MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại sẽ chiếm 9,61% tổng GDP cả nước vào năm 2020

Thương mại trong nước giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nhưng Việt Nam vẫn thiếu một chiến lược tổng thể để phát triển bền vững.

Thương mại trong nước liên tục tăng trưởng

Trong giai đoạn 2006-2018, mặc dù đầu tư từ nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng đóng góp bình quân của thương mại trong nước cho GDP đều đạt mức hơn 10%/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội. Thống kê cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa cho doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta có mức tăng trưởng nhanh.

Nếu tính chung từ 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong cùng thời kỳ.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, vẫn còn những tồn tại hạn chế của thương mại trong nước , như là chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động thương mại còn chậm. Trong khi đó, tình trạng hàng giả, hàng lậu chưa hoàn toàn được kiểm soát, việc lừa đảo, chiếm đoạt, cung cấp thông tin không đầy đủ còn diễn ra phổ biến.

Thương mại sẽ chiếm 9,61% tổng GDP cả nước vào năm 2020 - Ảnh 1.
Dự báo vào năm 2020, lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP cả nước.

Ông Đông cho rằng, với sự xuất hiện của các hình thức thương mại mới, sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ là những tác động trực tiếp và gián tiếp tới thương mại trong nước. Do đó, Việt Nam rất cần có chiến lược mới trong phát triển thương mại trong nước.

“Phát triển thị trường trong nước thời gian tới phải dựa trên nền tảng thị trường và tôn trọng quy tắc thị trường. Quản lý thương mại thời gian tới cần tập trung vào giữ trật tự thị trường, bình ổn thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường. Nhà nước tạo nền tảng pháp lý phù hợp cho các loại hình thương mại theo hướng đảm bảo quyền tự do kinh doanh” ông Đông nói.

Bùng nổ của thương mại điện tử

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, mục tiêu phát triển thị trường trong nước là không chỉ nâng số lượng mà phải nâng chất lượng tăng trưởng. Do vậy, cần có một phần dự báo về xu hướng thay đổi.

“Dự báo xu hướng thay đổi, cơ cấu cung cầu sẽ thay đổi, chắc chắn thị trường trong nước không thể nhập nhiều hàng Trung Quốc, trong nước phải sản xuất. Trong chiến lược thị trường thương mại trong nước cần phải nhấn mạnh hơn nữa cách tiếp cận ưu tiên là sự bùng nổ của thương mại điện tử, kết hợp với thanh toán điện tử” - TS Trần Đình Thiên nói.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, Nhà nước nên đóng vai trò chủ đạo trong phát triển hạ tầng thương mại thông qua các chính sách về vốn, đất đai, thuế... Song song với đó, xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới thương mại theo vùng, miền, ngành hàng để tránh phát triển manh mún như vừa qua.

“Với những lo ngại khi các doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng thâu tóm các hệ thống siêu thị Việt Nam thì vấn đề quan trọng nhất là nhà sản xuất Việt Nam phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài. Nhà sản xuất Việt Nam đầu tư công nghệ, đi tắt đón đầu làm ra các sản phẩm tốt, không những tiêu thụ trong nước mà phải xuất khẩu” - ông Đoàn nói.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, việc ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự thảo chiến lược phát triển thương mại trong nước đã đặt mục tiêu cụ thể, giai đoạn từ nay tới năm 2020, GDP lĩnh vực thương mại chiếm 9,61% tổng GDP của cả nước. Đến năm 2035, đóng góp thương mại trong nước vào GDP của nền kinh tế sẽ chiếm 16,5-17% .


Theo Bá Toàn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên