán hóa đã góp phần quan trọng làm thu hẹp ngành ngân hàng truyền thống. Điều này đã làm thay đổi tương lai của ngành ngân hàng và tạo ra các thách thức mới cho các nhà làm luật. Bởi vậy, Basel I được coi là hết tác dụng trong thời đại có nhiều sản phẩm tài chính mới phức hợp ra đời với sự hậu thuẫn của tiến bộ công nghệ.

Basel II

Basel II được “trình làng” tháng 6/2004 nhằm khắc phục các nhược điểm của Basel I bằng việc đo lường rủi ro một cách chính xác hơn và toàn diện hơn.

Basel II có 3 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là luật lệ, theo đó gắn yêu cầu vốn tối thiểu (CAR) sát hơn với mức độ rủi ro thực tế của ngân hàng, gồm các rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Như vậy, trụ cột luật lệ của Basel II tương tự như của Basel I, với khác biệt ở phương pháp tính rủi ro bình quân gia quyền.

Về rủi ro tín dụng, có 2 phương pháp tính. Phương pháp thứ nhất, thường được áp dụng bởi các ngân hàng nhỏ, không có khả năng tự xây dựng các mô hình đánh giá rủi ro tín dụng và có các hoạt động tín dụng các sản phẩm tài chính không mấy phức tạp.

Phương pháp tính rủi ro tín dụng thứ hai là phương pháp dựa trên đánh giá tín dụng nội bộ (IRB). Theo đó, lượng vốn ngân hàng cần phải nắm giữ đối với mỗi một khoản vay sẽ là một hàm số của rủi ro tín dụng ước tính của khoản vay đó. Đến lượt mình, rủi ro tín dụng ước tính được xác định dựa trên 4 biến số, gồm xác suất mất khả năng thanh toán (PD), lượng vốn bị mất khi xảy ra mất khả năng thanh toán (LGD), khoản cho vay tại thời điểm mất khả năng thanh toán (EAD), và kỳ hạn (M). Với sự áp dụng của phương pháp này, hầu như chắc chắn các ngân hàng sẽ đủ khả năng để hấp thụ hoàn toàn thiệt hại từ việc khách hàng mất khả năng thanh toán.

Trong phương pháp đánh giá tín dụng nội bộ IRB cũng lại có hai biến thể. Với biến thể “Cao cấp”, các ngân hàng sẽ phải tự xác định cả 4 biến số nói trên trong mô hình nội bộ của mình. Trong biến thể “Cơ bản”, các ngân hàng chỉ phải chịu trách nhiệm xác định biến số PD, còn 3 biến số còn lại thì được xác định bởi Ủy ban Basel.

Trụ cột thứ hai của Basel II là giám sát, nhằm xử lý các rủi ro không được trụ cột thứ nhất xử lý. Các thanh tra, giám sát viên sẽ xem xét sự đánh giá rủi ro nội bộ của ngân hàng để đưa ra kết luận liệu sự đánh giá nội bộ này đã phù hợp chưa và các ngân hàng đã nắm giữ đủ vốn tương ứng với mức rủi ro thực tế của họ hay chưa. Như vậy, trụ cột thứ hai này khuyến khích các ngân hàng tự xây dựng mô hình đánh giá rủi ro phù hợp.

Trụ cột thứ ba của Basel II là kỷ cương thị trường, thông qua việc bạch hóa thông tin, nhằm đảm bảo rằng kỷ cương thị trường hữu hiệu là một con mắt giám sát nữa bên cạnh các thanh tra, giám sát viên.

Như vậy, so với Basel I, Basel II phức tạp, nhạy cảm với rủi ro và có độ bao phủ rộng hơn nhiều. Bởi vậy, sự thực thi hữu hiệu Basel II đòi hỏi phải có sự thông hiểu của cơ quan chức năng cũng như của các ngân hàng về các vấn đề, thách thức và tác động của nó lên nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã có kế hoạch áp dụng Basel II ngay sau khi nó ra đời, với lộ trình khác nhau, bắt đầu hoặc với biến thể “Cơ bản” của phương pháp đánh giá tín dụng nội bộ IRB, hoặc “Cao cấp”, hoặc cả hai.

