Tiến sĩ RMIT: Startup ở giai đoạn đầu và chưa niêm yết rất hấp dẫn nhà đầu tư
Theo Tiến sĩ Burkhard Schrage, lãi suất thấp trên khắp thế giới thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội từ các “tài sản thay thế”. Trong bối cảnh đó, startup ở giai đoạn đầu và chưa niêm yết được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
- 22-07-2021Giải mã việc ngày càng nhiều startup Việt "bị chi phối" bởi 1 công ty Singapore: Từ Cốc Cốc, Base, Luxstay... và mới nhất là Tiki
- 22-07-2021Vĩnh Hoàn "bắt tay" CJ và Baemin rót vốn vào startup thịt tôm nhân tạo tại Singapore, hướng đến công nghiệp protein thay thế
Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị, Đại học RMIT và Quản lý Đối tác Quỹ Explora Capital đã dành thời gian chia sẻ với Người Đồng Hành về góc nhìn của ông đối với câu chuyện đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.
- Ông nhận định ra sao về môi trường đầu tư tại Việt Nam?
- Cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều quan tâm đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và cơ hội đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nói riêng.
Lãi suất thấp trên thế giới thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội từ "tài sản thay thế" bao gồm các khoản đầu tư vào các thị trường mới nổi và vào các công ty giai đoạn đầu. Ngoài ra, thị trường chứng khoán gần đạt đỉnh cao lịch sử đã cản trở bớt cách đầu tư truyền thống vào cổ phiếu. Do đó, các công ty ở giai đoạn đầu và chưa niêm yết rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư.
Việt Nam có các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý, nền kinh tế mở và định hướng thương mại, chính trị ổn định nên được các nhà đầu tư coi là "Con hổ châu Á" tiếp theo. Mặc dù sự bùng phát dịch Covid-19 gần đây có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay nhưng các nguyên tắc đầu tư cơ bản vẫn phù hợp với các startup đang trong giai đoạn đầu phát triển. Các quỹ mạo hiểm hào hứng với việc đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh môi trường startup đang phát triển mạnh mẽ ở đây.
- Theo ông, các quỹ đầu tư nội địa có sức mạnh như thế nào so với quỹ ngoại?
- Các công ty khởi nghiệp mong muốn từ nhà đầu tư nhiều hơn là chỉ dừng lại ở tiền. Họ cần được hướng dẫn cách quản lý công ty và đi ra thị trường.
Các quỹ đầu tư ngoại khó đáp ứng được những yếu tố này nhưng quỹ nội lại có rất nhiều lợi thế. Nhiều quỹ nội đang hoạt động rất tốt và đang trở nên cạnh tranh đối với các quỹ ngoại.
Có thể nói, việc hiểu nhà sáng lập, hiểu cách vận hành của startup là những lợi thế quan trọng. Do đó, tôi dự đoán rằng đầu tư mạo hiểm trong nước và quỹ đầu tư tư nhân sẽ là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất trong những năm tới.
- Các quỹ đầu tư nên can thiệp như thế nào vào hoạt động của startup và tỷ lệ sở hữu bao nhiêu là hợp lý?
- Các quỹ mạo hiểm thường đầu tư trong từng giai đoạn trưởng thành của công ty khởi nghiệp. Các quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có thể được phân thành 3 loại khác nhau: Thứ nhất là quỹ vườn ươm đầu tư vào startup trong giai đoạn sớm khi công ty chỉ mới phát triển về ý tưởng. Thứ hai là các quỹ đầu tư giai đoạn đầu hay còn gọi là quỹ hạt giống. Quỹ này thường đầu tư khi công ty thử nghiệm thành công mô hình sản phẩm và có thể đã tìm được một lượng khách hàng nhỏ.
Cuối cùng là quỹ ở giai đoạn tăng trưởng dành riêng cho các công ty cần đầu tư để mở rộng quy mô hoạt động và đang trong quá trình tìm kiếm cho vòng gọi vốn Series A hoặc B.
Các vườn ươm khởi nghiệp thường hỗ trợ startup về văn phòng, mạng lưới liên kết với các công ty khởi nghiệp khác và nguồn vốn nhỏ. Các quỹ đầu tư hạt giống hỗ trợ startup về chuyên môn như kỹ năng phát triển kinh doanh, kỹ thuật, quản trị công ty…. Các quỹ tăng trưởng mang lại nhiều giá trị hơn về mặt kết nối với những đối thủ khác trên thị trường, kết nối với các nhà đầu tư lớn hơn nữa, cũng như tư vấn chiến lược chung…
Số cổ phần mà các quỹ đầu tư muốn sở hữu từ startup cũng khác nhau. Các quỹ giai đoạn vườn ươm sẽ muốn sở hữu khoảng 5 đến 10% cổ phần. Quỹ đầu tư giai đoạn hạt giống từ 15 đến 20% cổ phần và quỹ tăng trưởng khoảng từ 15 đến 30% cổ phần của công ty startup.
- Theo ông, các startup tại Việt Nam có lợi thế gì?
- Các nhà đầu tư theo quan sát nhìn thấy được sự năng động của startup Việt. Thông thường, những startup này rất có động lực và hoài bão, đồng thời cảm thấy thoải mái với rủi ro khi thành lập một công ty mới và hầu hết họ đều rất giỏi về mặt kỹ thuật.
Mặt khác, cũng đúng khi cho rằng startup Việt thiếu kinh nghiệm quản lý công ty và các kỹ năng mềm cần thiết để thành công trong quá trình gọi vốn. Tôi đã thấy nhiều bài thuyết trình của các startup chưa đủ để thuyết phục các nhà đầu tư nghiêm túc.
Theo tôi, các startup cần bổ sung kỹ năng mềm khác như làm việc nhóm. Đôi khi các startup thiếu hiểu biết cơ bản về cách huy động vốn từ các nhà đầu tư. Vì vậy, các startup nên sớm tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cá nhân hoặc nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn để giúp định hướng những thách thức cụ thể cho những công ty trong giai đoạn đầu.
- Startup nên chọn những nhà đầu tư như thế nào để có thể xây dựng mối quan hệ bền vững, cùng phát triển?
- Khi một công ty startup đang trong giai đoạn trưởng thành, thường có nhiều loại nhà đầu tư khác nhau giúp họ tăng giá trị cho công ty. Nói chung, điều quan trọng là phải có sự phù hợp giữa những người sáng lập và các nhà đầu tư về mặt tính cách.
Điều này có thể được tìm thấy thông qua các cuộc họp. Nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn đầu cũng đánh giá hồ sơ tính cách của các startup và xem liệu có phù hợp với văn hóa của quỹ đầu tư hay không, đồng thời xem liệu các nhà sáng lập startup có đủ sức chịu đựng để vượt qua thách thức mà các công ty khởi nghiệp có thể gặp phải hay không.
Sau đó, cần có sự bổ sung về kỹ năng giữa công ty startup và các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi một sự "phân tích lỗ hổng" của công ty khởi nghiệp và sự trung thực: những nhà sáng lập làm tốt điều gì và họ cần hỗ trợ trong lĩnh vực nào? Họ nên thảo luận rõ ràng với các nhà đầu tư xem liệu các nhà đầu tư có thể giải quyết được khoảng cách năng lực hay không.
Cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất, các công ty startup và nhà đầu tư phải đồng nhất 100% về các mục tiêu, cột mốc cần đạt được và điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ phát triển khác đi sau khi đầu tư? Để giải quyết vấn đề này, các nhà đầu tư sẽ soạn thảo một thỏa thuận giữa cổ đông nêu rõ "các quy tắc giao kết". Giao tiếp cởi mở và thẳng thắn giữa công ty startup và các nhà đầu tư là chìa khóa để đạt được cả ba mục tiêu này.
- Startup đốt tiền xong thất bại thì theo ông, trách nhiệm mỗi bên như thế nào?
- Đó là một câu hỏi hay! Ban điều hành startup phải chịu trách nhiệm. Và hầu hết thời gian, hội đồng quản trị bao gồm những người sáng lập công ty và các nhà đầu tư. Hội đồng quản trị đưa ra định hướng cho ban lãnh đạo về các mục tiêu trung và dài hạn.
Ngoài ra, họ thường cẩn thận xem tỷ lệ "đốt tiền" hàng tháng (bao nhiêu tiền được sử dụng hàng tháng). Điều này rất quan trọng vì hầu hết các công ty khởi nghiệp không có hoặc ít doanh thu và có thể mất nhiều năm cho đến khi họ có lãi. Một yếu tố quan trọng để thành công là có một hội đồng quản trị tuyệt vời đối với các công ty trong giai đoạn đầu và đã trưởng thành hơn.
- Muốn khởi nghiệp, ngoài tiền ra, cần những yếu tố nào?
- Các startup có nhiều ràng buộc ngoài kinh phí. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải chọn đúng những nhà đầu tư hoặc các đối tác kinh doanh ban đầu để giúp bổ sung kỹ năng và kết nối.
Việc tìm kiếm những nhà đầu tư này sẽ là một ý tưởng tuyệt vời và thực tế. Nhiều nhà đầu tư cũng sẽ xem xét tư liệu có "khả năng mở rộng" hay không, nghĩa là nó có nhắm đến một thị trường lớn hơn hay không. Cuối cùng, để thành công, các startup nên chứng minh cách họ có thể thực hiện dự án này tốt hơn bất kỳ ai khác. Nếu không, các startup có thể trở thành nạn nhân của bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.
Thông thường, những nhà sáng lập startup là những nhà đổi mới tuyệt vời trong lĩnh vực của họ, cho dù đó là lĩnh vực coding máy tính, logistics, toán học, chăm sóc sức khỏe hay thương mại điện tử. Nhưng như đã chỉ ra ở trên, họ có thể thiếu các kỹ năng mềm cần thiết và kiến thức về quy trình gọi vốn.
- Theo ông, yếu tố Covid-19 tác động thế nào đến startup?
- Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động kinh doanh và các startup cũng không ngoại lệ. Các thủ tục hành chính bị chậm lại và có lẽ quan trọng nhất là các cuộc họp giữa cá nhân cũng rất khó tổ chức.
Điều này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh doanh và các hoạt động khác mà đòi hỏi sự tương tác trực tiếp.
Nhiều startup nhắm đến việc đột phá các phương thức kinh doanh hiện tại bằng các giải pháp kỹ thuật số. Vì vậy, chúng ta có thể quan sát thấy rằng một số công ty khởi nghiệp sáng tạo thậm chí còn được hưởng lợi từ đại dịch.
Các startup đang phát triển các giải pháp cho phép các công ty hoạt động linh hoạt hơn trong quá trình kinh doanh của họ, chẳng hạn như tuyển dụng và số hóa các giao dịch của người tiêu dùng như thương mại điện tử, hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và thu hút sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư.
Điều này sẽ tiếp tục, nhưng tôi cũng hy vọng sẽ có những công ty startup giải quyết các vấn đề khác, cho dù đó là về năng lượng bền vững, canh tác bền vững hay tự động hóa trong sản xuất.
Bức tranh khởi nghiệp trong tương lai dài hạn chắc chắn có nhiều điểm sáng. Các yếu tố đầu vào mang tính cấu trúc như dân số trẻ và dám chấp nhận rủi ro, vượt trội về khoa học tự nhiên và mạng lưới hỗ trợ ngày càng phát triểnlà chìa khóa để đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Người đồng hành