MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiễn Chủ tịch Trung Quốc, ông Trump ra tay với Bắc Kinh?

09-04-2017 - 22:35 PM | Tài chính quốc tế

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký sắc lệnh hành pháp nhằm vào các quốc gia xuất khẩu thép giá rẻ vào thị trường nước này sau khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong 2 ngày 6 và 7-4.

Theo báo The New York Times, sắc lệnh kể trên chủ yếu nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Hiện chưa rõ nội dung chính xác của sắc lệnh hoặc nó cứng rắn đến đâu. Tuy nhiên, sắc lệnh được xem là nỗ lực hiện thực hóa cam kết được ông Trump đưa ra lúc tranh cử: xử lý vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson, ông Nicholas Lardy, cho biết các vụ kiện chống bán phá giá thép chủ yếu mang tính biểu tượng vì nhập khẩu thép của Mỹ từ Trung Quốc chỉ chiếm vài điểm % thâm hụt thương mại. Chính quyền Tổng thống Obama trước đó nộp nhiều đơn kiện hành vi bán phá giá lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).


Ông Trump và ông Tập (phải) hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Ông Trump và ông Tập (phải) hôm 7-4. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, ông Trump hiện chưa có kế hoạch thực hiện lời hứa đánh thuế 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc gọi Bắc Kinh là nước thao túng tiền tệ.

Động thái này cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã lắng nghe những tiếng nói ôn hoà của một số cố vấn. Họ lập luận Mỹ có thể trả giá đắt nếu phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Trong một cử chỉ hoà giải, Trung Quốc và Mỹ thông báo hai nước sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao thường niên về những vấn đề liên quan tới chiến lược và kinh tế. Các chủ đề nhạy cảm có thể bao gồm mối bận tâm của Mỹ về khả năng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ mua lại mảng kinh doanh điện hạt nhân của Công ty Westinghouse Electric.

Từng là biểu tượng của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, Westinghouse buộc phải nộp đơn xin phá sản hồi tháng 3 năm ngoái sau khi hứng chịu những tổn thất lớn.

Thời điểm này, Bắc Kinh đang cố gắng phát triển năng lực hạt nhân bên cạnh việc thúc đẩy các nhà phát triển tự tìm cơ hội bên ngoài đại lục. Nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã đặt ra mối quan ngại về an ninh ở một số nước, trong đó có Mỹ.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao động

Trở lên trên