Với Việt Nam, Basel II mới được áp dụng thí điểm vào năm 2016 cho thấy sự khá chậm chễ. Nhưng khách quan mà nói, sự chậm chễ này có nguyên nhân từ một số trở ngại và thách thức.

Trở ngại và thách thức trong thực thi Basel II ở Việt Nam

Ngoài tính chất phức tạp và độ bao phủ rộng hơn Basel I làm cho việc thực thi nó trở nên khó khăn hơn nhiều so với Basel I, việc áp dụng thành công Basel II trước tiên đòi hỏi quốc gia áp dụng phải có một hệ thống tài chính phát triển và mạnh. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho rằng sự áp dụng sớm Basel II ở những nước có nguồn lực hạn chế sẽ làm phân tán các nguồn lực dành cho các ưu tiên cấp bách, làm loãng thay vì củng cố sự giám sát. Điều quan trọng là phải có đủ khả năng củng cố hệ thống tài chính và tập trung vào đạt được ở mức độ cao hơn việc tuân thủ các nguyên tắc cốt lõi của Basel. Việt Nam có thể đã theo đuổi phương châm tiến chậm nhưng chắc, chỉ tiến hành áp dụng Basel II sau khi đã có sự chuẩn bị đầy đủ, bắt đầu với việc lấp các lỗ hổng trong hệ thống tài chính của mình.

Thứ hai, áp dụng thành công Basel II đòi hỏi phải có số liệu chính xác, đáng tin cậy và kịp thời. Nếu rủi ro không được tính toán, hay bị phóng đại hoặc bị tính thấp đi có thể làm vô hiệu hóa tác dụng tích cực của Basel II. Mà điều này ở Việt Nam xem ra vẫn còn là một thách thức lớn, chưa biết bao giờ có thể khắc phục được.

Thứ ba, cùng một số liệu, trình độ và nhận thức của đội ngũ nhân lực liên quan đến thực thi Basel II sẽ quyết định những số liệu này được diễn giải như thế nào. Bởi vậy, một nhân tố quan trọng để áp dụng thành công Basel II là công tác đào tạo nhân lực nhằm trang bị đầy đủ kĩ năng và kiến thức phổ quát và cập nhật cho những người thực thi. Đây cũng là một lĩnh vực Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều.

Thứ tư, ở Việt Nam, dường như chỉ có các ngân hàng mới phải áp dụng Basel II, trong khi các chủ thể khác của thị trường tài chính như công ty tài chính, chứng khoán, và bảo hiểm lại không bị yêu cầu này. Sự phân biệt này có thể làm hỏng toàn bộ nỗ lực củng cố thị trường tài chính bởi những chủ thể này cùng với các ngân hàng sẽ quyết định sự ổn định của hệ thống tài chính. Vấn đề bất đối xứng về nghĩa vụ này còn được khuyếch đại bởi sự bất đối xứng về giám sát. Trong khi ngân hàng thương mại và công ty tài chính được giám sát bởi Ngân hàng Nhà nước thì công ty chứng khoán và bảo hiểm lại được giám sát bởi Bộ Tài chính. Sự phối hợp giám sát giữa các cơ quan chức năng này vẫn còn phải cải thiện hơn nữa.

Thứ năm, thực thi Basel II sẽ không hề rẻ. Với gánh nặng phải tuân thủ các chuẩn mực Basel II, các ngân hàng ở châu Âu đã được ước tính phải bỏ ra hàng chục triệu USD để thực thi Basel II. Như vậy, thường chỉ có các ngân hàng lớn ở Việt Nam mới có đủ khả năng theo đuổi cuộc chơi tốn kém mang tên thực thi Basel II. Tất nhiên, đổi lại, những ngân hàng lớn sẽ đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa rủi ro và lợi nhuận.

Cuối cùng, thực thi Basel II dẫn đến sự phân biệt giữa các đối tượng cho vay là doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ vì doanh nghiệp nhỏ thường được xem là có độ rủi ro cao hơn các doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng phải có giải pháp để hạn chế mặt trái này của Basel II.

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên