Tín dụng tăng cao nhưng không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất
Khác với các năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng nhanh và đều qua các tháng từ đầu năm. Tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước và không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất.
- 20-07-2017Nhiều loại lãi suất cùng giảm mạnh
- 20-07-2017Vì sao các ngân hàng mới chỉ giảm lãi suất cho vay mà chưa giảm lãi suất huy động?
- 19-07-2017Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 21/7.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.
Thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định mặt bằng lãi suất mặc dù có sức ép tăng do lạm phát cuối năm 2016, đầu năm 2017 ở mức cao.
Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và từ ngày 10/7/2017, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.
“Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5% đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm”, Thống đốc khẳng định./.
Báo tin tức